Tìm hiểu về gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Gây mê hồi sức, giảm đau - Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Cơn đau trong khi chuyển dạ sinh con có thể dẫn đến một số phản ứng bất lợi đối với cơ thể, ảnh hưởng tới cả người mẹ và thai nhi. Hiện nay kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ là kỹ thuật giảm đau trong đẻ hiệu quả, giúp người mẹ kiểm soát cơn đau trong khi con yêu chào đời.

1. Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng

Khoang ngoài màng cứng nằm ở vị trí giữa dây chằng vàng và màng cứng. Bộ phận này kéo dài từ lỗ chẩm tới hõm cùng, có chứa các rễ thần kinh của tủy sống, mỡ và các mạch máu. Để thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, bác sĩ sẽ tiêm vào khoang ngoài màng cứng ở thắt lưng một thuốc gây tê và một opioid. Từ đó, thuốc sẽ khuếch tán dần qua màng cứng vào trong khoang dưới nhện. Tại đây, thuốc sẽ có tác động chủ yếu trên vùng rễ thần kinh xương sống và yếu hơn đối với tủy sống và sợi thần kinh bên cột sống. Vì khoang ngoài màng cứng lớn hơn khoang cột sống nên kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng sẽ cần một thể tích thuốc gây tê lớn hơn so với khi thực hiện gây tê tủy sống. Tác dụng gây tê ngoài màng cứng thường khởi phát trong khoảng 15 phút sau khi tiêm.

Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng là lý tưởng nhất trong trường hợp cần ức chế thần kinh giao cảm và sợi thần kinh cảm giác, giảm sản xuất catecholamin nội sinh, từ đó khởi phát tác dụng giảm đau. Phương pháp này cũng có khả năng gây hạ huyết áp hoặc phục hồi chỉ số huyết áp về mức ổn định trước khi chuyển dạ. Mức độ ảnh hưởng trên hệ thần kinh vận động tùy thuộc vào nồng độ của thuốc gây tê tại chỗ. Theo đó, phần lớn các thuốc gây tê dùng trong gây tê cục bộ chỉ có ảnh hưởng tới cơ vân mà không tác dụng đáng kể trên cơ trơn đối với liều được phê duyệt để sử dụng trên lâm sàng.

Về mặt ứng dụng, gây tê ngoài màng cứng thường được ứng dụng làm kỹ thuật giảm đau trong đẻ. Phần lớn thai phụ không cần phải sử dụng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng trước khi cổ tử cung giãn đến mức 3 cm, trừ khi thai phụ đang sử dụng oxytocin để thúc đẩy quá trình chuyển dạ sinh con. Mặc dù vậy, một số tài liệu cho thấy rằng, việc sử dụng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ trước khi cổ tử cung giãn 5 cm có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến các giai đoạn sau của quá trình chuyển dạ.

Tìm hiểu về gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ
Gây tê ngoài màng cứng là kỹ thuật giảm đau cho thai phụ chuyển dạ sinh con

2. Ứng dụng gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ

Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ là phương pháp hiệu quả nhất giúp thai phụ giảm đau đớn trong quá trình vượt cạn. Bác sĩ gây mê sẽ thực hiện tiêm thuốc gây tê vào khoang ngoài màng cứng để giúp sản phụ giảm đi cảm giác đau. Lúc này, sản phụ tuy có thể cảm nhận được các cơn gò tử cung nhưng hầu như không còn nhận thấy cơn đau. Thông thường, kỹ thuật giảm đau trong đẻ này được thực hiện khi cổ tử cung đã mở rộng đến 3 cm và sản phụ đang trong quá trình chuyển dạ tích cực, song còn tùy thuộc vào quyết định của bác sĩ đối với từng trường hợp cụ thể.

Bác sĩ sẽ đặt một đường truyền tĩnh mạch cho sản phụ trước khi thực hiện kỹ thuật giảm đau ngoài màng cứng. Khi tiến hành, một cây kim được đưa vào phần thắt lưng của thai phụ, khoảng thấp hơn đoạn tủy sống để tránh làm tổn thương tủy. Người mẹ cần ở vào tư thế cong lưng để giúp cột sống mở rộng ra và giữ yên tư thế này trong suốt quá trình thực hiện kỹ thuật giảm đau trong đẻ. Thủ thuật này có thể thực hiện đối với tư thế nằm nghiêng, nhưng sẽ thuận tiện hơn khi bà bầu ngồi ở tư thế sát cạnh giường và phần đầu dựa vào vai người hỗ trợ.

Vùng lưng phía dưới của thai phụ sẽ được sát khuẩn và bác sĩ sẽ chỉ gây tê tại một vùng nhỏ tại chỗ (có kích thước cỡ bằng đồng xu). Kim dùng gây tê ngoài màng cứng sẽ được đưa vào khoảng giữa hai đốt sống thắt lưng (vùng đã gây tê) và luồn vào khoang ngoài màng cứng. Tiếp theo, một ống thông (ống nhựa rỗng với kích thước cỡ bằng đầu bút) sẽ được luồn qua kim gây tê. Đôi khi, ống thông này có thể chạm tới dây thần kinh trong quá trình luồn ống, dẫn đến cảm giác giống như điện giật nhẹ hoặc tê rần xuống một bên chân. Sau đó, kim sẽ được bác sĩ rút ra cẩn thận, đồng thời ống thông được dán cố định vào lưng của sản phụ.

Tìm hiểu về gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ
Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng

Một liều nhỏ thuốc gây tê tại chỗ (gọi là liều thử nghiệm) sẽ được truyền cho thai phụ thông qua ống thông ngoài màng cứng. Trong khi thực hiện, bác sĩ sẽ yêu cầu thai phụ thông báo nếu nhận thấy bất kỳ cảm giác bất thường nào, ví dụ như chóng mặt, có vị kim loại lạ trong miệng, cảm giác tê cứng đột ngột, hoặc hai chân dần trở nên nặng và yếu ớt. Song song đó, huyết áp của thai phụ sẽ được kiểm tra thường xuyên để kịp thời xử trí trong trường hợp mức huyết áp bị giảm thấp. Nếu vị trí tiến hành gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ đã đạt yêu cầu và liều thử nghiệm đã an toàn, bác sĩ sẽ thực hiện tiêm thêm liều thuốc gây tê bổ sung. Sản phụ sau đó sẽ bắt đầu cảm thấy cơn đau giảm đi trong vòng 10 - 20 phút. Sau đó, các liều bổ sung được tiêm lặp lại liên tục (tác dụng gây tê của mỗi liều bổ sung thường kéo dài trong khoảng một giờ) hoặc truyền liên tục để giúp bà bầu đẻ không đau hoặc có thể sử dụng máy PCA để sản phụ tự kiểm soát cơn đau đẻ cho đến khi em bé được sinh ra. Khi em bé đã chào đời, bác sĩ sẽ rút ống thông ngoài màng cứng ra, lúc đó hai chân của sản phụ bắt đầu có cảm giác lại như bình thường trong vòng 4 đến 6 giờ.

Kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ giúp thai phụ trải nghiệm cảm giác đẻ không đau và nói chung ít gây ảnh hưởng đến thai nhi. Bên cạnh đó, người mẹ và em bé sẽ được theo dõi liên tục trong suốt quá trình chuyển dạ khi áp dụng kỹ thuật giảm đau trong đẻ. Vì lý do kỹ thuật và giải phẫu học, một số trường hợp có thể đặt ống thông ngoài màng cứng không thành công hoặc khả năng thuốc gây tê đã tiêm không có tác dụng hoặc tác dụng không rõ rệt. Nhìn chung, tỷ lệ thất bại khi gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ rơi vào khoảng 5% số ca sinh.

3. Tác dụng phụ khi thực hiện kỹ thuật giảm đau trong đẻ

Kỹ thuật giảm đau trong đẻ có tác dụng giúp cho người mẹ đẻ không đau, song giống như các thủ thuật khác, cũng có khả năng gây ra những tác dụng phụ nhất định. Sản phụ đôi khi cảm thấy chân trở nên nặng nề, tê rần khó chịu, khó khăn mỗi khi vận động hoặc bị bí tiểu. Trong trường hợp đó, bác sĩ sẽ đặt một ống thông vào bàng quang để dẫn lưu nước tiểu. Ngoài ra, huyết áp của sản phụ có thể giảm trong quá trình chuyển dạ, nên phải được kiểm tra và điều trị bằng thuốc hoặc dịch truyền khi khẩn cấp. Đó là lý do tại sao thai phụ cần được truyền dịch trước khi tiến hành kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng.

Các vấn đề thường xảy ra bao gồm:

  • Thai phụ có cảm giác lạnh run và ngứa
  • Khó thực hiện quá trình đặt ống thông ngoài màng cứng
  • Tác dụng gây tê không đủ, không đồng đều hoặc thất bại, dẫn tới hiệu quả giảm đau kém.

Thậm chí một số trường hợp cần phải lặp lại thủ thuật gây tê ngoài màng cứng nếu bác sĩ nhận thấy tác dụng giảm đau không đạt.

Để đảm bảo các tiêu chuẩn đối với kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ, bác sĩ gây mê và nữ hộ sinh cần được đào tạo chuyên sâu để nhận biết đầy đủ các nguy cơ có thể xảy ra nhằm phòng tránh hoặc xử lý các biến chứng gặp phải. Bên cạnh đó, sản phụ và thai nhi sẽ được theo dõi liên tục trong suốt quá trình vượt cạn.

Tìm hiểu về gây tê ngoài màng cứng trong chuyển dạ
Bà bầu nhẹ nhàng chào đón con yêu tại Vinmec với kỹ thuật giảm đau trong đẻ

Nhìn chung, kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong đẻ là một quy trình phổ biến với mức độ an toàn và tỷ lệ thai phụ hài lòng rất cao, là một lựa chọn thích hợp giúp bà bầu đẻ không đau và cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình con yêu chào đời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan