Sốc phản vệ độ 2 là gì ?

Phản vệ là một phản ứng dị ứng thường xảy ra trong thời gian vài phút thậm chí là vài giây sau khi người bệnh tiếp xúc với dị nguyên nhạy cảm với cơ thể như: Thuốc, thức ăn, phấn hoa, vật nuôi, hay bị côn trùng đốt,... Hiện nay, theo phân loại của Bộ Y tế, dựa theo triệu chứng và diễn tiến, phản vệ được phân thành 4 mức độ. Trong đó, đáng lưu ý là phản vệ độ 2, vì tính chất có thể nhanh chóng tiến triển sang độ 3, 4 dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trên bệnh nhân. Vậy dị ứng phản vệ độ 2 là gì? Làm thế nào để nhận biết, phân loại và phòng ngừa phản vệ độ 2?

1. Phản vệ là gì ?

Phản vệ là một phản ứng có tính cấp tính tức các triệu chứng cũng như biến chứng xảy ra chỉ trong vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên, mỗi nguyên nhân sẽ gây ra các tình huống lâm sàng khác nhau mà nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến tử vong.

Sốc phản vệ là tình trạng nặng nhất của một dị ứng phản vệ biểu hiện một tình trạng giãn toàn bộ hệ thống mạch máu kèm co thắt phế quản đột ngột có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.

2. Biểu hiện của sốc phản vệ

Các nhân viên y tế hoặc chính người nhà và bệnh nhân có thể phát hiện sớm những dấu hiệu của dị ứng phản vệ khi xuất hiện ít nhất một trong các triệu chứng dưới đây sau khi tiếp xúc với các dị nguyên:

  • Da xuất hiện mày đay, ban đỏ, ngứa, phù mạch.
  • Huyết áp tụt đột ngột.
  • Nhịp tim có thể nhanh, trụy mạch.
  • Rối loạn ý thức, bồn chồn hoặc bất tỉnh.
  • Khó thở, đau ngực, xuất hiện tiếng thở rít.
  • Buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy.

Trên thực tế, các triệu chứng của phản vệ có thể giống với những tình trạng sốc khác như: Sốc tim, sốc nhiễm khuẩn hay sốc giảm thể tích. Các bệnh lý đường hô hấp, tai biến mạch máu não, các bệnh lý nội tiết hay ngộ độc rượu,...cũng đều có những triệu chứng gây nhầm lẫn cho việc chẩn đoán phản vệ. Việc loại trừ và phân biệt được sớm các bệnh trên có thể rút ngắn thời gian xử trí tình trạng phản vệ, từ đó dẫn đến kết quả điều trị tốt hơn.

3. Sốc phản vệ độ 2 là gì?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phản vệ được phân thành 4 mức độ. Trong đó sốc phản vệ độ 2 là mức độ sốc nặng với tổn thương đa cơ quan cụ thể như sau:

  • Mày đay, ban đỏ, ngứa, phù mạch xuất hiện nhanh.
  • Khó thở nhanh nông, khàn tiếng, tức ngực, chảy nước mũi.
  • Đau bụng, nôn, ỉa chảy.
  • Huyết áp có thể tụt hoặc tăng, rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim nhanh.

Như vậy, khác với những biểu hiện trên da và niêm mạc như ở phản vệ độ 1, phản vệ độ 2 sẽ có thêm một hoặc nhiều các triệu chứng biểu hiện ở nhiều cơ quan khác nhau như hô hấp, tiêu hóa hay tuần hoàn ở mức độ nhẹ. Việc xuất hiện nhiều các triệu chứng sẽ có thêm các bằng chứng trong việc chẩn đoán tình trạng bệnh, nhưng nó cũng là dấu hiệu làm tiên lượng bệnh xấu hơn. Trên lâm sàng, sốc phản vệ độ 2 có thể nhanh chóng tiến triển sang độ 3, 4 dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trên bệnh nhân, nên phải được nhanh chóng phát hiện và xử trí.

4. Nguyên nhân gây phản vệ độ 2

Hiện nay có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng sốc phản vệ. Trong đó, thuốc là dị nguyên hàng đầu, xếp sau có thể kể đến như thức ăn, nọc côn trùng, phấn hoa, lông thú nuôi,...

  • Thuốc: Các thuốc điều trị, đặc biệt là thuốc được tiêm qua đường tĩnh mạch hoặc tiêm bắp như kháng sinh, vắc xin, các loại dịch truyền, thuốc gây tê là những lý do phổ biến gây ra tình trạng dị ứng. Ngoài ra, các loại thuốc khác như thuốc chống viêm NSAID, thuốc cản quang sử dụng trong chẩn đoán hình ảnh, kể các loại vitamin,... vẫn có thể là nguồn gốc của các dị ứng phản vệ.
  • Thức ăn: Các loại thức ăn có nguồn gốc động vật, đặc biệt các loại hải sản là nguyên nhân thường gặp nhất.
  • Nọc côn trùng: Trên lâm sàng cũng rất thường gặp các tình trạng cấp cứu phản vệ do bị ong đốt, rắn, bọ cạp cắn.

Ngoài các nguyên nhân kể trên, phản vệ còn có thể xảy ra sau hoạt động gắng sức, hoặc xảy ra mà không xác định được nguyên nhân.

5. Phòng ngừa sốc phản vệ độ 2

  • Người có tiền sử dị ứng hoặc tiền sử sốc phản vệ nên đeo vòng cổ hoặc vòng tay có nội dung cảnh báo dị ứng với các loại dị nguyên để nhân viên y tế nhận biết.
  • Người có tiền sử dị ứng nên mang sẵn một bộ dụng cục khẩn cấp với các loại thuốc được kê đơn và hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
  • Thông báo cho tất nhân viên y tế về các dị ứng phản vệ mà bạn đã từng gặp phải. Hiện nay, theo hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của Bộ Y tế, người có tiền sử phản vệ độ 2 trở lên trong lần tiếp trước đó sẽ không được tiêm vắc xin cùng loại.
  • Nếu bạn đã từng dị ứng với các loại động vật, nên cẩn thận ở những nơi có côn trùng, mặc áo dài tay và quần dài, không đi chân trần trên các bãi cỏ, tránh xa những bụi rậm. Không nên mặc những trang phục sáng màu, không sử dụng nước hoa, kem dưỡng da có mùi thơm vì gây thu hút các loại côn trùng. Thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, hạn chế nuôi thú cưng trong nhà.
  • Nếu bạn có dị ứng với thực phẩm, nên đọc kỹ nhãn của các loại thực phẩm bạn định mua và ăn. Khi đi ăn ngoài, nên hỏi từng món được chế biến như thế nào, thành phần của nó ra sau để tránh ăn phải.
  • Cần đến ngay các cơ sở y tế, khi phát hiện bản thân hoặc người nhà có những triệu chứng của dị ứng phản vệ để được xử trí kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan