Vì sao cần cố định răng sau khi tháo niềng?

Niềng răng là một phương pháp nha khoa yêu cầu thời gian điều trị kéo dài, vì thế bất kỳ bệnh nhân nào cũng mong ngóng từng ngày để được tháo niềng răng. Tuy nhiên, việc tháo niềng và cố định răng sau khi tháo niềng cũng là một trong những bước quan trọng trong liệu pháp này, đặc biệt ở những người mong muốn được tháo niềng răng trước thời hạn.

1. Thông tin chung về phương pháp niềng răng

Niềng răng hiện nay là một phương pháp chỉnh nha sử dụng phổ biến với các dụng cụ như dây cung, mắc cài, thun buộc cố định hay khay trong suốt để nhằm nắn chỉnh răng về đúng vị trí tại cung hàm. Niềng răng là một trong những phương pháp hữu hiệu và được nhiều người lựa chọn để chữa các khuyết điểm về răng miệng, từ đó cải thiện tính thẩm mỹ và chức năng nhai. Cụ thể, phương pháp niềng răng thường được bác sĩ nha khoa chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Răng hô: Còn gọi là răng vẩu, là một trong những dạng sai khớp cắn biểu hiện qua sự sai lệch tương quan giữa hai hàm răng dưới và răng trên, lúc này khi ngậm miệng lại răng hàm trên phủ ngoài răng hàm dưới và có xu hướng đưa về phía trước nhiều hơn. Bình thường có thể nhận biết răng hô bằng cách quan sát, dùng gương và chụp ảnh để nhận biết tình trạng răng của bản thân.
  • Răng móm: Cũng là một dạng sai khớp cắn biểu hiện qua sự sai lệch tương quan giữa hai hàm răng. Với những bệnh nhân bị móm thì khi ngậm miệng lại răng hàm dưới của họ sẽ phủ ngoài răng hàm trên.
  • Răng thưa: Là vấn đề biểu hiện qua việc răng mọc cách xa nhau ở trên cùng một cung hàm. Một hàm răng không khít sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện chức năng ăn nhai và làm giảm tính thẩm mỹ.
  • Răng lệch: Là vấn đề biểu hiện qua việc răng mọc chen chúc, với vị trí lộn xộn, một hoặc nhiều răng xoay, nghiêng hay mọc lệch ra ngoài hoặc lệch vào trong, có khi mọc ngầm trong xương...làm sai lệch khớp cắn và ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của bệnh nhân.

Thông thường, thời gian để nắn chỉnh răng bằng biện pháp niềng răng là khoảng 1 - 3 năm. Tuy nhiên, vẫn có một ít trường hợp người bệnh mong muốn được tháo niềng sớm vì công việc hay vấn đề cá nhân, lúc này bác sĩ có thể xem xét để đưa ra quyết định cuối cùng, tuy vậy thời gian lúc đó phải đạt tối thiểu là 2 năm.

2. Cần chuẩn bị gì trước khi tháo niềng?

Sau một thời gian nắn chỉnh, bác sĩ sẽ hẹn bạn đến thăm khám và quyết định tháo niềng răng. Vì thế, có một số điều bạn cần chuẩn bị trước khi đến gặp bác sĩ.

  • Đầu tiên, hãy chắc chắn về lịch hẹn và liên hệ với nha sĩ của bạn để biết chính xác thời điểm tháo. Một vài trường hợp lịch hẹn đã lên nhưng bác sĩ vẫn có thể phải trì hoãn việc tháo niềng răng khi phát hiện một số vấn đề khi khám trực tiếp trên miệng. Việc trì hoãn sẽ tốt cho hàm răng của bạn vì đôi khi răng không di chuyển đủ hoặc chưa đúng vị trí. Hãy kiên nhẫn để đạt được kết quả tối ưu, thường chỉ cần 1 – 2 tuần.
  • Tốt nhất bạn cần tìm hiểu trước những thông tin như thời điểm tháo niềng, quy trình tháo và cần làm gì hay chú ý những vấn đề gì sau khi tháo niềng răng... để đảm bảo quá trình điều trị đạt hiệu quả cao nhất.
  • Tiếp theo là vẫn phải tuân thủ chế độ vệ sinh răng miệng thật tốt như trong quá trình niềng răng, vì khi sắp được tháo niềng, một số bệnh nhân tỏ ra lơ là về vấn đề vệ sinh răng miệng. Bạn không nên chủ quan vì màu sắc, sự khỏe mạnh răng sau tháo niềng phụ thuộc nhiều vào thói quen và cách vệ sinh răng của bạn. Càng vệ sinh tốt sẽ càng giảm nguy cơ răng bị đốm trắng mất men, vàng ố... Ngoài ra, cũng cần tuân thủ chế độ ăn như vẫn thực hiện trong quá trình gắn niềng, tránh ăn thức ăn làm rụng mắc cài, đồ cứng gây xoắn vặn dây cung... đừng để một phút thèm ăn mà khiến buổi tháo niềng bị trì hoãn.
  • Cuối cùng, hãy lưu lại những tấm ảnh thật đẹp của hàm răng trước khi tháo niềng, vì đây có thể là một giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời của bạn. Hãy dùng nó để so sánh với hàm răng và khuôn mặt của bạn sau điều trị.

3. Quá trình tháo niềng răng

Thời gian tháo niềng thường mất khoảng 1 giờ đồng hồ, vì thế hãy nắm rõ thông tin này để tiện cho việc sắp xếp thời gian hợp lý. Quá trình tháo niềng răng thường được thực hiện như sau:

  • Trước tiên, nha sĩ sẽ sử dụng kìm bóp nhẹ từng mắc cài, mắc cài thường được dán khá chắc chắn nên có thể làm răng bị rung nhẹ. Vì vậy khuyến cáo bệnh nhân cắn chặt bông nhằm giữ ổn định hàm hoặc nha sĩ sẽ chủ động ấn ngón tay lần lượt các răng sẽ siết kìm để giữ răng cố định. Việc tháo mắc cài thường không gây đau, nhưng cũng có một vài bệnh nhân bị nhạy cảm thì cần thuốc tê đảm bảo thoải mái nhất.
  • Khi mắc cài đã tháo hết thì các chất gắn dư vẫn còn bám trên bề mặt răng. Nha sĩ sẽ sử dụng mũi khoan mịn rà bề mặt răng để đảm bảo loại bỏ hết lớp chất dư. Có thể kết hợp lấy cao răng nhằm hỗ trợ cho mô lợi được chắc khỏe.
  • Tiếp theo, bác sĩ sẽ lấy dấu răng để làm hàm duy trì. Đây là phương pháp cố định răng sau khi tháo niềng phổ biến nhất và cũng được coi như là một bước không thể thiếu trong cả quá trình điều trị.

Bên cạnh đó, đa phần những người niềng răng đều mong muốn được tháo niềng sớm. Thời gian tháo niềng có thể sớm hoặc muộn hơn từ 1-2 tháng phụ thuộc vào tình trạng khớp cắn đã được đảm bảo răng đã cân bằng hay chưa. Chính vì vậy, việc tháo niềng răng sớm không phụ thuộc vào bệnh nhân mà cần phải được nha sĩ thăm khám kỹ lưỡng và đưa ra quyết định cẩn trọng. Quá trình tháo niềng răng ở những trường hợp này cũng cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Khi thực hiện các bác sĩ sẽ lấy toàn bộ dấu ở tất cả các răng và cả mắc cài ở hai bên hàm. Kết quả này sẽ được sử dụng để làm căn cứ trong trường hợp cần chỉnh nha lại sau khi tạm tháo mắc cài. Và trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ tiến hành gắn lại mắc cài vào chính xác vị trí ban đầu để tiếp tục quy trình niềng răng.
  • Bệnh nhân không được dùng tay sờ lên răng sau khi kết thúc quá trình tháo mắc cài, một số người, đặc biệt là người được tháo sớm có thể quá vui sau khi được tháo niềng răng thường có động tác này, điều đó có thể làm lung lay răng. Vì lúc này tình trạng răng sẽ yếu hơn so với những răng tháo niềng đúng hạn. Nếu tác động lực quá mạnh có thể gây ê răng, tổn thương răng và thậm chí có thể rụng mất răng.
  • Và trong thời gian tạm tháo niềng răng, bệnh nhân cũng sẽ được cố định răng bằng hàm duy trì để giữ cho răng giữ đúng vị trí, không bị chạy hay xô lệch. Trong trường hợp này, thời gian đeo hàm duy trì là khoảng 20 tiếng mỗi ngày trong 1 - 6 tháng đầu để ổn định khớp cắn, đảm bảo răng không bị chạy lại như cũ.

4. Vì sao cần cố định răng sau khi tháo niềng ?

Hàm duy trì là công cụ cố định răng được sử dụng vào giai đoạn cuối cùng sau khi đã niềng đã được tháo ra khỏi khung hàm. Có không ít các bệnh nhân chủ quan không tuân thủ đúng thời gian đeo hoặc không đeo hàm duy trì này sau khi kết thúc niềng răng như nha sĩ đã chỉ định, điều này sẽ làm cho hàm răng bị xô lệch hay răng chạy lại về vị trí cũ như trước khi niềng. Nguyên nhân dẫn tới biến chứng này là do áp lực mô mềm trong quá trình niềng và bên cạnh đó xương hàm và răng chưa ổn định hoàn toàn làm cho chúng có xu hướng dịch chuyển lại về vị trí ban đầu. Chính vì vậy, bệnh nhân cần phải đeo hàm duy trì để giữ răng cố định tại vị trí mới cho tới khi nướu, xương và răng đã hoàn toàn thích nghi với sự thay đổi này. Ngoài ra, trong thời gian đeo hàm duy trì bạn cũng không được quên chăm sóc răng miệng cẩn thận như khi niềng răng để đảm bảo hiệu quả của liệu pháp là cao nhất.

Theo một số khuyến cáo thì thời gian đeo hàm duy trì tối thiểu là 6 tháng, trong thời gian này bệnh nhân nên đeo liên tục và chỉ tháo ra lúc ăn hoặc khi vệ sinh răng miệng. Sau đó, bệnh nhân chỉ cần đeo trước khi đi ngủ và càng về sau thì thời gian đeo hàm sẽ càng giảm dần đôi khi chỉ cần đeo cách ngày là được.

Có một số loại hàm duy trì được sử dụng phổ biến trên thị trường, bao gồm:

  • Hàm duy trì bằng nhựa trong suốt có thể tháo lắp: Ưu điểm của dụng cụ này là vừa khít ôm trọn thân răng và không hề cảm thấy khó chịu, tính thẩm mỹ cao cùng với việc thuận tiện cho ăn uống vệ sinh do khả năng tháo lắp dễ dàng. Tuy nhiên, việc dễ tháo lắp cũng là một nhược điểm của hàm duy trì bằng nhựa vì đôi khi nó có thể tự rơi ra ngoài.
  • Hàm duy trì bằng kim loại có thể tháo lắp: Dụng cụ này có tính ổn định cao hơn, chắc chắn và có độ bền tốt hơn. Đồng thời, dễ dàng tháo lắp khi ăn uống cũng như vệ sinh răng miệng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể cảm thấy khá vướng víu và đôi khi dụng cụ này có thể gây kích ứng cho lợi, nó cũng làm mất đi tính thẩm mỹ.
  • Hàm duy trì cố định bằng kim loại: Vì tính cố định nên dụng cụ này mang lại sự chắc chắn cho kết cấu của hàm và răng. Tuy nhiên, nó đòi hỏi sự cẩn thận trong việc vệ sinh để vừa bảo đảm dụng cụ được giữ đúng vị trí và còn thỏa mãn sự sạch sẽ.

Tháo niềng răng là một trong những bước quan trọng trong cuối giai đoạn điều trị dài hạn và vất vả, vì thế nhiều người có thể chủ quan và lơ là ở chính công đoạn cuối cùng này. Các nha sĩ thường chỉ định và gần như bắt buộc bệnh nhân phải sử dụng hàm duy trì để cố định răng sau khi tháo niềng, nhằm hạn chế được sự dịch chuyển của hàm và răng, từ đó đảm bảo được kết quả điều trị đạt mức tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan