Suy tim tâm thu: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lã Thị Thùy - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Khi chức năng bơm máu của tim bị suy giảm, đi kèm với đặc điểm phân số tống máu EF nhỏ hơn 40% thì được gọi là suy tim tâm thu. Khám suy tim và điều trị suy tim tâm thu đòi hỏi phải tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ để hạn chế tai biến nguy hiểm.

1. Định nghĩa suy tim tâm thu

Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, làm tăng tỷ lệ tử vong, bệnh tật là nhập viện. Tình trạng suy tim có thể là do tổn thương thực thể hoặc rối loạn chức năng của tim làm cho tâm thất không đủ khả năng tiếp nhận máu (suy tim tâm trương) hoặc tống máu (suy tim tâm thu). Suy tim tâm thu có dự hậu xấu mặc dù đã có nhiều cải thiện vượt trội trong điều trị. Cần có một chuẩn lâm sàng để phát triển quy trình chẩn đoán, chiến lược điều trị chuẩn và chính xác để mang lại những cải thiện tốt hơn về mặt lâm sàng cho bệnh nhân suy tim tâm thu.

Cho đến nay, những nghiên cứu lâm sàng về hiệu quả của các phương pháp điều trị mới chỉ được chứng minh ở bệnh nhân có phân số tống máu EF giảm. Bệnh nhân với tình trạng suy tim có những biểu hiện lâm sàng: khó thở, mệt, giảm khả năng gắng sức, ứ dịch ngoại biên và/hoặc phù ngoại biên.

2. Nguyên nhân suy tim tâm thu

Việc tìm ra được nguyên nhân suy tim đóng vai trò rất quan trọng, vì nhờ đó mà các bác sĩ sẽ quyết định được phương hướng điều trị thích hợp. Nguyên nhân suy tim tâm thu được chia thành 2 nhóm, bao gồm: nguyên nhân nền và nguyên nhân thúc đẩy.

2.1. Nguyên nhân nền

Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới hội chứng suy tim tâm thu, bao gồm:

  • Bệnh động mạch vành: Nhồi máu cơ tim và thiếu máu cục bộ cơ tim;
  • Tăng tải áp lực mạn: Tăng huyết áp và bệnh van tim gây tắc nghẽn;
  • Tăng tải thể tích mạn: Bệnh van tim gây hở van, dòng chảy thông trong tim (trái qua phải) hoặc ngoài tim;
  • Bệnh cơ tim giãn (không liên quan đến thiếu máu cục bộ): Rối loạn di truyền hoặc gia đình, rối loạn do thâm nhiễm, tổn thương do thuốc hoặc nhiễm độc, bệnh chuyển hóa, virus hoặc các tác nhân nhiễm trùng khác...
  • Rối loạn nhịp và tần số tim: Nhanh hoặc chậm mãn tính;
  • Bệnh tim do phổi: Tâm phế mạn và bệnh lý mạch máu phổi;
  • Các tình trạng cung lượng cao;
  • Rối loạn chuyển hóa: Cường giáp hoặc rối loạn dinh dưỡng (ví dụ: Beriberi)
  • Nhu cầu dòng máu thái quá: Dòng chảy thông động tĩnh mạch hệ thống và thiếu máu mạn.

2.2. Nguyên nhân thúc đẩy

Các nguyên nhân thúc đẩy hay còn gọi là những yếu tố làm tình trạng suy tim tâm thu nặng thêm, bao gồm:

  • Giảm thuốc điều trị suy tim không đúng cách.
  • Các bệnh lý tim mạch, bao gồm: Nhồi máu cơ tim, thiếu máu cơ tim, rối loạn nhịp tim nhanh/chậm, hở van tim cấp...
  • Tình trạng nhiễm trùng, thiếu máu, huyết áp tăng cao hoặc không tiết chế.
  • Tác động của một số loại thuốc như: Thuốc chẹn kênh Canxi Verapamil và Diltiazem, ức chế Beta, thuốc kháng viêm không Steroid hoặc thuốc chống loạn nhịp nhóm I và nhóm III.
  • Bệnh nhân uống nhiều bia rượu hoặc đang mang thai.
Suy tim tâm thu
Bia rượu có thể khiến tình trạng suy tim tâm thu nặng thêm

3. Phân độ suy tim

3.1. Theo cấp độ

Dựa vào triệu chứng cơ năng và khả năng gắng sức, Hội Tim mạch New York (NYHA) đã phân độ suy tim thành 4 cấp như sau:

  • Độ I: Không hạn chế vận động thể lực thông thường, bệnh nhân không thường hay mệt mỏi, khó thở hoặc hồi hộp.
  • Độ II: Hạn chế nhẹ vận động thể lực. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, nhưng vận động thể lực thông thường sẽ bị mệt, hồi hộp, khó thở hoặc đau ngực.
  • Độ III: Hạn chế nhiều vận động thể lực. Mặc dù bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi song chỉ cần vận động nhẹ đã có triệu chứng như độ II.
  • Độ IV: Triệu chứng mệt, hồi hộp, khó thở hoặc đau ngực xảy ra ngay khi nghỉ ngơi, bất kỳ vận động thể lực nào cũng làm gia tăng mức độ.

3.2. Theo giai đoạn

Ngoài ra, suy tim tâm thu cũng được chia thành 4 giai đoạn từ có nguy cơ suy tim cho đến suy tim thực sự, cụ thể là:

  • Giai đoạn A: Nguy cơ cao suy tim nhưng không có bệnh tim thực tổn hoặc triệu chứng suy tim.
  • Giai đoạn B: Có bệnh tim thực tổn nhưng không có triệu chứng suy tim.
  • Giai đoạn C: Có bệnh tim thực tổn, hiện tại hoặc có tiền sử triệu chứng suy tim.
  • Giai đoạn D: Suy tim kháng trị, cần can thiệp đặc biệt.

Dựa vào mức phân độ suy tim theo từng giai đoạn của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ sẽ có những biện pháp điều trị khác nhau.

Suy tim tâm thu
Suy tim tâm thu chia làm 4 giai đoạn: A, B, C và D

4. Chẩn đoán suy tim tâm thu tại Vinmec Times City

Theo khuyến cáo của Hội Tim Mạch Châu Âu 2012, có 3 tiêu chuẩn xác định suy tim tâm thu là:

  • Triệu chứng cơ năng;
  • Triệu chứng thực thể;
  • Giảm phân số tống máu EF.

Khi lựa chọn Gói khám suy tim tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, bệnh nhân sẽ được xác định tình trạng suy tim, mức độ suy tim, nguyên nhân gây suy tim cũng như các bệnh đi kèm. Đặc biệt, nhóm đối tượng chưa có triệu chứng suy tim nhưng đang ở độ tuổi trung niên (từ 45 - 50 tuổi trở lên) thì càng nên khám sàng lọc bệnh tim mạch hàng năm, nhất là người nghiện thuốc lá, thường xuyên uống nhiều rượu bia hoặc bị béo phì.

Chi tiết một gói khám suy tim tại Vinmec bao gồm: Khám chuyên khoa Nội tim mạch, tổng phân tích tế bào máu và nước tiểu 24 giờ bằng máy đếm tự động, định lượng và đo hoạt độ một số chất trong cơ thể, điện giải và điện tâm đồ, siêu âm tim (thông thường và gắng sức), và chụp Xquang ngực thẳng, ...

Thạc sĩ. Bác sĩ Lã Thị Thùy hiện là bác sĩ chuyên khoa Tim mạch can thiệp tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Tốt nghiệp bác sĩ đa khoa từ trường Đại học Y dược Tp. Hồ Chí Minh năm 2010, và tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành tim mạch tại Đại học Sheffield (Anh quốc). Bác sĩ Thùy Đào tạo thực hành tim mạch tại Bệnh viện Royal Hallamshire hospital. Bác sĩ đã có thời gian công tác tại khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Chợ Rẫy từ 2012-2016.

Để biết thêm thông tin chi tiết dịch vụ khám suy tim tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể gọi đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan