Loạn năng khớp thái dương hàm có chữa được không?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Loạn năng khớp thái dương hàm không chỉ gây ra tiếng kêu khi người bệnh mở miệng hoặc nhai mà chúng còn gây đau đớn, khó chịu. Người bệnh bị chứng rối loạn khớp thái dương hàm do nhiều vấn đề khác nhau có thể kể tới như viêm khớp, chấn thương xương hàm, hay cơ bị mỏi do hàm siết chặt hoặc mài răng. Vậy loạn năng khớp thái dương hàm là gì và loạn năng khớp thái dương hàm có chữa được không? Bài viết sẽ giúp bạn đọc trả lời cho câu hỏi này.

1. Loạn năng khớp thái dương hàm là gì?

Loạn năng khớp thái dương hàm là rối loạn liên quan đến các cơ nhai, đến khớp thái dương hàm hoặc cả hai. Nhưng vỡ biểu hiện của căn bệnh này thường không rõ ràng, thoáng qua, thậm chí có người tự nhiên khỏi, chính vì thế hầu hết mọi người không mấy quan tâm. Bệnh tuy không gây tử vong nhưng nếu phát hiện chậm sẽ rất khó điều trị và gây ra nhưng khó chịu, mệt mỏi cho cơ thể.

Loạn năng khớp thái dương hàm sẽ làm đau có chu kỳ, co thắt cơ và mất cân bằng ở khớp nối giữa xương hàm dưới và xương sọ. Đây là khớp động duy nhất trong hệ thống sọ mặt, có vai trò quan trọng trong các hoạt động chức năng của hệ thống nhai. Khi bị bệnh rối loạn khớp thái dương hàm sẽ gây ra đau đớn ở khớp thái dương – khớp ở hai bên đầu ở phía trước của tai, nơi điểm xương hàm tiếp ứng sọ. Vì vậy khi bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới việc giao tiếp, ăn uống, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.

Cử động hàm có tiếng kêu có phải viêm khớp thái dương hàm?
Loạn năng khớp thái dương hàm sẽ làm đau có chu kỳ, co thắt cơ và mất cân bằng ở khớp nối giữa xương hàm dưới và xương sọ

2. Triệu chứng của bệnh rối loạn khớp thái dương hàm

Các triệu chứng có thể nhận biết khi bị loạn năng khớp thái Dương hàm:

  • Có cảm giác đau hoặc mỏi ở vùng cơ hàm khi nói chuyện, khi ăn, nhai, há miệng, siết chặt hai hàm, nhai thức ăn cứng...
  • Cảm giác đau ở các cơ nhai: vùng góc hàm, vùng dưới hàm.
  • Đau vùng trước tai, đau trong tai.
  • Đau vùng thái dương, các cơ vùng cổ-vai-gáy.
  • Tiếng kêu lục cục khi mở hoặc đóng hàm.
  • Đau nhức đầu, đau nửa đầu.
  • Cứng khớp hàm: khó khăn khi há miệng lớn, khi há lớn có thể lệch hàm.
  • Bệnh cũng có thể gây ra tiếng kêu khi mở miệng hoặc nhai.

Đau là triệu chứng nổi bật nhất của loạn năng khớp thái dương hàm và thường khiến cho người bị loạn năng khớp tìm đến bác sĩ, có thể đau nhẹ âm ỉ kéo dài đến đau chói.

3. Nguyên nhân gây bệnh rối loạn khớp thái dương hàm

Có nhiều nguyên nhân gây loạn năng khớp thái dương hàm, trong đó có thể kể tới:

  • Yếu tố gen di truyền, khiến khớp thái dương hàm bị sai lệch do bẩm sinh.
  • Tật nghiến răng hay thói quen siết chặt răng (có ý thức hoặc vô ý thức), làm gia tăng áp lực lên vùng cơ hàm và tổn hại khớp thái dương hàm.
  • Bị tác động từ bên ngoài gây chấn thương làm trật khớp thái dương hàm, có thể là do các hoạt động thể thao hoặc lao động không bảo đảm an toàn.
  • Hàm răng lệch lạc, thưa hoặc mất răng dẫn đến sai khớp cắn.
  • Thói quen ăn uống không khoa học, nhai một bên hoặc dùng nhiều các thực phẩm cứng, khó nhai hằng ngày.
  • Áp lực, căng thẳng tâm lý dẫn đến phản xạ co cơ hàm không tự chủ, làm hình thành nên tật nghiến răng khi ngủ.
Trẻ ngủ nghiến răng
Tật nghiến răng làm gia tăng áp lực lên vùng cơ hàm và tổn hại đến khớp thái dương hàm

4. Loạn năng khớp thái dương hàm có chữa được không?

Câu trả lời là có. Tùy thuộc vào tình trạng rối loạn cơ khớp thái dương hàm của mỗi bệnh nhân mà phương pháp điều trị sẽ khác nhau. Thông thường người bệnh sẽ được điều trị nội khoa kết hợp với các bài tập trị liệu rối loạn cơ khớp thái dương hàm. Tư vấn về chế độ dinh dưỡng – nghỉ ngơi, mài chỉnh khớp cắn, thực hiện máng nhai, chỉnh nha...

Cho điều trị bằng thuốc. Bác sỹ có thể chỉ định cho người bệnh dùng thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, ...

Nếu bệnh nhân bị bệnh do căng thẳng hay lo âu kém, bác sĩ hoặc nha sĩ có thể giới thiệu đến nhà tâm lý có kinh nghiệm trong trị liệu hành vi nhận thức. Cách tiếp cận này bao gồm các biện pháp can thiệp để giúp nhận thức và thay đổi hành vi, học hỏi kỹ thuật thư giãn, và quản lý căng thẳng.

Cũng có trường hợp bệnh có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại, bác sĩ có thể khuyên người bệnh nên dùng thuốc hoặc bảo vệ khớp cắn để giúp giữ cho khỏi mài răng vào ban đêm. Trong trường hợp rất hiếm, có thể phải phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế các phần khớp.

Ngoài điều trị bằng y học, người bệnh cũng chủ động trong quá trình điều trị như:

  • Ý thức hơn về thói quen liên quan đến căng thẳng - siết chặt xương hàm, nghiến răng hoặc nhai - sẽ giúp giảm bớt tần số đau.
  • Tránh sử dụng quá mức cơ quai hàm. Để giảm thiểu việc sử dụng các cơ hàm như
  • Ăn thức ăn mềm.
  • Thực phẩm được cắt thành miếng nhỏ.
  • Tránh thực phẩm dính hoặc dai như kẹo cao su vì sẽ cần hoạt động khớp nhai lâu dẫn tới mỏi hàm
  • Không mở miệng quá rộng trong khi ngáp.
  • Bác sĩ hoặc nha sĩ có thể chỉ cho cách làm bài tập kéo căng các cơ hàm và xoa bóp. Cũng có thể các bài tập để nâng cao đầu, cổ và tư thế vai.
  • Áp đồ ấm, nóng ẩm hoặc nước đá các bên của khuôn mặt có thể giúp thư giãn cơ hoặc làm giảm bớt đau đớn
Buồn ngủ, ngủ ngày, ngáp ngủ
Người bệnh cần lưu ý không há quá to khi ngáp

Rối loạn khớp thái dương hàm là tình trạng gây rối loạn chức năng khớp hoặc đau ở mặt bao gồm đau đầu, thường xảy ra trong hoặc xung quanh khớp thái dương hàm có tổn thương cơ, dây chằng và khớp.

Điều trị rối loạn khớp thái dương hàm:

  • Điều trị nội khoa
  • Làm giảm căng thẳng
  • Vật lý trị liệu
  • Thay đổi thói quen xấu ảnh hưởng đến hệ thống khớp
  • Máng nhai, thư giãn
  • Mài chỉnh khớp cắn
  • Tái tạo khớp cắn bằng phục hình răng, nắn chỉn răng, ...

Quan trọng, bệnh nhân rối loạn cơ khớp thái dương hàm cần phải tái khám định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để được theo dõi và điều trị tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

101.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan