Phẫu thuật nội soi giảm áp thần kinh thị giác

Phẫu thuật nội soi giảm áp thần kinh thị giác là phương pháp được sử dụng để điều trị cho các trường hợp bị giảm hoặc mất thị lực sau chấn thương chèn ép dây thần kinh thị giác (dây thần kinh số 2).

1. Tổng quan về dây thần kinh số 2

Mỗi người có 12 đôi dây thần kinh sọ não, xuất phát từ não, chui qua các lỗ của hộp sọ, phân nhánh đi vào các cơ ở vùng đầu, mặt, cổ và cơ quan nội tạng. Mỗi dây thần kinh đều có chức năng, nhiệm vụ riêng. Khi chúng bị tổn thương sẽ gây ra các loại bệnh đặc trưng. Dây thần kinh số 2 (hoặc số II) là dây thần kinh thị giác bắt nguồn từ các tế bào ở tầng tế bào hạch của võng mạc, tập trung lại ở gần cực sau nhãn cầu, đi ra sau nhãn cầu, qua 2 lỗ thị giác đi vào sọ não. Điểm tận cùng mà dây thần kinh số 2 đi đến là trung tâm thần kinh thị giác ở vỏ não.

Dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ dẫn truyền hình ảnh, cảm giác về đồ vật và ánh sáng về não. Nếu dây thần kinh số II bị teo sẽ khiến người bệnh nhìn các vật như nhìn qua một ống nứa. Nếu có khối u đè vào dây thần kinh thị giác sẽ gây bệnh bán manh, chỉ nhìn thấy một bên mắt.

dây thần kinh số 2
Sơ đồ 12 đôi dây thần kinh sọ não

2. Phương pháp phẫu thuật nội soi giảm áp thần kinh số II

Phẫu thuật nội soi giảm áp thần kinh thị giác là phương pháp phẫu thuật giảm áp ổ mắt được mở rộng thêm, thực hiện mở dây thần kinh thị giác đoạn đi từ đỉnh ổ mắt tới vị trí giao thoa thị giác. Phương pháp này sử dụng đường vào ổ mắt qua các xoang như xoang trán, xoang bướm, xoang hàm, xoang sàng bằng nội soi để để điều trị nhiều bệnh lý liên quan đến ổ mắt, những tổn thương nằm trong trục thần kinh ổ mắt hay liên quan tới các thành trong ổ mắt như: làm giảm áp lực trong nhãn cầu, giảm triệu chứng lồi mắt, cải thiện được các triệu chứng do tình trạng chèn ép thần kinh thị giác.

2.1 Chỉ định/chống chỉ định

Chỉ định:

  • Tổn thương chèn ép sau chấn thương như vỡ xương gây chèn ép, máu tụ nội nhãn cầu;
  • Tổn thương do khối u chèn ép như u màng não, u xơ, u xương sụn,...;
  • Tổn thương từ bên ngoài chèn ép vào như u thần kinh, u xơ mạch,...;
  • Tổn thương mắt ở bệnh Graves (cường giáp).

Chống chỉ định:

  • Các tổn thương thành chèn ép thành bên ngoài hốc mắt;
  • Viêm xoang cấp do bị nhiễm khuẩn.

2.2 Chuẩn bị phẫu thuật

  • Nhân sự thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thần kinh, chuyên khoa tai - mũi - họng, mắt;
  • Phương tiện: Hệ thống nội soi với camera và màn hình độ nét cao, hệ thống ghi video và hình ảnh trong mổ, nguồn sáng led, bộ dụng cụ phẫu thuật qua mũi xoang, dụng cụ phẫu thuật nền sọ, hệ thống khoan mài kim cương tốc độ cao, hệ thống định vị Navigation, dụng cụ cầm máu, thuốc tê, vật tư đóng nền sọ,...;
  • Bệnh nhân: Được thăm khám lâm sàng, khám chuyên khoa mắt, nội tiết, tai - mũi - họng trước khi mổ; chụp phim cộng hưởng từ sọ não, chụp CT scan đánh giá cấu trúc xương nền sọ; được giải thích về mục đích và quá trình thực hiện phẫu thuật;
  • Hồ sơ bệnh án: Theo đúng quy định bệnh án ngoại khoa.
chụp CT
Bệnh nhân khám lâm sàng và chẩn đoán bằng hình ảnh trước phẫu thuật

2.3 Quy trình phẫu thuật

  • Kiểm tra hồ sơ bệnh án đúng theo quy định;
  • Kiểm tra người bệnh: Đúng người, đúng bệnh;
  • Người bệnh nằm ở tư thế ngửa, cố định đầu, giữ đầu chếch về phía phẫu thuật viên 20°, đặt gạc được tẩm naphazolin 2% hoặc adrenalin 1:1000 trước khi phẫu thuật 10 phút;
  • Sử dụng ống nội soi vào xoang sàng, cắt phần sàng trước. Sau đó dùng cò súng và khoang mài lấy bỏ phần xương, làm bộc lộ thành trong hốc mắt;
  • Cắt bỏ thành trong hốc mắt cho đến ống thị giác: Sử dụng khoan mài ít sang chấn, thực hiện tiếp cận vị trí tổn thương và xử trí theo thương tổn.

2.4 Theo dõi sau phẫu thuật

  • Theo dõi sát các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân như mạch, nhiệt độ, huyết áp, hô hấp;
  • Sử dụng kháng sinh sau mổ khoảng 1 - 2 tuần;
  • Rút meche mũi sau 48 giờ;
  • Tưới rửa và vệ sinh mũi bệnh nhân hằng ngày bằng nước muối sinh lý.

2.5 Xử trí tai biến sau phẫu thuật

  • Chảy máu mũi: Thực hiện nhét meche cầm máu và nếu không có hiệu quả thì mổ cầm máu;
  • Rò nước não tủy: Biện pháp xử trí là chọc dẫn lưu dịch não tủy thắt lưng trong vòng 4 - 5 ngày tới khi hết rò. Nên cho bệnh nhân sử dụng thuốc lợi tiểu Diamox 250mg X 4 viên/ngày, để người bệnh nằm nghỉ ngơi tại giường, tránh ho, hắt hơi, ăn các loại thức ăn mềm, tránh táo bón. Có thể mổ vá rò theo chỉ định;
  • Nhiễm trùng: Xử trí bằng cách sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ nếu xét nghiệm cấy đờm, cấy máu, dịch não tủy phát hiện có vi khuẩn.

Bệnh nhân khi được chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi giảm áp thần kinh thị giác cần tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn của bác sĩ để quá trình thực hiện kỹ thuật diễn ra thành công, hạn chế tối đa nguy cơ gặp phải rủi ro tai biến.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan