Tìm hiểu về bệnh niệu quản sau tĩnh mạch chủ

Niệu quản sau tĩnh mạch chủ là một bất thường bẩm sinh hiếm gặp thường thấy ở nam nhiều hơn nữ. Giải phẫu bình thường hệ tiết niệu thì niệu quản nằm phía bên ngoài so với tình mạch chủ, nhưng trong bệnh niệu quản sau tĩnh mạch chủ thì niệu quản lại đi ở phía sau và bên trong tĩnh mạch chủ. Tình trạng này gây ra sự chèn ép lên niệu quản, tắc nghẽn nước tiểu.

1. Giải phẫu bình thường hệ tiết niệu

Hệ tiết niệu gồm các cơ quan: Hai thận có chức năng bài tiết và lọc nước tiểu, hai niệu quản có chức năng dẫn nước tiểu từ thận đổ xuống bàng quang, một bàng quang để tích trữ nước tiểu, một niệu đạo là ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài.

Bình thường 2 niệu quản nối với thận ở vị trí đài bể thận, chảy dọc phía ngoài so với tĩnh mạch chủ dưới sau đó bắt chéo đi qua bó mạch chậu, rồi nối vào bàng quang. Chiều dài niệu quản khoảng 25-28cm, đường kính khoảng 5mm.

Hệ tiết niệu
Hình ảnh giải phẫu hệ tiết niệu bình thường

2. Bệnh niệu quản sau tĩnh mạch chủ là gì?

Bệnh niệu quản sau tĩnh mạch chủ là tình trạng niệu quản không nằm đúng vị trí giải phẫu bình thường mà lại bắt chéo phía sau tĩnh mạch chủ uốn quanh sau đó đi ra ngoài phía trước tĩnh mạch chủ dưới để trở lại đường đi bình thường của nó, tình trạng này gây ra cản trở sự lưu thông của nước tiểu, làm cho nước tiểu bị ứ đọng lại và gây ứ nước thận, giãn đài bể thận.

Đây là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp với tần suất gặp bệnh vào khoảng 1/1000 trẻ, do nguyên nhân bất thường tĩnh mạch chủ dưới trong thời kỳ phát triển phôi thai, hiện tượng này thường gặp ở niệu quản bên phải, kết hợp với đảo vị trí tĩnh mạch chủ dưới hoặc trường hợp hai tĩnh mạch chủ dưới.

Dựa vào phương pháp chẩn đoán bằng chụp UIV, chia bệnh niệu quản sau tĩnh mạch chủ thành 2 loại:

  • Loại 1: Hay còn gọi là loại vòng thấp là loại thường gặp với tỷ lệ khoảng 90% số ca, với hình ảnh điển hình trên phim chụp UIV giống với hình chiếc kèn saxophone. Ở loại 1 này thì điểm bị tắc nghẽn ở niệu quản ngang với đốt sống lưng thứ 3.
  • Loại 2: Hay còn gọi là vòng cao, loại này ít gặp hơn. Với hình ảnh trên phim UIV giống hình lưỡi liềm, vị trí bị tắc nghẽn ở trên cao nên chụp UIV hạn chế trong việc khảo sát đoạn niệu quản ở xa hơn so với chụp CT
niệu quản sau tĩnh mạch chủ
Niệu quản sau tĩnh mạch chủ loại vòng thấp xảy ra thường xuyên hơn

Biểu hiện thường gặp ở những bệnh nhân bị niệu quản sau tĩnh mạch chủ bao gồm:

  • Đau âm ỉ vùng hố thắt lưng phải.
  • Có thể kèm theo rối loạn tiểu tiện như tiểu buốt, tiểu rắt.
  • Nếu có tình trạng nhiễm khuẩn tiết niệu kèm theo bệnh nhân xuất hiện thêm sốt, tiểu đục, tiểu lẫn máu.
  • Trên siêu âm thấy có hình ảnh giãn đài bể thận tùy mức độ tắc nghẽn, thường không phát hiện có sỏi niệu quản. Một số trường hợp có thể có biến chứng và hình thành sỏi nên dễ chẩn đoán nhầm.

Với những trường hợp có dị tật bẩm sinh này thì việc điều trị để tái lập sự lưu thông của nước tiểu càng sớm thì càng tốt, tránh lâu ngày gây biến chứng và ảnh hưởng tới chức năng thận.

3. Phương pháp chẩn đoán bệnh niệu quản sau tĩnh mạch chủ

Ngoài dựa vào các biểu hiện lâm sàng thì việc sử dụng biện pháp cận lâm sàng là điều cần thiết để có thể đưa ra chẩn đoán xác định. Khi có những dấu hiệu lâm sàng và hình ảnh siêu âm nghi ngờ bác sĩ sẽ yêu cầu làm các xét nghiệm cận lâm sàng sau:

  • Chụp UIV(Niệu đồ tĩnh mạch): Trên phim chụp thấy dấu hiệu kèn saxophone hay dấu hiệu hình cái lưỡi liềm.
  • Chụp CT: Là phương tiện chẩn đoán được ưu tiên lựa chọn bời vì ngoài việc xác định tình trạng bệnh, đường đi của niệu quản còn đánh giá tình trạng tĩnh mạch chủ dưới, sự liên quan giữa tĩnh mạch chủ dưới và niệu quản, còn đánh giá các tổ chức, cơ quan quanh niệu quản.
  • Chụp MRI: Có giá trị chẩn đoán tương đương với chụp CT.
Chụp MRI
Chẩn đoán bệnh niệu quản sau tĩnh mạch chủ bằng hình ảnh

4. Phương pháp điều trị bệnh niệu quản sau tĩnh mạch chủ

Đối với bệnh nhân bị niệu quản sau tĩnh mạch chủ dưới thì phương pháp điều trị được chỉ định là phẫu thuật.

Mục đích của phẫu thuật điều trị bệnh là đưa được niệu quản về vị trí bình thường và tái lập sự lưu thông của niệu đạo, tránh hiện tượng ứ đọng nước tiểu ở thận.

Các phương pháp phẫu thuật được sử dụng để điều trị bao gồm:

  • Phẫu thuật mổ mở: Phẫu thuật mổ mở để nối lại niệu quản, đưa niệu quản về vị trí đúng. Tuy nhiên phương pháp này có một số nhược điểm là vết mổ lớn, khả năng hồi phục sau phẫu thuật chậm, làm tăng thời gian nằm viện.
  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng hoặc sau phúc mạc: Chuyển vị trí và nối niệu quản để điều trị bệnh. So với mổ mở thì phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm hơn như là phương pháp ít xâm lấn, vết mổ nhỏ, có tính thẩm mỹ cao, thời gian hồi phục nhanh hơn.
  • Phẫu thuật robot: Có một số bệnh viện đã sử dụng robot để tiến hành phẫu thuật, cũng mang lại hiệu quả tốt.

Bệnh niệu quản sau tĩnh mạch chủ là bất thường bẩm sinh hiếm gặp, thường gây ứ đọng ở thận. Có một số trường hợp biểu hiện bệnh khó phát hiện vì vậy việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng là một phương pháp phát hiện sớm bệnh trước khi có những biến chứng xảy ra. Bệnh được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, đạt hiệu quả điều trị cao.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh lý thần kinh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Video đề xuất

Tầm soát thai nhi - Bé khỏe chào đời

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan