Tìm hiểu về kỹ thuật mở màng phổi cấp cứu

Bài viết được viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Văn Phong - Bác sĩ cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Mở màng phổi là việc đưa một kim, ống thông hoặc ống trocar vào khoang màng phổi để dẫn lưu khí hoặc dịch.

1. Chỉ định

  • Tràn khí màng phổi lượng nhiều, tràn khí màng phổi áp lực trên bệnh nhân thở máy.
  • Tràn máu màng phổi: Chấn thương, tai biến phẫu thuật.
  • Tràn mủ màng phổi cần dẫn lưu, mở màng phổi cấp cứu
  • Tràn dịch màng phổi lượng nhiều gây suy hô hấp: Do bệnh lý ác tính
  • Tràn dịch dưỡng chấp
  • Chẩn đoán nguyên nhân dịch màng phổi

2. Chống chỉ định

Không có chống chỉ định tuyệt đối, chống chỉ định tương đối trong các trường hợp sau:

  • Rối loạn đông máu, dùng kháng đông: Cần tạm ngưng thuốc kháng đông, truyền chế phẩm máu để INR ≤ 1.5, tiểu cầu ≥ 50g/l mới thực hiện thủ thuật.
  • Những bệnh nhân có tiến sử phẫu thuật lồng ngực, hoặc đã được làm dính màng phổi, tổn thương da ở vị trí dự định mở màng phổi.

3. Bảng kiểm thực hiện kỹ thuật dẫn lưu màng phổi

STT Các bước thực hiện Đạt
1 Chuẩn bị bệnh nhân
Người bệnh nên để ở tư thế nằm ngửa, đầu cao 30 độ, tay để sau đầu, tay được dang ra một góc 90 độ với thân mình.
2 Chuẩn bị dung cụ
Lidocain 2%, thuốc giảm đau
Găng vô khuẩn, áo, mũ, khẩu trang
Dung dịch sát khuẩn
Dao rạch da số 11 hoặc 15, Chỉ khâu 2.0, bơm tim 10 ml
Chỉ khâu 2.0 silk ( cột ống dẫn lưu) và chỉ 3.0 nylon ( khâu da).
Ống dẫn lưu kích thước từ 24F và 32 F.
Dẫn lưu máu, mủ: Ống dẫn lưu 32F.
Dẫn lưu khí và dịch: Ống dẫn lưu 24F.
Bình dẫn lưu van 1 chiều có thể dùng hệ thống bình dẫn lưu 3 ngăn.
3 Chọn vị trí chọc ống dẫn lưu
Có thể đặt ống dẫn lưu trong tam giác an toàn.
Tam giác an toàn: Bờ trước là bờ ngoài cơ ngực lớn. Bờ sau là bờ ngoài cơ lưng rộng. Đỉnh là hõm nách. Đáy là đường đi qua khoang liên sườn V.
4 Đặt ống dẫn lưu
1. Sát khuẩn da, trải săng có lỗ vô khuẩn bộc lộ vùng dẫn lưu.
2. Gây tê tại chỗ mở màng phổi bằng lidocaine 2%:
Kim gây tê đi sát bờ trên xương sườn dưới để tránh tổn thương bó mạch và thần kinh liên sườn.
Gây tê từng lớp từ da vào cơ liên sườn, lá thành màng phổi. Vừa đẩy kim vào sâu vừa hút. Khi hút không ra máu sẽ bơm thuốc tê.
3. Rạch da và cân cơ dọc theo cung sườn khoảng 1 – 1.5 cm
4. Dùng đầu kiềm Kelly cong bóc tách mô dưới da và cơ liên sườn. Tách dần từng lớp cho đến khi đầu Kelly vào tới lá thành màng phổi. (Cầm Kelly bằng tay phải mở và đóng banh để mở rộng đường vào.Tay trái cầm gần đầu mút tạo cữ để ngăn không cho kelly đâm sâu vào lồng ngực).
5. Dùng ngón tay út đưa vào lỗ mở để thăm dò khoang màng phổi. Cần đảm bảo màng phổi không dính vào thành ngực.
6. Đưa ống dẫn lưu vào khoang màng phổi: Dùng Kelly kẹp đầu ống dẫn lưu đưa vào lỗ mở. Ống dẫn lưu cần phải kẹp ở đầu xa trong lúc đưa vào để tránh rò khí.
Trong trường hợp tràn khí màng phổi, nên luồn ống dẫn lưu lên trên và ra trước và đảm bảo dẫn lưu khí tốt nhất.
Trong trường hợp tràn dịch màng phổi, ống dẫn lưu nên luồn ra sau và xuống dưới.
7. Khâu cố định ống dẫn lưu bằng mũi chữ U, cột ống dẫn lưu, khâu da và băng ép gạc vô khuẩn xung quanh dẫn lưu.
5 Kết nối ống với hệ thống bình dẫn lưu vô khuẩn
Kết nối ống dẫn lưu với bình dẫn lưu.
Hút dẫn lưu với áp lực: - 20cm H2O. Lưu ý: Không hút áp lực cao, hoặc tháo dịch với số lượng lớn > 1000ml/lần có thể gây phù phổi.
6 Kết thúc và theo dõi
Thu dọn dụng cụ, ghi hồ sơ bệnh án, làm tường trình thủ thuật
Chụp X quang ngực ngay sau thủ thuật để xác định lại vị trí ống dẫn lưu
Theo dõi sinh hiệu, SpO2, triệu chứng đau ngực, lượng dịch dẫn lưu, hoạt động của hệ thống dẫn lưu.
Thay băng chân ống dẫn lưu mỗi 24 giờ.
7 Trường hợp tràn khí màng phổi: Sau khi hết khí 24 giờ thì kẹp ống dẫn lưu. Nếu lâm sàng và trên X Quang, phổi nở tốt thì kẹp ống dẫn lưu trong vòng 24 giờ. Sau 24 giờ kẹp ống, đánh giá lại lâm sàng, X quang phổi nếu không có tràn khí tái phát thì rút ống dẫn lưu.
Trường hợp tràn dịch màng phổi: nếu lượng dịch dẫn lưu ≤ 50ml/24 giờ, lâm sàng cải thiện, X quang phổi ghi nhận phổi nở tốt thì rút ống dẫn lưu.
Chụp X quang ngực kiểm tra sau khi rút ống dẫn lưu 12-24 giờ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

  1. Critical Care Medicine_ Principles of Diagnosis and Management in the Adult- Joseph E. Parrillo, R. Phillip Dellinger – 2014
  2. Procedure in critical care, C. Wiliam Hanson, III
  3. Intensive-care-medicine-7th- Irwin-Rippes
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

323 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan