Ung thư phổi giai đoạn muộn – chưa phải dấu chấm hết!

Ung thư phổi là bệnh lý ác tính ở phổi. Khoảng 85%-90% các trường hợp có liên quan đến tình trạng hút thuốc lá, bao gồm hút thuốc lá chủ động hay thụ động. Đó chính là lý do khiến ung thư phổi trở thành bệnh ung thư thường gặp và có tỉ lệ tử vong cao đứng thứ hai (sau ung thư gan) ở Việt Nam. Nhiều trường hợp phát hiện bệnh ung thư phổi khi đã ở giai đoạn nặng nhưng liệu có phải dấu chấm hết.

Nội dung video được tư vấn chuyên môn bởi TS. BS Lê Tấn Đạt, Trưởng đơn nguyên nội Ung bướu - Bệnh viện ĐKQT Vinmec Central Park

1. Tìm hiểu về ung thư phổi và giai đoạn mắc bệnh

Ung thư phổi được chia ra hai loại chính là ung thư phổi không tế bào nhỏ và ung thư phổi tế bào nhỏ. Mỗi loại được chẩn đoán giai đoạn hoàn toàn khác nhau. Quyết định chọn lựa phương pháp điều trị phụ thuộc chủ yếu vào giai đoạn bệnh, loại ung thư, tuổi và tình trạng sức khỏe khác của người bệnh.

Hiện nay, điều trị ung thư phổi gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, điều trị nhắm đích và miễn dịch. Trong 2 loại ung thư phổi thì ung thư phổi loại không tế bào nhỏ chiếm hơn 80% trường hợp, bao gồm ung thư biểu mô tuyến, ung thư biểu mô gai và một số ít là ung thư tế bào lớn. Bệnh thường diễn tiến âm thầm và tiên lượng xấu. Người bệnh có thể đến khám vì ho kéo dài, ho ra máu, khó thở, đau ngực, đau xương...

Và khi đó, hơn 50% trường hợp bệnh đã ở giai đoạn di căn, tức là các tế bào ung thư đã lan tràn ở phổi và các cơ quan khác của cơ thể và tiên lượng khả năng sống được 5 năm của các trường hợp này rất thấp, chỉ khoảng 6%.

Mục tiêu điều trị bệnh ung thư phổi giai đoạn di căn là nhằm giảm nhẹ triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống, làm chậm diễn tiến của khối bướu và kéo dài thời gian sống thêm cho bệnh nhân. Trước khi ra đời phương pháp điều trị nhắm trúng đích, hóa trị là phương pháp điều trị đặc hiệu duy nhất cho bệnh ở giai đoạn di căn.

Ung thư phổi và những điều cần biết
Ung thư phổi và những điều cần biết

2. Liệu pháp nhắm trúng đích EGFR là gì?

Trong vòng 30 năm trở lại đây, nghiên cứu về hồ sơ di truyền học trong bệnh lý ung thư, đặc biệt là ung thư phổi đã thật sự “bùng nổ”. Một trong số những thành tựu là phát hiện các loại đột biến gen quan trọng có ảnh hưởng đến ung thư, hay còn gọi là “Driver mutation”.

Từ đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra một dạng thuốc có khả năng ức chế hoạt động của những con đường tín hiệu liên quan đến những đột biến gen này, ngăn không cho tế bào ung thư phát triển, thúc đẩy quá trình chết tự nhiên của tế bào.

Phương pháp điều trị bằng cách sử dụng các thuốc có cơ chế hoạt động nêu trên, nhắm vào các đích nhắm phân tử được gọi là điều trị nhắm trúng đích.

Đối với ung thư phổi, thụ thể EGFR (Epidermal growth factor receptor - thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì) là đích nhắm điều trị đầu tiên được chấp thuận và hiện vẫn tiếp tục được nghiên cứu đến ngày nay.

Đột biến gen EGFR là loại đột biến gen thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư phổi, đặc biệt là trên dân số Châu Á, bệnh nhân nữ, không hút thuốc lá và tế bào ung thư phổi có nguồn gốc từ biểu mô tuyến. Theo nghiên cứu ở Việt Nam, cứ 100 bệnh nhân ung thư phổi có khoảng 60 người mang đột biến gen EGFR.

Khi đột biến gen EGFR xảy ra, phần tyrosine kinase trên thụ thể EGFR này tự bản thân có khả năng kích hoạt con đường nội bào mà không cần có chất gắn EGF, dẫn đến quá trình tăng sinh một cách vô tổ chức của các tế bào ung thư.

3. Các thuốc điều trị nhắm trúng đích EGFR có hiệu quả như thế nào ở bệnh nhân ung thư phổi di căn?

Thuốc nhắm trúng đích EGFR là các thuốc ức chế tyrosine kinase trên thụ thể EGFR (EGFR-TKI), giúp ngăn bướu phát triển. Tùy vào tình trạng của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định lựa chọn nhóm thuốc nhắm trúng đích EGFR thế hệ nào, vì mỗi thế hệ thuốc sẽ có hiệu quả khác nhau như: giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng tỉ lệ đáp ứng bướu, kéo dài thời gian bệnh không tiến triển.

Khi mẫu tế bào bướu hoặc mẫu máu của người bệnh được xét nghiệm có sự hiện diện của đột biến gen EGFR thì việc sử dụng nhóm thuốc này sẽ mang lại hiệu quả cho người bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp ung thư phổi đều có thể điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích EGFR. Đối với những trường hợp không mang đột biến EGFR, chúng ta có thể tìm kiếm các loại đột biến gen khác như ALK, ROS1, BRAF, MET, RET. Nếu có các loại đột biến gen này, người bệnh có thể sử dụng các thuốc nhắm trúng đích tùy vào từng loại đột biến.

Ung thư phổi đã có thêm nhiều hy vọng tươi sáng hơn trong điều trị cùng với đà phát triển của y học. Tuy nhiên, tránh xa thuốc lá, và tầm soát phát hiện sớm ung thư vẫn là việc cơ bản nhất giúp chúng ta chiến thắng bệnh tật.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan