Vai trò của siêu âm xuyên sọ trong đột quỵ não

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tôn Nữ Trà My - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Đột quỵ não là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề. Để chẩn đoán đột quỵ não, siêu âm xuyên sọ là phương pháp được áp dụng rộng rãi vì có độ chính xác và độ an toàn cao.

1. Sơ lược về đột quỵ não và siêu âm xuyên sọ

1.1 Đột quỵ não là gì?

Đột quỵ não (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng mất đột ngột lưu lượng máu tới não hoặc bị chảy máu bên trong sọ, dẫn tới giảm, bị mất chức năng hoặc chết các tế bào não. Biến chứng của bệnh gồm liệt, rối loạn ngôn ngữ, mất cảm giác, mất trí nhớ, hôn mê, có thể dẫn tới tử vong.

Biểu hiện của người bị đột quỵ não gồm:

  • Đột ngột bị tê, yếu mặt hoặc tay, chân, đặc biệt là ở một bên cơ thể;
  • Đột ngột mất thị giác 1 hoặc 2 bên;
  • Đột ngột rối loạn đi đứng, choáng váng, mất thăng bằng, mất khả năng phối hợp động tác;
  • Đột ngột lú lẫn, bị rối loạn hoặc không hiểu lời nói;
  • Đột ngột đau đầu không rõ nguyên nhân.

Đột quỵ não là một cấp cứu y tế khẩn cấp nên khi phát hiện các dấu hiệu của đột quỵ, cần ngay lập tức chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế. Nếu được cấp cứu sớm, bệnh nhân có thể được cứu sống, hạn chế các di chứng trong tương lai.

Bệnh nhân hôn mê được chỉ định ăn qua ống thông
Đột quỵ não có thể đe dọa tính mạng của bệnh nhân hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề

1.2 Siêu âm xuyên sọ là gì

Siêu âm doppler xuyên sọ là thủ thuật lợi dụng những vị trí có xương sọ mỏng hơn so với các vị trí khác, từ đó sóng siêu âm có thể đi qua và tạo ảnh . Sóng siêu âm sẽ thu về các hình ảnh của toàn sọ. Có 3 vị trí chủ chốt để thực hiện thủ thuật siêu âm xuyên sọ là: Vùng thái dương (kiểm tra các động mạch não), vùng ổ mắt (kiểm tra động mạch mắt và động mạch cảnh) và khu dưới chẩm (ghi nhận tốc độ dòng máu). Đây là kỹ thuật chẩn đoán không xâm lấn, không có bức xạ ion hóa, không tốn kém và rất tiện dụng. Kỹ thuật này có thể đánh giá bệnh lý hẹp - tắc mạch máu nội sọ, chảy máu dưới nhện, bệnh lý mạch cảnh ngoài sọ,...

2. Siêu âm xuyên sọ - tiêu chuẩn chẩn đoán đột quỵ não

Để phát hiện đột quỵ do co thắt mạch sau xuất huyết dưới nhện, theo dõi bằng siêu âm Doppler xuyên sọ (Transcranial Doppler hoặc TCD) các động mạch não nền chính là kỹ thuật được áp dụng rộng rãi hiện nay.

Siêu âm Doppler xuyên sọ sử dụng các sóng âm 2 - 5MHz qua hộp sọ để đánh giá dòng máu trong vòng tuần hoàn lớn của các động mạch Willis nội sọ. Việc đánh giá các đoạn động mạch được nghiên cứu trong các loại đột quỵ xuất huyết dưới nhện, giúp thu được vận tốc dòng chảy trung bình cơ bản và các xu hướng tiếp theo.

Kết quả của siêu âm doppler xuyên sọ
Siêu âm Doppler xuyên sọ được áp dụng rộng rãi để phát hiện đột quỵ não

Siêu âm xuyên sọ chỉ đo dòng chảy (như vận tốc của dòng máu) nhưng vì dòng chảy thay đổi theo thời gian nên dựa vào các xu hướng vận tốc dòng chảy trung bình, bác sĩ có thể suy ra được rằng kháng trở có thể đang thay đổi, gặp trong trường hợp co thắt mạch não. Bác sĩ cũng có thể xác định được các trường hợp dòng chảy gia tăng do điều trị co thắt mạch (bằng các biện pháp làm tăng cung lượng tim như sử dụng thuốc co mạch và dopamine).

Độ nhạy của siêu âm Doppler xuyên sọ trong chẩn đoán co thắt mạch ở khoảng 50 - 100%. Độ chính xác phụ thuộc vào vị trí, kích thước mạch máu, trình độ và kinh nghiệm của người thực hiện kỹ thuật.

Kỹ thuật siêu âm xuyên sọ có vai trò quan trọng trong chẩn đoán đột quỵ não. Và vì đột quỵ não là tình trạng nguy hiểm nên khi có dấu hiệu mắc bệnh, gia đình nên ngay lập tức đưa người bệnh đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác và cấp cứu kịp thời.

Hiện nay, Chụp cộng hưởng từ - MRI/MRA được coi là công cụ “vàng” tầm soát đột quỵ não. MRI được sử dụng để kiểm tra tình trạng hầu hết các cơ quan trong cơ thể, đặc biệt có giá trị trong chụp ảnh chi tiết não hoặc thần kinh cột sống. Do có độ phân giải và tương phản tốt nên hình ảnh MRI cho phép phát hiện ra các điểm bất thường ẩn sau các lớp xương mà các phương pháp tạo ảnh khác khó có thể nhận ra. MRI có thể cho kết quả chuẩn xác hơn so các kỹ thuật dùng tia X (ngoại trừ kỹ thuật chụp DSA đánh giá mạch máu) trong chẩn đoán các bệnh lý não, tim mạch, đột quỵ,... Hơn nữa, quá trình chụp bằng MRI không gây tác dụng phụ như trong chụp X-quang hay cắt lớp vi tính (CT).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

557 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan