Rối loạn tiền đình là bệnh gì? Vì sao gây khó chịu?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ Nội tổng quát - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Tiền đình là bộ phận thuộc hệ thần kinh nằm phía sau ốc tai hai bên,có vai trò giữ thăng bằng cơ thể ở các tư thế. Rối loạn tiền đình là một bệnh lý gây mất cân bằng về tư thế, khiến người bệnh thường xuyên xuất hiện triệu chứng chóng mặt, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo,... ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh, do đó cần sớm chẩn đoán và điều trị, chữa rối loạn tiền đình.

1. Nguyên nhân rối loạn tiền đình

Những rối loạn có xuất phát từ dây thần kinh số 8 và các đường nối kết của nó là nguyên nhân gây ra chứng rối loạn tiền đình trên lâm sàng. Dây thần kinh số 8 xuất phát từ cầu não, đi vào xương đá qua lỗ ống tai trong, là đường truyền dẫn thông tin điều khiển hệ thống tiền đình giữ thăng bằng cho cơ thể.

Dây thần kinh số 8 là thần kinh cảm giác, bao gồm hai phần, mỗi phần đảm nhận chức năng giác quan riêng:

  • Thần kinh ốc tai: chức năng cảm giác thính giác
  • Thần kinh tiền đình: chức năng cảm giác thăng bằng

Tùy thuộc vào vị trí tổn thương mà bệnh nhân có biểu hiện của rối loạn tiền đình trung ương hay ngoại biên:

  • Rối loạn cơ quan tiền đình ngoại biên do các nguyên nhân: chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm thần kinh tiền đình, viêm tiền đình, bệnh Ménière, viêm mê nhĩ, rò ngoại dịch, u dây thần kinh 8, dị vật ống tai ngoài, viêm tai giữa cấp; Rối loạn chuyển hóa bao gồm: suy giáp, tiểu đường, tăng ure huyết...
  • Nguyên nhân gây ra hội chứng tiền đình trung ương thường gặp nhất là migraine, nhiễm trùng não, xuất huyết não, nhồi máu não, chấn thương, u não, xơ cứng rải rác.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác gây rối loạn tiền đình bao gồm:

  • Tuổi tác: phần lớn những người ở độ tuổi từ 40 trở lên có nguy cơ mắc hội chứng rối loạn tiền đình cao hơn những người trẻ do suy giảm chức năng của 1 số cơ quan.
  • Thiếu máu: Tùy theo mức độ thiếu máu mà người bệnh có các triệu chứng chóng mặt, choáng váng khác nhau.
  • Căng thẳng
  • Dùng quá nhiều chất kích thích như rượu, bia...
Rối loạn tiền đình
Vị trí hệ thống tiền đình

2. Phòng tránh rối loạn tiền đình

  • Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Với những người làm việc ở văn phòng, ngồi nhiều giờ bên máy tính liên tục nên thường xuyên tập các bài tập vận động vùng cổ, vai gáy.
  • Tránh căng thẳng, stress kéo dài.
  • Không nên đọc sách báo khi ngồi ô tô, ngồi hoặc nằm ngay xuống khi thấy chóng mặt.
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Không nên để tình trạng cơ thể quá thiếu nước.
  • Hạn chế uống bia, rượu, hút thuốc lá.
  • Đối với những người bị rối loạn tiền đình nên chú ý hoạt động vùng đầu cổ nhẹ nhàng.
  • Không nên quay cổ đột ngột hoặc đứng lên ngồi xuống quá nhanh.
  • Kiểm tra và quản lý tốt các bệnh lý nền: tăng huyết áp, đái tháo đường...

Việc điều trị rối loạn tiền đình hiện nay chủ yếu là điều trị nội khoa và tuyệt đối phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về sử dụng thuốc, người bệnh không được tự ý điều trị hoặc điều trị không tuân thủ chế độ y lệnh của bác sĩ, có như thế mới có thể đạt được hiệu quả và đề phòng tái phát.

Khám bệnh
Khi người bệnh thấy biểu hiện bất thường, nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan