Vô cảm cho bệnh nhân can thiệp X-quang thần kinh

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Tạ Quang Hùng - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ đã có trên 10 năm kinh nghiệm trong giảng dạy và thực hành trong lĩnh vực Gây mê hồi sức.

Can thiệp X quang thần kinh là kỹ thuật ngày càng được sử dụng rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị các bệnh lý thần kinh trung ương. Phương pháp vô cảm đóng vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi để các thủ thuật X-quang thần kinh diễn ra suôn sẻ, mang lại cơ hội điều trị tốt cho bệnh nhân.

1. Kỹ thuật can thiệp X quang thần kinh là gì?

Các kỹ thuật X-quang nội mạch trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý thần kinh trung ương được gọi là can thiệp X-quang thần kinh hoặc phẫu thuật thần kinh nội mạch. Đây là sự kết hợp giữa phương pháp phẫu thuật thần kinh truyền thống và X-quang thần kinh.

Mở rộng hơn, can thiệp X-quang thần kinh là phương pháp sử dụng thuốc và dụng cụ để điều trị qua đường nội mạch. Đây là phương pháp phẫu thuật xâm lấn thần kinh tối thiểu, ngày càng được sử dụng rộng rãi hiện nay. Nếu như trước đây, với những bệnh lý không thể điều trị được hoặc chỉ có thể điều trị bằng mổ hở thì nay có thể được xem xét điều trị bằng X-quang can thiệp.

Chụp X-quang Hirtz
Can thiệp X-quang thần kinh là phương pháp sử dụng thuốc và dụng cụ để điều trị qua đường nội mạch

2. Phương pháp vô cảm cho bệnh nhân can thiệp X-quang thần kinh

Vô cảm là phương pháp gây mê làm cho bệnh nhân mất cảm giác, không đau, giãn cơ trong quá trình thực hiện thủ thuật. Đây là một trong những khâu đặc biệt quan trọng, quyết định tới sự thành công của các ca phẫu thuật.

Ngày càng nhiều bệnh lý được điều trị bằng phương pháp can thiệp X-quang thần kinh đã tạo ra nhiều thách thức cho bác sĩ gây mê.

2.1 Lưu ý trong gây mê can thiệp X quang thần kinh

  • Giữ người bệnh bất động trong quá trình làm thủ thuật để tạo sự thuận lợi cho việc chụp X-quang;
  • Cho bệnh nhân tỉnh mê nhanh chóng để phục vụ việc đánh giá, theo dõi thần kinh;
  • Điều trị kháng đông;
  • Kiểm soát các biến chứng trong quá trình can thiệp X-quang thần kinh như chảy máu hoặc tắc mạch;
  • Hướng dẫn điều trị nội cho các bệnh nhân nặng trong quá trình chuyển tới và đi ra khỏi phòng X-quang;
  • Các vấn đề an toàn phóng xạ.

2.2 Chuẩn bị bệnh nhân

  • Đánh giá chi tiết về toàn trạng sức khỏe, bệnh lý, ảnh hưởng trên các cơ quan, hình ảnh học và bệnh lý thần kinh nền,...;
  • Đánh giá huyết áp cơ bản và dự trữ tim mạch vì thông thường trong quá trình can thiệp sẽ cần điều chỉnh huyết áp và dự đoán các rối loạn liên quan tới việc điều trị;
  • Xác định tiền sử suy thận và sử dụng thuốc metformin, kiểm tra chức năng thận trước khi chỉ định dùng thuốc cản quang. Không sử dụng metformin cho bệnh nhân bị tiểu đường bị suy thận. Nếu eGFR <60 ml/phút thì không tiếp tục sử dụng metformin sau khi dùng thuốc cản quang;
  • Cần xét nghiệm thai âm tính hoặc không có thai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vì thủ thuật sử dụng liều phóng xạ cao - có thể gây ảnh hưởng xấu tới thai nhi;
  • Bệnh nhân cần được xét nghiệm máu trước thủ thuật, bao gồm các phương pháp tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm nhóm máu, đông máu, ure và điện giải, lưu mẫu máu trong trường hợp có chảy máu;
  • Xác định tiền sử dị ứng iod và động vật có vỏ như tôm, cua, sò, ốc,... Lưu ý tới những bệnh nhân trước đây bị dị ứng với protamine và thuốc cản quang; bệnh nhân viêm khớp vùng cổ, lưng; bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp khi dùng thuốc an thần,...
Bệnh nhân được gây mê trong suốt quá trình chụp
Vô cảm là phương pháp gây mê làm cho bệnh nhân mất cảm giác, không đau, giãn cơ trong quá trình thực hiện thủ thuật

2.3 Đặt thiết bị theo dõi

  • Máy gây mê nên đặt đối diện với bác sĩ X-quang thần kinh, nằm ở phía chân bệnh nhân;
  • Theo dõi tiêu chuẩn: Gồm ECG, huyết áp động mạch không xâm lấn, SpO2;
  • Lấy đường truyền, cố định và kéo dài thích hợp để truyền thuốc mê, thuốc vận mạch,...;
  • Đặt sonde dạ dày vì một số thủ thuật sẽ sử dụng aspirin và clopidogrel với liều thích hợp theo yêu cầu của bác sĩ X-quang;
  • Đặt sonde tiểu để kiểm soát dịch, hỗ trợ bệnh nhân đã sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc cản quang, dịch rửa,...;
  • Kiểm soát thân nhiệt vì thủ thuật can thiệp X-quang thần kinh có thể kéo dài, phòng máy thường lạnh nên bệnh nhân có thể bị hạ thân nhiệt.

2.4 Quy trình thực hiện vô cảm

  • Gây mê

Tùy theo mong muốn của bệnh nhân, bệnh lý đi kèm, yêu cầu của thủ thuật,... để lựa chọn phương pháp vô cảm phù hợp. Thông thường, các bệnh viện đều lựa chọn gây mê nội khí quản cho các thủ thuật phức tạp hoặc kéo dài. Ưu điểm của gây mê nội khí quản là cho hình ảnh sắc nét vì bệnh nhân không chuyển động được, người bệnh thoải mái, có thể kiểm soát hô hấp và huyết động tốt. Tuy nhiên, phương pháp vô cảm này cũng có hạn chế là không thể đánh giá thần kinh trong mổ, có thể gây biến chứng tăng huyết áp, tăng áp lực nội sọ.

Lựa chọn thuốc mê chủ yếu dựa trên các vấn đề về tim mạch và mạch máu não. Bệnh nhân có thể được gây mê bằng thuốc mê theo đường hô hấp, tĩnh mạch hoặc kết hợp cả 2, đảm bảo thay đổi huyết động ít nhất, có thể kiểm soát nhanh độ sâu gây mê và tỉnh mê nhanh, êm.

  • Sử dụng thuốc an thần đường tĩnh mạch

Lợi ích chính của việc sử dụng thuốc an thần tĩnh mạch chính là cho phép đánh giá chức năng thần kinh một cách liên tục trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật, tránh được thay đổi huyết động do đặt nội khí quản và tỉnh mê. Bất lợi của việc này là không bảo vệ được đường thở trước nguy cơ hít sặc, có thể giảm oxy máu và tăng thán khí. Ngoài ra, sử dụng thuốc an thần tĩnh mạch cũng có thể gây ra cử động đột ngột của bệnh nhân, gây chậm trễ trong việc điều trị cấp cứu thần kinh.

Gây mê đường tĩnh mạch
Lợi ích chính của việc sử dụng thuốc an thần tĩnh mạch chính là cho phép đánh giá chức năng thần kinh một cách liên tục

Có nhiều kỹ thuật an thần, tùy mục tiêu cần kiểm soát trong gây mê và kinh nghiệm của bác sĩ để lựa chọn kỹ thuật phù hợp. Các kỹ thuật an thần tĩnh mạch đều có nguy cơ gây tắc nghẽn đường thở trên nên cần đệm cẩn thận các điểm chịu lực, đặt bệnh nhân ở tư thế thoải mái để giảm đau, giảm lo lắng và giảm liều an thần. Đồng thời, cần đánh giá khả năng đặt nội khí quản trong tình huống cấp cứu.

Các thuốc an thần được sử dụng là propofol và dexmedetomidine.

Sau đó, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng đông để giảm thiểu các biến chứng liên quan tới thuyên tắc huyết khối, đồng thời phòng ngừa tắc mạch trong và sau quá trình thực hiện thủ thuật can thiệp X quang thần kinh. Trong thủ thuật có thể gặp phải một số biến chứng như chảy máu, tắc mạch, biến chứng ngoài thần kinh, máu tụ,...

Khi thực hiện can thiệp X quang thần kinh, cần đánh giá kỹ nguy cơ gây mê từ xa và phơi nhiễm phóng xạ, lựa chọn phương pháp vô cảm phù hợp. Đồng thời, cần theo dõi sát trong thời gian sau thực hiện thủ thuật để xác định sớm các vấn đề xảy ra để can thiệp kịp thời.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

436 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan