Quy trình chụp tĩnh mạch chi số hoá xoá nền

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Trần Đức Tuấn - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh và can thiệp nội và ngoại mạch máu.

Kỹ thuật chụp mạch máu số hóa xóa nền (DSA) chụp lại hình ảnh mạch máu bằng tia X. Kỹ thuật này có thể áp dụng với nhiều mạch máu khác nhau trong cơ thể, trong đó có hệ tĩnh mạch chi. Quy trình kỹ thuật chụp tĩnh mạch chi số hoá xoá nền diễn ra như thế nào?

1. Chụp tĩnh mạch chi số hoá xoá nền là gì?

Chụp số hóa xóa nền là sự kết hợp giữa chụp hình mạch máu thông thường theo kỹ thuật Seldinger với kỹ thuật xử lý hình ảnh bằng máy vi tính.

Chụp DSA tĩnh mạch chi là kỹ thuật chụp với tia X có sử dụng thuốc đối quang (cản quang) iod làm sáng mạch máu và thể hiện được hệ thống tĩnh mạch chi. Chất nhuộm có thành phần iod này hoàn toàn vô hại và sẽ đào thải ra ngoài qua nước tiểu.

2. Chỉ định chụp tĩnh mạch chi khi nào?

Chỉ định chụp tĩnh mạch chi số hoá xoá nền trong trường hợp:

  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý dị dạng hệ tĩnh mạch như: u máu tĩnh mạch, giả phình mạch;
  • Bệnh nhân mắc các bệnh lý tĩnh mạch: hẹp tắc tĩnh mạch;
  • Chụp để kiểm tra cầu nối sau phẫu thuật;
  • Chụp mạch phục vụ cho điện quang can thiệp;
  • Chụp tĩnh mạch chi số hoá xoá nền theo yêu cầu chuyên môn của bác sĩ điều trị.

Chụp tĩnh mạch chi số hoá xoá nền không có chống chỉ định tuyệt đối, tuy nhiên có chống chỉ định tương đối trong trường hợp có rối loạn đông máu, suy thận, có tiền sử dị ứng thuốc cản quang có iod, phụ nữ có thai.

Bệnh nhân mắc giả phình mạch được chỉ định chụp số hóa xóa nền chi
Bệnh nhân mắc giả phình mạch được chỉ định chụp số hóa xóa nền chi

3. Chuẩn bị trước khi thực hiện quy trình chụp tĩnh mạch chi số hoá xoá nền

3.1 Người thực hiện

  • Bác sĩ chuyên khoa;
  • Bác sĩ phụ trợ;
  • Kỹ thuật viên điện quang;
  • Điều dưỡng;
  • Bác sĩ, kỹ thuật viên gây mê (nếu bệnh nhân không thể hợp tác).

3.2 Phương tiện thực hiện

  • Máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA);
  • Máy bơm điện chuyên dụng;
  • Phim, máy in phim, hệ thống lưu trữ hình ảnh;
  • Áo chì, tạp dề để che chắn tia X.

3.3 Các loại thuốc cần sử dụng

  • Thuốc tê tại chỗ;
  • Thuốc tiền mê và thuốc gây mê toàn thân (nếu bệnh nhân có chỉ định gây mê toàn thân);
  • Thuốc chống đông máu;
  • Thuốc trung hòa thuốc chống đông máu;
  • Thuốc đối quang iod tan trong nước;
  • Dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc

3.4 Chuẩn bị người bệnh

  • Người bệnh được giải thích kỹ càng về thủ thuật và quy trình chụp tĩnh mạch chi số hoá xoá nền để hợp tác với bác sĩ và các kỹ thuật viên;
  • Người bệnh hoặc thân nhân nuôi bệnh phải viết cam kết đồng ý tiến hành thủ thuật trước khi thực hiện;
  • Người bệnh cần phải nhịn ăn, nhịn uống trước đó 6 giờ hoặc uống không quá 50ml nước;
  • Sau khi vào phòng can thiệp chụp tĩnh mạch chi, người bệnh sẽ nằm ở tư thế ngửa, được các kỹ thuật viên lắp máy theo dõi các dấu hiệu sinh tồn như: nhịp thở, mạch đập, huyết áp, điện tim, khí máu động mạch. Trường hợp người bệnh không hợp tác hoặc quá khích sẽ được chỉ định thuốc an thần;
  • Sát trùng bề mặt da bằng dung dịch sát khuẩn và phủ khăn vô khuẩn có lỗ.

4. Quy trình chụp tĩnh mạch chi số hoá xoá nền

4.1 Phương pháp vô cảm

Người bệnh nằm ngửa trên bàn chụp DSA, kỹ thuật viên đặt đường truyền, thường dùng dung dịch NaCl 0.9% để truyền. Đối với hầu hết các trường hợp chụp DSA tĩnh mạch chi, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ.

Tuy nhiên với các trường hợp ngoại lệ cần phải tiêm thuốc tiền mê như: trẻ em dưới 5 tuổi, chưa có ý thức hợp tác với bác sĩ hoặc bệnh nhân quá kích động, sợ hãi... thì cần tiến hành gây mê toàn thân trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật.

Bệnh nhân được gây mê trong suốt quá trình chụp
Bệnh nhân được gây mê trong suốt quá trình chụp

4.2 Lựa chọn đường vào của ống thông

  • Thông thường bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật chọc kim trực tiếp, nếu không thực hiện được sẽ sử dụng đến kỹ thuật Seldinger để đưa ống thông vào cơ thể tùy vào vị trí của tĩnh mạch cần thăm khám.
  • Tiến hành chọc trực tiếp vào tĩnh mạch cần chụp: chọc theo hướng xuôi dòng.
  • Đường vào ống thông thường trong kỹ thuật Seldinger là các động mạch lớn như động mạch đùi, động mạch nách, động mạch cánh tay hoặc động mạch quay.

4.3 Quy trình chụp tĩnh mạch chi

Sát khuẩn và gây tê chỗ chọc sau đó chọc trực tiếp theo đường tĩnh mạch. Sử dụng kim chọc trực tiếp tĩnh mạch cần chụp:

  • Chi dưới thường chọc tại tĩnh mạch mu chân;
  • Chi trên thường chọc tại tĩnh mạch mu tay hoặc tĩnh mạch đầu;
  • Nếu mục đích thăm khám tĩnh mạch phía gần thì có thể chọc cao hơn tùy trường hợp. Vi dây dẫn để đẩy sâu và cố định kim chọc hoặc dùng kim luồn. Nối bơm thuốc trực tiếp chụp, có thể bơm bằng tay hoặc bằng máy. Tổng thể tích thuốc và tốc độ bơm thuốc tùy thuộc vị trí tổn thương và đặc điểm của mạch. Có thể tiến hành băng ga rô các đoạn để hiện hình rõ từng đoạn tĩnh mạch cần chụp;
  • Chụp theo kỹ thuật Seldinger;
  • Chọc theo đường động mạch: Chọc và đặt đường vào theo đường động mạch sau đó luồn ống thông tới động mạch chi phối để dẫn lưu ra tĩnh mạch cần thăm khám, sau đó bơm thuốc, lấy thì muộn để hiện hình tĩnh mạch. Tổng thể tích thuốc và tốc độ tùy thuộc vị trí tổn thương và đặc điểm mạch.

Sau khi chụp đạt yêu cầu, rút ống thông và ống vào lòng mạch rồi đè ép bằng tay trực tiếp lên chỗ chọc kim khoảng 15 phút để cầm máu, sau đó băng ép trong 6 giờ nếu đi theo đường động mạch, trong trường hợp đi theo đường tĩnh mạch thì không cần băng ép cầm máu.

Tư vấn và giải thích cho người bệnh hoặc người nhà người bệnh khi có yêu cầu.

Hình ảnh phải hiển thị rõ các cấu trúc giải phẫu của hệ thống tĩnh mạch chi cần

khảo sát, phát hiện được những tổn thương nếu có.

5. Tai biến và xử trí

5.1 Tai biến xảy ra trong quá trình chụp

  • Rách động mạch gây chảy máu hoặc làm bóc tách động mạch tại vị trí chọc. Khi đó cần xử trí bằng cách dừng ngay thủ thuật đang làm, đè ép bằng tay và băng lại để theo dõi. Chuyển sang chọc ở đường vào bên đối diện;
  • Trường hợp nghi tắc động mạch do máu cục hay thuyên tắc do bong các mảng xơ vữa (hiếm gặp) cần phải được nhận định kịp thời để can thiệp xử trí với bác sĩ chuyên khoa;
  • Tai biến do thuốc đối quang gây ra.
Tắc động mạch là biến chứng có thể gặp khi chụp số hóa xóa nền chi
Tắc động mạch là biến chứng có thể gặp khi chụp số hóa xóa nền chi

5.2 Tai biến sau khi kết thúc thủ thuật

  • Vị trí ống thông có thể chảy máu hoặc có máu tụ, cần băng ép lại và tiếp tục để bệnh nhân nằm bất động cho đến khi ngưng chảy máu;
  • Trường hợp xảy ra phồng hoặc thông động tĩnh mạch (hiếm gặp) có thể xử trí bằng can thiệp nội mạch hoặc can thiệp ngoại khoa;
  • Khi có biểu hiện nhiễm trùng sau làm thủ thuật cần chỉ định kháng sinh để điều trị.

Chụp tĩnh mạch chi số hóa xóa nền mang lại kết quả tốt nhất khi cơ sở y tế được trang bị trang thiết bị hiện đại, tối tân. Bởi vậy, bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

128 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan