Viêm não, viêm màng não: Biến chứng nguy hiểm của sởi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ Sinh, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long

Khi mắc bệnh sởi, trẻ dễ bị các biến chứng do sự tấn công của vi khuẩn do bội nhiễm hoặc do virus. Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất là viêm não và viêm màng não.

1. Biến chứng viêm não - viêm màng não khi mắc bệnh sởi

Viêm não cấp tính là một biến chứng nguy hiểm, bệnh thường khởi phát 6 ngày sau khi phát ban và đặc trưng với các biểu hiện sốt, đau đầu, nôn, cứng gáy, dấu hiệu kích thích màng não, lơ mơ, co giật và hôn mê.

Khi bị viêm não cấp, dịch não tủy có hiện tượng tăng lympho bào và tăng protein. Tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân viêm não cấp tính do sởi là khoảng 15%, tỷ lệ để lại thương tổn thần kinh cho bệnh nhân là 25%.

Viêm màng não là một dạng biến chứng thần kinh nguy hiểm gây tử vong và có khả năng để lại di chứng cho người bệnh. Viêm màng não được phân loại khác nhau dựa vào nguyên nhân gây bệnh, có thể là viêm màng não thanh dịch do virus sởi hoặc viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.

Ngoài ra, sởi còn có thể gây ra một số biến chứng khác tại não như:

  • Viêm chất trắng bán cấp xơ hóa: Đây là biến chứng hiếm gặp, khó tiên lượng và để lại bệnh cảnh nặng nề. Bệnh thường gặp ở độ tuổi từ 2 - 20. Bệnh xuất hiện muộn sau vài năm mắc sởi, do virus sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Biến chứng có thể kéo dài từ vài tháng đến một năm và làm bệnh nhân tử vong do tăng trương lực cơ và co cứng mất não.
  • Viêm não toàn bộ xơ hóa bán cấp: một bệnh thoái hóa hệ thần kinh trung ương do não nhiễm virus sởi dai dẳng. Bệnh khởi phát từ từ, không có dấu hiệu cấp tính, hành vi và trí tuệ giảm sút từ từ, sau đó xuất hiện mất điều hòa vận động, giật rung cơ.

2. Các biến chứng thường gặp của bệnh sởi

Biến chứng ở giai đoạn sớm: biến chứng giai đoạn đầu của mọc ban thường biến mất kèm theo sự mất đi của ban, gây cơn khó thở do co thắt thanh quản. Viêm niêm mạc miệng cũng là biến chứng thường xảy ra ở giai đoạn đầu và thường hết cùng với ban. Tuy nhiên, biến chứng có thể xảy ra ở giai đoạn muộn của bệnh sởi do bội nhiễm.

Viêm não, viêm màng não: Biến chứng nguy hiểm của sởi
Biến chứng thường gặp của bệnh sởi gây nguy hiểm cho trẻ

Biến chứng ở giai đoạn muộn: Biến chứng xuất hiện sau mọc ban, do bội nhiễm (hay gặp do tụ cầu, liên cầu, phế cầu...):

  • Viêm phế quản: Xuất hiện vào cuối thời kỳ mọc ban. Bệnh nhân thường có triệu chứng sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, neutro tăng, X-quang có hình ảnh viêm phế quản.
  • Viêm phế quản - phổi: Xuất hiện muộn sau mọc ban. Biểu hiện nặng hơn viêm phế quản bao gồm: sốt cao khó thở, khám phổi có ran phế quản và ran nổ, X-quang có hình ảnh phế quản phế viêm (nốt mờ rải rác 2 phổi). Kết quả xét nghiệm cho thấy bạch cầu tăng, neutro tăng.
  • Biến chứng đường tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, viêm ruột, tiêu chảy là những biến chứng thường gặp ở những trẻ bị sởi.
  • Viêm loét giác mạc: Gặp ở trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A và có thể gây mù vĩnh viễn.
  • Phụ nữ mang thai nếu bị sởi thì có nguy cơ bị sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.
  • Cam tẩu mã: Bệnh thường xuất hiện muộn, do bội nhiễm một loại vi khuẩn hoại thư gây loét niêm mạc miệng, lan sâu rộng vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở hôi thối.
  • Suy dinh dưỡng nặng sau nhiễm sởi ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của trẻ.

3. Nguyên tắc chăm sóc trẻ mắc sởi tại nhà

Viêm não, viêm màng não: Biến chứng nguy hiểm của sởi
Bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu

Bệnh sởi vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách chữa trị chủ yếu là giảm triệu chứng bệnh, vệ sinh cá nhân và chế độ dinh dưỡng hợp lý:

  • Thực hiện việc cách ly trẻ bệnh với các trẻ lành.
  • Cần giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà cửa và môi trường chung quanh, giữ gìn nơi sinh hoạt thông thoáng, sạch sẽ tránh nhiễm trùng cơ hội.
  • Nâng cao sức đề kháng cho trẻ nhỏ bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý. Uống nhiều nước hoa quả, ăn lỏng, đồng thời tăng cường các thực phẩm giàu vitamin nhất là vitamin A để bảo vệ đôi mắt của trẻ mắc bệnh sởi. Trẻ thiếu vitamin A sẽ được bổ sung vitamin A liều cao 2 ngày liên tiếp theo chỉ định của bác sĩ.
  • Kiêng tắm, kiêng gió, ủ kín cho trẻ sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng hơn.
  • Chú ý đưa trẻ đến bệnh viện khi trẻ có sốt phát ban và kèm theo ho.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan