Làm gì với lợi thừa ở răng hàm?

Mọc thịt thừa ở nướu răng là tình trạng thường gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thể có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe.

1. Nguyên nhân dẫn đến lợi thừa ở răng hàm

Lợi thừa ở răng hàm là tình trạng mô nướu xuất hiện một phần lợi thừa bất thường và gây ra nhiều ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và sức khỏe răng miệng. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm:

  • Biến chứng do sâu răng

Sâu răng là bệnh lý nha khoa thường gặp ở nhiều người và nhiều độ tuổi khác nhau với quá trình hủy khoáng và làm mất mô cứng của răng. Trong giai đoạn đầu khi lỗ sâu còn ở lớp men thì bệnh nhân thường không cảm thấy đau nhức. Tuy nhiên khi tiến triển vào lớp ngà răng hoặc tủy răng sẽ gây ra đau nhức dữ dội. Nếu không được điều trị kịp thời có thể xuất hiện một phần lồi ở nướu do tủy răng bị viêm nhiễm và hoại tử.

  • Áp xe răng

Áp xe răng có nguyên nhân do vi khuẩn xâm nhập vào tổ chức bên dưới mô nướu hoặc quanh chóp và gây viêm nhiễm tạo thành ổ mủ. Nướu sẽ có xu hướng sưng lên khá to và có hình dạng như cục thịt thừa khi ổ mủ này đọng lại và phát triển.

Đi kèm với tình trạng sưng nướu thì áp xe răng còn gây ra nhiều triệu chứng khác dễ nhận biết hơn như răng lung lay, nướu chảy mủ, đau nhức, hôi miệng, ê buốt răng dữ dội,...

  • Viêm lợi trùm do răng khôn

Viêm lợi trùm là tình trạng nướu răng bị viêm và sưng lên do răng khôn mọc lệch và không thể mọc lên như bình thường. Bệnh lý này đặc trưng cho tình trạng nướu răng sưng to, nổi cục thịt, đau nhức và khó chịu. Nghiêm trọng hơn có thể có tình trạng sưng đỏ tấy và chảy dịch mủ khi dùng tay ấn vào.

Khi xuất hiện lợi thừa ở răng hàm sẽ làm thức ăn dễ dàng đọng lại giữa phần răng và lợi làm cho bệnh nhân khó vệ sinh sạch sẽ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn có hại phát triển dễ dàng gây viêm nhiễm mô nướu. Tình trạng này thường có chỉ định sử dụng kháng sinh để điều trị viêm nhiễm và tiến hành nhổ răng khôn.

  • Viêm nướu triển dưỡng

Viêm nướu triển dưỡng là tình trạng kết hợp giữa một số bệnh lý khác như rối loạn nội tiết, tim mạch, tiểu đường, thai nghén với viêm nhiễm do mảng bám. Không giống như viêm nướu thông thường tình trạng này sẽ có cao răng nhiều kết hợp túi nướu giả từ 3 – 4mm.

2. Biến chứng có thể xảy ra khi mọc thịt thừa ở nướu răng

Nướu răng xuất hiện cục thịt thừa có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý khác nhau. Điều này có thể làm bạn khó chịu khi ăn uống, dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống đáng kể.

Ngoài ra, tình trạng này còn có thể tiến triển và gây ra những biến chứng nặng nề hơn nếu như không được điều trị như:

  • Mất răng: Khi sâu răng đã tiến triển đến mức độ nặng lan vào tủy sẽ gây ra quá trình hoại tử không có khả năng hồi phục. Nếu không được điều trị tủy răng kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả mất răng.
  • Viêm tấy sàn miệng: Khi vi khuẩn tích tụ trong cục thịt thừa lâu ngày với số lượng đủ lớn có thể lan rộng ra vùng dưới lưỡi, sàn miệng, dưới hàm và vùng cằm gây ra viêm tấy sàn miệng làm tắc nghẽn hô hấp, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
  • Nhiễm trùng huyết: Nhiễm trùng huyết là biến chứng nặng nề xảy ra khi những vi khuẩn có hại xâm nhập vào hệ thống tuần hoàn máu gây nhiễm trùng. Tình trạng này thường xuất hiện khi ổ áp xe phát triển lớn và không kịp thời ngăn chặn.

3. Điều trị tình trạng lợi thừa ở răng hàm

Phương án điều trị sẽ được quyết định phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bao gồm:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh

Trong trường hợp phần nướu răng của bệnh nhân xuất hiện tình trạng sưng và viêm tấy đỏ thì bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và thực hiện sát trùng ổ viêm. Sau đó, kê đơn thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn.

Sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm nướu được coi là một phương pháp tạm thời tình trạng viêm lợi. Liều lượng thuốc kháng sinh sẽ được kê đơn uống trong khoảng 5-7 ngày, sau đó phần lợi sẽ dần ổn định hơn để tiến hành các phương án điều trị khác.

  • Lấy cao răng để làm sạch

Thực hiện lấy cao răng để làm sạch đi phần vôi răng trên nướu và dưới nướu nhằm loại bỏ đi hệ vi khuẩn gây ra tình trạng viêm nướu.

  • Rạch dẫn lưu mủ

Khi xuất hiện phần thịt thừa có mủ hoặc có dịch bên trong, bác sĩ sẽ tiến hành rạch ra để dẫn lưu mủ nhằm làm dịu cơn đau và đẩy nhanh quá trình lành thương nướu răng.

  • Phẫu thuật cắt bỏ lợi trùm

Cắt lợi trùm là một loại tiểu phẫu nhỏ trong nha khoa giúp loại bỏ phần lợi mọc trùm lên răng khôn để giải phóng không gian và tạo điều kiện cho răng khôn tiếp tục mọc lên.

Trước khi thực hiện cắt lợi trùm, bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh khoang miệng và gây tê phần lợi cần cắt. Sau đó sẽ có sưng kèm rỉ máu nhẹ và sẽ bình phục sau khoảng 1-2 tuần.

4. Hướng dẫn chăm sóc tại nhà khi nướu răng có thịt thừa

Nướu răng nổi cục thịt thường do tình trạng vệ sinh răng miệng kém gây ra các bệnh lý răng miệng. Do đó, vệ sinh răng miệng sẽ là cách tốt nhất để hạn chế việc xuất hiện tình trạng này cũng như ngăn ngừa các bệnh lý liên quan. Một số biện pháp chăm sóc răng miệng trong trường hợp này bao gồm:

  • Chải răng đúng cách với tần suất từ 2 – 3 lần/ ngày với bàn chải có lông mềm để tránh kích thích và chảy máu mô nướu.
  • Dùng nước súc miệng chứa khoáng chất và dung dịch diệt khuẩn nhằm loại bỏ các vi khuẩn có hại và hỗ trợ thúc đẩy quá trình tái khoáng để làm chậm tiến triển của bệnh sâu răng.
  • Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch đi thức ăn thừa bị giắt ở kẽ răng mà bàn chải không thể chạm đến để làm sạch.
  • Sử dụng có giới hạn các thực phẩm và đồ uống gây hại cho răng như nước ngọt có gas, đường, thực phẩm quá nóng hoặc lạnh, thức ăn có vị quá chua, cay,...
  • Loại bỏ một số thói quen có hại cho sức khỏe răng miệng như nghiến răng, hút thuốc lá, uống rượu bia,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

23.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan