Phác đồ điều trị rắn cắn của Bộ y tế

Rắn cắn gây nguy hiểm đến tính mạng nếu trường hợp là rắn độc. Mức độ nặng phụ thuộc theo loại rắn độc và lượng chất độc đi vào cơ thể. Vì vậy trường hợp nghi ngờ bị rắn độc cắn, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế sớm nhất có thể để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

1. Tổng quan về rắn cắn

Các trường hợp bị rắn độc cắn có tiên lượng phụ thuộc vào loại rắn độc, lượng chất độc di chuyển vào cơ thể và vị trí cắn, cách sơ cứu tại chỗ khi bị rắn cắn. Phần lớn trẻ em nếu bị rắn độc cắn sẽ có tiên lượng nặng hơn. Thường các vết rắn cắn nằm ở các chi, đặc biệt là bàn tay và bàn chân.

Rắn độc được chia làm hai loại dựa trên cơ chế gây độc như sau:

  • Nhóm rắn gây rối loạn đông máu: Rắn chàm quạp (Calloselasma Rhodostoma), rắn lục tre (Trimeresurus Albolaris), rắn lục xanh (Trimeresurus Stejnegeri);
  • Nhóm rắn gây liệt, suy hô hấp: Rắn hổ chúa (Ophiophagus Hananh), Rắn hổ (Naja Kaouthia), rắn cạp nong, rắn hổ mèo, rắn cạp nia, rắn biển.

Thành phần trong nọc rắn độc phụ thuộc vào loại rắn bao gồm: Arginine Ester, Proteolytic Enzymes, Collagenase, Thrombin – like enzyme, Phospholipase A, Phospholipase B, Phosphodiesterase, Phosphomonoesterase, Acetylcholinesterase.

2. Chẩn đoán rắn độc cắn

2.1. Chẩn đoán xác định

Phác đồ điều trị rắn cắn của Bộ Y Tế bao gồm các bước chẩn đoán xác định như sau:

Hỏi bệnh:

  • Xác định loại rắn cắn: Người nhà mô tả hình dạng con rắn, hoàn cảnh xảy ra rắn cắn hoặc mang theo con rắn;
  • Các triệu chứng lâm sàng xuất hiện sau khi bị rắn cắn: Đau, hoại tử, phù, xuất huyết tại chỗ, liệt hô hấp, khó nói;
  • Biện pháp sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn.

Chẩn đoán dựa vào thăm khám lâm sàng:

  • Thăm khám vết cắn cho dấu hiệu: Phù nề, dấu răng, xuất huyết, hoại tử;
  • Mức độ tri giác của người bệnh;
  • Dấu hiệu sinh tồn của người bệnh;
  • Dấu hiệu suy hô hấp;
  • Dấu hiệu xuất huyết.

Chẩn đoán qua xét nghiệm cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm công thức máu gồm: Tiểu cầu, Hematocrit, Bạch cầu;
  • Xét nghiệm chức năng đông máu khi người bệnh có rối loạn đông máu hoặc nghi ngờ do rắn lục, rắn chàm quạp cắn;
  • Trường hợp không đủ điều kiện thực hiện xét nghiệm đông máu nên dùng các xét nghiệm cục máu đông toàn thể trong 20 phút (lấy 2ml máu tĩnh mạch cho vào ống nghiệm thủy tinh, để yên tại nhiệt độ phòng. Sau 20 phút, để nghiêng ống nghiệm xem máu có đông). Người bệnh bị rối loạn đông máu cần nghĩ đến khả năng bị rắn lục hoặc rắn chàm quạp, loại trừ khả năng bị rắn hổ cắn. Từ đó có chỉ định điều trị bằng huyết thanh kháng nọc rắn;
  • Xét nghiệm chức năng gan thận;
  • Xét nghiệm điện giải đồ;
  • Chụp X – quang phổi ở người bệnh bị suy hô hấp để chẩn đoán phân biệt;
  • Phân tích nước tiểu.

2.2. Chẩn đoán phân biệt

Chẩn đoán phân biệt giữa rắn lành và rắn độc cắn như sau:

  • Theo dõi triệu chứng trong 12 giờ. Triệu chứng lâm sàng của rắn lành cắn gồm không có dấu hiệu hoại tử, phù không lan, xuất huyết, không xuất hiện dấu hiệu toàn thân;
  • Xét nghiệm đông máu bình thường đối với trường hợp rắn lành cắn.

Chẩn đoán phân biệt dựa trên triệu chứng lâm sàng của một số loại rắn độc:

  • Rắn hổ đất: Triệu chứng phù, đau, hoại tử lan rộng. Dấu hiệu toàn thân sau 30 – vài giờ cho thấy triệu chứng tê, khó nói, khó nuốt, sùi bọt mép, liệt cơ hô hấp;
  • Rắn cạp nong, cạp nia: Triệu chứng đau tại chỗ, ít hoặc không hoại tử. Liệt cơ hô hấp xảy ra trong 1 – 4 giờ;
  • Rắn hổ mèo: Triệu chứng đau tại chỗ, hoại tử. Dấu hiệu toàn thân lừ đừ, liệt cơ hô hấp, co giật;
  • Rắn chàm quạp: Triệu chứng đau, hoại tử lan rộng, chảy máu không cầm, bóng nước có máu. Dấu hiệu toàn thân cho thấy bầm máu, xuất huyết;
  • Rắn lục: Triệu chứng tương tự rắn chàm quạp nhưng xuất huyết ít hơn;
  • Rắn biển: Triệu chứng đau, sưng. Sau 1 – 3 giờ người bệnh bị đau cơ, mệt, suy thận và liệt cơ hô hấp.

3. Điều trị rắn cắn

Bị rắn cắn điều trị như thế nào?”. Đây là câu hỏi được nhiều người quan tâm để có biện pháp phòng ngừa và sơ cứu hợp lý khi bị rắn cắn.

3.1. Nguyên tắc điều trị

  • Làm chậm sự hấp thu của độc tố;
  • Xác định loại rắn cắn, dùng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để điều trị sớm;
  • Điều trị biến chứng.

3.2. Điều trị cấp cứu ban đầu

Sơ cứu vết thương tại nơi bị rắn cắn: Sơ cứu đúng cách đóng vai trò quan trọng trong điều trị rắn cắn:

  • Mục đích là làm chậm sự hấp thu của độc tố;
  • Trấn an người bệnh khỏi sự hoảng sợ;
  • Bất động chi bị rắn cắn, đặt chi bị rắn cắn thấp hợp tim để làm chậm sự thâm nhập của độc tố;
  • Rửa sạch vết thương;
  • Băng chặt vùng bị cắn bằng vải, vùng băng bắt đầu từ vị trí vết cắn đến gốc cho nhằm hạn chế sự hấp thu độc tố theo đường bạch huyết;
  • Cố định chi bị cắn;
  • Chuyển người bệnh đến cơ sở y tế sớm nhất có thể.

Điều trị rắn cắn tại bệnh viện: Tất cả các trường hợp bị rắn cắn, ngay cả khi người nhà mô tả là rắn lành phải được theo dõi tại bệnh viện trong 24 giờ đầu.

  • Điều trị triệu chứng: Thở oxy nếu người bệnh bị suy hô hấp. Trường hợp người bệnh bị sốc (hậu quả của xuất huyết, suy hô hấp) cần hỗ trợ hô hấp, truyền dịch chống sốc Lactate Ringer 20ml/kg nhanh;
  • Huyết thanh kháng nọc rắn: Được chỉ định trong trường hợp rắn độc cắn kèm một trong hai điều kiện là có triệu chứng lâm sàng toàn thân của rắn độc cắn hoặc có rối loạn đông máu nặng (rối loạn đông máu nhẹ không cần dùng huyết thanh kháng nọc rắn). Huyết thanh kháng nọc rắn nên được cho sớm trong 4 giờ đầu (sau 24 giờ ít hiệu quả);
  • Điều trị rối loạn đông máu: Truyền máu mới toàn phần 10 – 20mL/kg khi nồng độ Hct < 30%. Trường hợp có đông máu nội quản rải rác truyền huyết tương đông lạnh 10 – 20ml/kg.

3.3. Điều trị tiếp theo

Khi tình trạng người bệnh ổn định: Dùng vắc xin ngừa uốn ván khi triệu chứng lâm sàng ở mức độ trung bình – nặng, chỉ sử dụng huyết thanh chống uốn ván nếu người bệnh chưa có tiền sử chích vắc xin ngừa uốn ván.

Điều trị bằng kháng sinh phổ rộng Cefotaxime đường tiêm tĩnh mạch, chăm sóc vết thương hàng ngày. Xem xét điều trị bằng oxy cao áp trong trường hợp vết thương rắn cắn có hoại tử cơ nặng, nguy cơ do vi khuẩn kỵ khí.

Lưu ý không sử dụng thuốc Corticoid để điều trị giảm phản ứng viêm, giảm phù nề.

Chỉ định phẫu thuật chỉ được thực hiện sau khi người bệnh được điều chỉnh rối loạn đông máu và đã được điều trị nội khoa ổn định:

  • Cắt lọc vết thương, cắt đoạn chi bị hoại tử chỉ nên được thực hiện sau 7 ngày;
  • Phẫu thuật để giảm chèn ép khoang.

3.4. Điều trị theo dõi

Người bệnh cần được theo dõi mỗi giờ ít nhất trong 12 giờ đầu tiên các triệu chứng sau:

  • Dấu hiệu sinh tồn, tri giác;
  • Vết cắn: Đỏ, phù, xuất huyết;
  • Đo vòng chi phía dưới và phía trên vết cắn mỗi 4 – 6 giờ nhằm đánh giá mức độ lan rộng;
  • Dấu hiệu sụp mi, nhìn khó, khó thở, liệt chi;
  • Chảy máu;
  • Chức năng đông máu.

Những ảnh hưởng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng khi bị rắn độc cắn. Vì vậy, nắm vững các triệu chứng nhận biết rắn độc cắn và biện pháp sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn sẽ giúp người bệnh giảm thiểu được các biến chứng. Hi vọng qua bài viết trên sẽ giúp bạn đọc có thêm được những thông tin hữu ích về triệu chứng nhận biết và phác đồ điều trị rắn cắn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan