Rối loạn lưỡng cực có khỏi hoàn toàn được không?

Rối loạn lưỡng cực là một tình trạng rối loạn khí sắc, khiến cho người bệnh bị thay đổi cảm xúc theo từng giai đoạn. Việc dùng thuốc điều trị giúp giảm thiểu những đợt tái phát bệnh, nhưng liệu người bệnh có thể khỏi hoàn toàn bệnh rối loạn lưỡng cực hay không? Cùng tìm hiểu xem liệu bệnh rối loạn lưỡng cực có khỏi được không qua bài viết dưới đây.

1. Thế nào là rối loạn lưỡng cực?

Rối loạn lưỡng cực là một dạng bệnh tâm thần chiếm khoảng 4% dân số. Bệnh biểu hiện bằng những thay đổi cực độ trong cảm xúc. Các triệu chứng có thể bao gồm các trạng thái hưng phấn quá mức gọi là hưng cảm. Bệnh nhân cũng có thể bao gồm các giai đoạn trầm cảm. Những người bệnh này sẽ xuất hiện các giai đoạn bệnh xen kẽ với nhau, cùng với cả những giai đoạn bệnh ổn định.

Bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực nếu không được kiểm soát gặp khó khăn trong việc quản lý các công việc cuộc sống hàng ngày ở trường hoặc nơi làm việc hoặc duy trì các mối quan hệ. Các loại rối loạn cảm xúc lưỡng cực:

  • Rối loạn cảm xúc lưỡng cực I: Rối loạn cảm xúc lưỡng cực I là tình trạng mà người bệnh xuất hiện của ít nhất một cơn hưng cảm điển hình. Khi mắc bệnh có thể có các giai đoạn trầm cảm hoặc trầm cảm trước và sau giai đoạn hưng cảm. Đây là loại rối loạn lưỡng cực hay gặp và ảnh hưởng đến nam giới, phụ nữ như nhau.
  • Rối loạn cảm xúc lưỡng cực II: Những người bị rối loạn lưỡng cực này thường sẽ có giai đoạn trầm cảm kéo dài ít nhất hai tuần. Họ có thể xuất hiện ít nhất một giai đoạn hưng cảm nhẹ kéo dài khoảng bốn ngày, nhưng không có giai đoạn nào là hưng cảm điển hình. Loại rối loạn lưỡng cực này là phổ biến hơn ở phụ nữ.
  • Rối loạn chu kỳ: Những người bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực chu kỳ có các giai đoạn hưng cảm nhẹ và trầm cảm. Những triệu chứng này ngắn hơn và ít nghiêm trọng so với hai loại trên.

2. Nguyên nhân gây ra rối loạn lưỡng cực

Rối loạn lưỡng cực hiện vẫn chưa rõ ràng về nguyên nhân gây ra bệnh. Một số nguyên nhân có thể gây ra rối loạn lưỡng cực bao gồm:

  • Yếu tố di truyền: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị rối loạn lưỡng cực, thì có nhiều khả năng mắc bệnh hơn những người khác. Nếu có người thân bị rối loạn, nguy cơ phát triển bệnh cao gấp 4 đến 6 lần so với những người không có tiền sử gia đình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả mọi người có người thân bị rối loạn lưỡng cực thì sẽ phát triển thành bệnh. Ngoài ra, không phải ai bị rối loạn lưỡng cực cũng có tiền sử gia đình bị bệnh lý rối loạn lưỡng cực. Người ta nhận thấy di truyền dường như đóng một vai trò đáng kể trong tỷ lệ mắc chứng rối loạn lưỡng cực này. Cho nên nếu bạn có một thành viên trong gia đình bị rối loạn lưỡng cực, thì việc sàng lọc bệnh có thể cần thiết với bạn.
  • Các vấn đề tại não: Cấu trúc não có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh. Bất thường trong cấu trúc hoặc rối loạn chức năng của bộ não có thể làm tăng nguy cơ.
  • Yếu tố từ môi trường: Điều này có nghĩa là không chỉ là những gì trong cơ thể mới gây bệnh, mà các yếu tố bên ngoài cũng có thể đóng góp. Những yếu tố này có thể bao gồm: Tình trạng căng thẳng quá mức, trải nghiệm đau thương, có những bệnh lý cơ thể. Yếu tố này có thể là nguyên nhân khởi phát bệnh.

Mỗi yếu tố trên có thể ảnh hưởng đến nguy cơ những người phát triển rối loạn lưỡng cực. Tuy nhiên, có nhiều khả năng là do sự kết hợp của các yếu tố góp phần vào sự phát triển của bệnh.

3. Bệnh rối loạn lưỡng cực có chữa được không?

Rối loạn cảm xúc lưỡng cực có chữa được không là điều mà rất nhiều người bệnh quan tâm. Trên thực tế, vì hiện nay, người ta chưa thể tìm được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Cho nên thời điểm hiện tại không có biện pháp điều trị có thể chữa khỏi hoàn toàn được bệnh.

Nhưng việc duy trì dùng các thuốc điều trị giúp người bệnh có thể kiểm soát được triệu chứng của bệnh. Hạn chế nguy cơ tái phát, cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Bởi vì, khi mắc bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực người bệnh có thể đối mặt với một số rủi ro sau:

  • Trong giai đoạn trầm cảm, người bệnh luôn suy nghĩ tới chuyện tự tử và thực hiện hành vi tổn hại tới bản thân, thậm chí là tự tử thành công..
  • Ảnh hưởng tới công việc và quan hệ xã hội: Những rối loạn cảm xúc khiến cho người bệnh khó khăn trong việc kiểm soát hành động và lời nói của mình.
  • Tiêu hao tài sản: Trong giai đoạn hưng cảm, người bệnh có thể rất hưng phấn, lựa chọn đầu tư sai lầm gây thiệt hại kinh tế.
  • Hành vi phạm tội: Họ quá khích, cảm thấy bị hại nên sẽ tấn công những người xung quanh.

4. Làm sao để điều trị bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực?

Mặc dù, bệnh rối loạn lưỡng cực không khỏi hoàn toàn nhưng một số biện pháp dưới đây sẽ giúp người bệnh kiểm soát các đợt tái phát và giảm thiểu nguy cơ rủi ro:

4.1. Dùng thuốc

Người bệnh cần dùng thuốc trong giai đoạn tấn công và kể cả giai đoạn duy trì bệnh. Một số loại thuốc có thể được lựa chọn điều trị bao gồm: Thuốc điều chỉnh khí sắc (lithium, carbamazepine, Depakine); Thuốc chống loạn thần như olanzapine (Zyprexa); Thuốc chống trầm cảm; Thuốc an thần.

4.2. Tâm lý liệu pháp

  • Liệu pháp hành vi nhận thức: Đây là một loại liệu pháp để người bệnh trò chuyện với một nhà trị liệu. Từ đó đưa ra những định hướng suy nghĩ tích cực cho bạn.
  • Liệu pháp tâm lý giáo dục: một loại tư vấn giúp cho bạn và những người thân hiểu được bệnh rối loạn lưỡng cực. Biết thêm về rối loạn lưỡng cực sẽ giúp bạn và gia đình hỗ trợ bạn quản lý nó tốt hơn.

4.3. Thay đổi lối sống

Một số điều bạn cần làm để cải thiện bệnh, hạn chế tái phát bao gồm:

  • Học cách nhận thực những sự thay đổi tâm trạng của bản thân để được điều trị.
  • Kiểm soát giấc ngủ: Giấc ngủ là điều rất quan trọng đối với những người bị rối loạn lưỡng cực. Khi mắc bệnh rối loạn lưỡng cực có thể làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của người bệnh. Ngủ đủ giấc vfa chất lượng giấc ngủ tốt là điều cần thiết để giúp cho bệnh nhân có thể kiểm soát tâm trạng.
  • Chế độ ăn: Chế độ ăn uống lành mạnh là một điều quan trọng đối với người bị rối loạn lưỡng cực. Một nghiên cứu cho thấy có tới 68% người đang điều trị chứng rối loạn lưỡng cực bị thừa cân, béo phì. Thừa cân có thể gây khó khăn cho quá trình hồi phục và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao và rối loạn lo âu. Do vậy bạn cần thiết lập thói quen ăn uống hợp lý, lành mạnh có thể giúp người bị rối loạn lưỡng cực sống khỏe mạnh và tránh tăng cân quá mức.
  • Tập thể dục: Các nghiên cứu cho thấy, tập thể dục một cách vừa phải và thường xuyên có thể giúp cân bằng tâm trạng (nhất là trong giai đoạn trầm cảm), giúp ngăn ngừa một số vấn đề sức khỏe, như béo phì, bệnh tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống.
  • Thăm khám định kỳ: Người bệnh cần được kiểm soát bệnh và việc dùng thuốc theo hướng dẫn. Cho nên bệnh nhân cần thăm khám theo chỉ dẫn của bác sĩ.
  • Không dùng các chất gây nghiện như ma túy, rượu, thuốc lá...

Như vậy, nếu bạn thắc mắc bệnh rối loạn lưỡng cực có khỏi được không? Thì câu trả lời là hiện tại chưa có biện pháp điều trị khỏi hoàn toàn. Nhưng người bệnh kết hợp dùng thuốc, thay đổi thói quen sống và tâm lý trị liệu sẽ giúp kiểm soát, giảm tái phát bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan