Nghiệm pháp Tone Bee trong khám tai

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thái - Bác sĩ Tai - Mũi - Họng - Khoa Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Việc khám tai được thực hiện thông qua nhiều bước và các nghiệm pháp khác nhau. Từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác về bệnh đang mắc phải ở tai, giúp việc điều trị dễ dàng hơn.

1. Khám bên ngoài

Quan sát và phát hiện những biến đổi về hình thái của da, các biến dạng ở vành tai (do bẩm sinh), những trường hợp viêm bạch mạch do mụn nhọt hay rò xương chũm. Bác sĩ quan sát vành tai, cửa tai xem da ở trước tai và sau tai.

  • Sờ nắn vùng chũm, vành tai để biết được điểm đau và chỗ sưng phân biệt viêm tai ngoài đơn thuần tiên lượng tốt hơn so với viêm xương chũm.
  • Dùng ngón tay cái ấn vào những điểm kinh điển như: hang chũm, mỏm chũm, bờ chũm, nắp tai để tìm điểm đau. Chú ý hiện tượng nhăn mặt khi ta ấn vào tai bệnh.
  • Đối với người lớn khi khám tai có thể thăm hỏi bệnh nhân các triệu chứng: đau, nghe kém, ù tai, chóng mặt.
  • Đối với trẻ nhỏ chúng ta không nên dựa hoàn toàn vào sự trả lời của nó vì sờ vào chỗ nào nó cũng kêu đau hoặc khóc thét lên. Trái lại chúng ta đánh giá cao hiện tượng nhăn mặt vì đau khi chúng ta ấn vào tai bệnh.
  • Tay sờ giúp chúng ta phát hiện sự đóng bánh ở sau tai hoặc sưng hạch ở trước tai
  • Tiếp sau đó chúng ta khám ống tai ngoài và màng nhĩ.
Hướng dẫn mẹo chữa viêm tai giữa cho bé
Bác sĩ dựa vào các dấu hiệu để chẩn đoán bệnh ở tai cho trẻ nhỏ

2. Soi tai và màng nhĩ

Nếu soi tai trẻ em là trẻ nhỏ, nên cho đi đái trước khi khám nhờ một người phụ bế trên lòng. Nếu trẻ quấy khóc, giãy giụa, cuộn trẻ vào một khăn to nhờ 3 người giữ, một người giữ đầu, 1 người giữ vai và tay và 1 người giữ chi dưới. Hoặc người mẹ phải bế em bé trên đùi và ôm ghì em bé vào ngực để giảm sự sợ hãi và dãy dụa.

Nếu bệnh nhân là người lớn để họ ngồi đối diện với thầy thuốc. Bệnh nhân quay đầu, hướng tai được khám đối diện với thầy thuốc, chú ý khám tai tốt trước, tai bệnh sau.

  • Bác sĩ đầu đội đèn clar hoặc gương trán tập trung ánh sáng vào cửa tai. Một tay cầm phía trên vành tai kéo nhẹ lên phía trên và ra sau. Tay kia cầm phễu soi tai bằng hai ngón cái và trỏ, đưa nhẹ và hơi xoay ống soi vào trong
  • Dùng tay trái với tai phải kéo vành tai lên phía trên và ra phía sau, đánh giá độ rộng của ống tai và chọn speculum vừa cỡ với ống tai. Nên hơ ấm dụng cụ (mùa lạnh) trước khi cho vào tai. Khi đặt speculum không nên đẩy thẳng từ ngoài vào trong mà phải theo chiều cong của ống tai, tránh làm tổn thương thành ống tai.
  • Nếu có ráy hoặc mủ ống tai thì phải lấy ráy hoặc lau sạch mủ rồi mới khám tai.
  • Muốn thấy phần trên của màng nhĩ cần phải hướng phễu soi tai về phía trên và phía trước.
  • Quan sát từ ngoài vào trong: Ống tai có nhọt, loét, xước da, có dị vật hay nút ráy không?
Ù tai kéo dài
Người bệnh hướng tai về phía bác sĩ để kiểm tra từ ngoài vào trong

Khám màng nhĩ: Phải biết được hình dạng, màu sắc, độ nghiêng của màng nhĩ, hình dạng các mốc giải phẫu, độ lõm, độ phồng, có thủng, có rách không, để chẩn đoán viêm tai giữa.

  • Hình ảnh màng nhĩ bình thường: Màng nhĩ hình trái xoan, màu trắng bóng như vỏ củ tỏi. Ở người lớn màng nhĩ nghiêng về phía ngoài 45 độ so với trục đứng của ống tai ngoài. ở hài nhi góc này lên trên 60 độ. Vì vậy nên màng nhĩ rất khó xem ở loại bệnh nhân này.
  • Trong khi khám màng nhĩ chúng ta nên bảo bệnh nhân bịt mũi, ngậm miệng và nuốt nước bọt (nghiệm pháp Tone Bee) để xem màng nhĩ có di động không. Chúng ta có thể thay thế nghiệm pháp này bằng cách bơm không khí vào ống tai với Speculum Sieglơ.
  • Trong trường hợp tai bị bệnh chúng ta sẽ thấy sự thay đổi màu sắc, độ bóng, độ nghiêng của màng nhĩ. Trong trường hợp tai giữa có mủ thì màng nhĩ sẽ bị đẩy lồi ra ngoài.
  • Màng nhĩ bình thường ở mỗi người có thể khác nhau vì vậy phải xem cả 2 tai để có cơ sở so sánh.
  • Nếu màng nhĩ thủng cần xem kỹ lỗ thủng, ở màng căng hay màng trùng, hình thái lỗ thủng, một lỗ hay nhiều lỗ, kích thước và có sát khung xương không? Bờ lỗ thủng có nhẵn hay nham nhở, có polyp không.
Thủng màng nhĩ
Cần kiểm tra kích thước và vị trí lỗ thủng màng nhĩ để chẩn đoán bệnh

Khám vòi nhĩ Eustachi: Chúng ta có nhiều cách thử để xem vòi nhĩ Eustachi có bị tắc không.

  • Nghiệm pháp Tone Bee: bảo bệnh nhân bịt mũi, ngậm miệng và nuốt nước bọt, nếu bệnh nhân có nghe tiếng kêu ở tai là vòi nhĩ thông.
  • Nghiệm pháp Valsava: bảo bệnh nhân bịt mũi, ngậm miệng và thổi hơi thật mạnh làm phồng cả 2 má, nếu bệnh nhân có nghe thấy tiếng kêu ở tai là vòi nhĩ thông.
  • Nghiệm pháp Polizer: bảo bệnh nhân ngậm 1 ngụm nước, bịt 1 bên mũi, thầy thuốc dùng 1 quả bóng cao su to bơm không khí vào mũi bên kia trong khi bệnh nhân nuốt nước, nếu bệnh nhân nghe tiếng kêu trong tai tức là vòi Eustachi thông.

Nghiệm pháp Tone Bee là nghiệm pháp đơn giản nhất và bệnh nhân dễ dàng thực hiện. Thông qua nghiệm pháp này có thể phát hiện vòi nhĩ bị tắc đồng thời có thể giúp thông vòi nhĩ một cách hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan