Niềng răng cho trẻ em cần lưu ý gì?

Niềng răng cho trẻ em đang là lựa chọn của nhiều bậc phụ huynh để giúp trẻ cải thiện được vẻ ngoài và chăm sóc sức khỏe răng miệng tốt hơn. Vậy cha mẹ và trẻ nên lưu ý những gì khi cho trẻ niềng răng?

1. Có nên niềng răng cho trẻ em?

Thông thường, với những trẻ có tình trạng răng bị sai lệch thì cha mẹ nên đưa trẻ tới nha sĩ để thăm khám, kiểm tra và sớm thực hiện niềng răng. Một số vấn đề về răng cần niềng gồm:

  • Răng mọc chen chúc, sai vị trí trên cung hàm;
  • Răng quá thưa, mọc xa nhau, xô lệch;
  • Răng có biểu hiện sai khớp cắn như cắn sâu, cắn chìa, cắn hở, cắn chéo;
  • Răng trẻ bị hô vẩu, móm.

Theo các bác sĩ, cha mẹ nên cho trẻ đi niềng răng vì:

  • Cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ trong tương lai: Khi răng trẻ mọc lệch lạc, hô, móm,... về lâu dài sẽ làm khuôn mặt trẻ bị mất cân đối, nụ cười thiếu tự tin và gây hại cho sức khỏe răng miệng. Điều này làm trẻ tự ti khi trưởng thành, ngại giao tiếp và ảnh hưởng tới cuộc sống. Đồng thời, răng mọc lệch còn làm trẻ ăn nhai khó khăn, phát âm không rõ chữ, viêm nướu, sâu răng,... dẫn tới các bệnh về đường tiêu hóa. Do vậy, việc cho trẻ niềng răng là rất cần thiết;
  • Niềng răng cho trẻ có hiệu quả nhanh: Niềng răng ở trẻ em cho hiệu quả tốt hơn so với khi đã trưởng thành vì xương hàm của trẻ còn mềm, bác sĩ dễ dàng đưa răng về đúng vị trí trên cung hàm trong thời gian ngắn nhất. Khi độ tuổi càng lớn thì răng càng lệch lạc nhiều, xương hàm cứng hơn, khiến việc điều trị thêm khó khăn, phức tạp;
  • Hạn chế các bệnh lý răng miệng: Cho trẻ niềng răng sớm giúp khắc phục tình trạng răng mọc sai lệch, hạn chế nguy cơ gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ của gương mặt và khớp cắn của trẻ. Đồng thời, việc này giúp trẻ vệ sinh răng miệng dễ dàng hơn, không mắc các bệnh lý răng miệng;
  • Giảm sự khó chịu, đau đớn cho trẻ: Khi trẻ còn nhỏ, xương hàm mềm thì răng sẽ di chuyển dễ hơn, không gây nhiều đau đớn khi niềng răng. Đồng thời, việc chỉnh nha sớm cũng giúp trẻ làm quen dần với việc thăm khám răng định kỳ, không còn cảm giác sợ hãi, ám ảnh trong những lần khám răng sau này.

2. Nên niềng răng cho trẻ từ mấy tuổi?

Thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện niềng răng cho trẻ em là trong vòng 2 năm sau khi trẻ bắt đầu dậy thì. Đây là thời điểm cơ thể trẻ đang phát triển, xương hàm chưa cố định. Theo các bác sĩ nha khoa, độ tuổi thích hợp để niềng răng là từ 12 - 16 tuổi. Ở giai đoạn này, trẻ đang thay răng sữa, còn răng vĩnh viễn chưa ổn định nên dễ dàng chỉnh nha.

Đồng thời, ở giai đoạn này quá trình chỉnh nha cho trẻ cũng dễ dàng hơn so với người trưởng thành. Răng dịch chuyển nhanh, rút ngắn thời gian niềng mà vẫn đảm bảo được kết quả thuận lợi như mong muốn. Đặc biệt, việc niềng răng cho trẻ em từ sớm giúp bé không phải nhổ răng, nhẹ nhàng và đơn giản hơn. Và trẻ cũng được duy trì kết quả chỉnh nha mà không cần đeo hàm duy trì như người trưởng thành.

Với câu hỏi niềng răng cho trẻ em có đau không, đáp án là có nhưng không nhiều. Chọn đúng thời điểm niềng răng giúp bé chỉ có một chút cảm giác đau nhức khó chịu mỗi khi răng được siết, dịch chuyển,... nhưng sau đó sẽ cảm thấy hoàn toàn bình thường.

3. Cha mẹ cần lưu ý gì khi cho trẻ đi niềng răng

Khi cho trẻ niềng răng, cha mẹ cần lưu ý:

  • Cho trẻ làm quen với bác sĩ: Trẻ em thường sợ bác sĩ. Vì vậy, để bé hợp tác với bác sĩ chỉnh nha tốt thì cha mẹ cần chuẩn bị trước tâm lý cho con, giúp con làm quen, có thiện cảm với bác sĩ. Cần để bé hiểu rằng bác sĩ là người chữa bệnh, có sứ mệnh giúp bé khỏe hơn;
  • Giải thích cho trẻ về sự cần thiết của niềng răng: Cha mẹ cần nói chuyện nghiêm túc với trẻ về lý do vì sao phải niềng răng, hàm răng hiện tại đang có vấn đề gì,... Một số bé có thể bị mặc cảm khi mang niềng răng nên cha mẹ cần làm tâm lý vững cho bé. Thậm chí, nếu trẻ chưa sẵn sàng mang niềng răng thì cha mẹ nên trì hoãn tới khi trẻ ý thức được niềng răng tốt như thế nào;
  • Tập cho trẻ quen với chế độ ăn khi niềng răng: Khi đã quyết định cho trẻ niềng răng, cha mẹ cần lên thực đơn với các món ăn mềm cho con. Có thể cha mẹ nên cho trẻ tập ăn vài tuần trước khi gắn mắc cài để xem chế độ ăn có phù hợp hay không. Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ cần đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất giúp bé phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Nên cho trẻ ăn các món mềm, hạn chế món cứng, dai, cay, mặn,... để đảm bảo sức khỏe hàm răng và bộ máy tiêu hóa;
  • Chú ý tới vấn đề phát âm của trẻ: Các khí cụ khi niềng răng có thể ảnh hưởng tới quá trình học tiếng Anh, học ngữ văn,... của trẻ. Do đó, cha mẹ nên trao đổi với bác sĩ để sử dụng các khí cụ ít ảnh hưởng tới việc phát âm của trẻ;
  • Hỗ trợ trẻ vệ sinh răng miệng kỹ càng: Trong thời gian niềng răng, việc vệ sinh răng miệng mất khá nhiều thời gian và công sức. Thông thường trẻ sẽ khó vệ sinh răng miệng đúng như hướng dẫn của bác sĩ, dễ dẫn đến tình trạng sâu răng, viêm lợi, đốm trắng mất khoáng,... Do đó, cha mẹ nên hỗ trợ hướng dẫn, nhắc nhở trẻ vệ sinh răng miệng đúng cách;
  • Hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt: Cha mẹ nên kết hợp với bác sĩ giải thích cho trẻ rằng không nên ăn nhiều đồ ngọt, sau khi ăn xong nên vệ sinh răng miệng thật kỹ để tránh gây bệnh lý răng miệng;
  • Cha mẹ nên trang bị thêm kiến thức về niềng răng: Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu về những khó khăn và cách xử lý trong quá trình niềng răng để sẵn sàng đồng hành cùng con trong hành trình sắp tới. Trẻ niềng răng thường bị nhiệt miệng, bong mắc cài, đau má trong do cọ xát với dây cung,... Do trẻ chưa thể tự xử lý các vấn đề này nên cha mẹ cần trang bị đầy đủ kiến thức để giúp bé vượt qua mọi khó khăn.

4. Quy trình niềng răng ở trẻ em

Thông thường, thời gian niềng răng cho trẻ em thường ngắn hơn so với người trưởng thành, chỉ dao động trong khoảng 6 - 12 tháng tùy từng mức độ sai lệch răng của trẻ.

Các bậc phụ huynh có thể lựa chọn kỹ thuật niềng răng có mắc cài hoặc không mắc cài cho trẻ. Niềng răng có mắc cài thường phổ biến hơn (gồm mắc cài kim loại, mắc cài kim loại tự buộc, mắc cài sứ, mắc cài mặt lưỡi). Niềng răng mắc cài có ưu điểm là hiệu quả cao và chi phí tiết kiệm nhưng không đảm bảo tính thẩm mỹ. Niềng răng không mắc cài (niềng răng trong suốt) có chi phí cao hơn nhưng đảm bảo tính thẩm mỹ.

Nhìn chung, dù có sự khác biệt về đặc điểm nhưng các kỹ thuật niềng răng ở trẻ em đều có quy trình tương tự như sau:

  • Bước 1: Thăm khám, chụp X-quang nhằm đánh giá tình trạng răng miệng của trẻ;
  • Bước 2: Lấy dấu răng để lên phác đồ niềng răng hiệu quả, thiết kế khí cụ chỉnh nha;
  • Bước 3: Đeo khí cụ lên răng, bắt đầu chỉnh nha;
  • Bước 4: Thực hiện tái khám định kỳ để điều chỉnh hoặc tăng lực siết lên dây cung, giúp răng nhanh chóng di chuyển;
  • Bước 5: Tháo khí cụ chỉnh nha, kết thúc quá trình niềng răng. Ở giai đoạn này, trẻ vẫn cần phải thăm khám định kỳ 6 tháng/lần để kiểm tra độ ổn định của răng sau khi niềng.

Niềng răng cho trẻ em đúng độ tuổi thích hợp sẽ đảm bảo hiệu quả vượt trội và ít gây đau đớn, khó chịu cho bé. Khi có ý định đưa trẻ đi niềng răng, cha mẹ nên đưa bé đi thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ kiểm tra và đưa ra tư vấn về phác đồ chỉnh nha phù hợp nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

332 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan