Vắc-xin Hib có an toàn và có thể tiêm cùng các loại vắc-xin khác?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Quách Nguyễn Thu Thủy - Bác sĩ Nhi - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, vắc-xin phòng hib là công cụ duy nhất có khả năng ngăn ngừa phần lớn các bệnh nặng do vi khuẩn Hib gây ra.

1. Các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra

Vi khuẩn Hib (Haemophilus Influenzae type b) : nguyên nhân chủ yếu gây 2 bệnh nghiêm trọng là viêm phổi và viêm màng não mủ ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Vi khuẩn Hib có thể xâm lấn vào các bộ phận của cơ thể thường không có vi trùng như dịch tủy sống, gây viêm màng não hoặc máu, gây nhiễm khuẩn huyết. Bệnh có thể diễn biến nặng phải điều trị tại bệnh viện và đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, vắc-xin phòng hib là công cụ duy nhất có khả năng ngăn ngừa phần lớn các bệnh nặng do vi khuẩn Hib gây ra.

Bệnh do vi khuẩn Hib là các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn xâm lấn đến các cơ quan bình thường không có vi khuẩn. 2 bệnh nghiêm trọng là viêm phổi và viêm màng não mủ ở trẻ nhỏ:

  • Viêm màng não là một bệnh nhiễm trùng màng bao phủ não và tủy sống. Viêm màng não do vi khuẩn là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng có thể gây sốt, suy giảm khả năng nhận thức, hôn mê và tử vong. Có từ 3% đến 6% trẻ em nhiễm vi khuẩn hib bị tử vong. Và ngay cả khi sống sót, nhiều trẻ trong số đó sẽ bị tổn thương nghiêm trọng thần kinh và não dẫn đến mù lòa, liệt, thiểu năng trí tuệ.
  • Vi khuẩn Hib có thể gây viêm phổi; viêm nắp thanh quản, đây là một bệnh nhiễm trùng nặng dẫn đến khó thở do suy hô hấp; nhiễm trùng máu; nhiễm trùng xương và nhiễm trùng khớp dẫn đến viêm khớp.

Vi khuẩn Hib rất dễ lây lan khi người bệnh hoặc người khỏe mang vi khuẩn truyền cho người khác khi họ hắt hơi hoặc ho. Trước khi sử dụng vắc-xin, có khoảng 20.000 trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh Hib mỗi năm, trong đó khoảng 12.000 trường hợp có viêm màng não và khoảng 1.000 trường hợp tử vong mỗi năm.

2. Vắc-xin Hib có an toàn không?

Các nhà sản xuất đã sản xuất vắc-xin Hib từ lớp vỏ của vi khuẩn Hib, khi được liên kết với protein, có thể giúp cơ thể tăng cường khả năng miễn dịch với vi khuẩn Hib. Vì chỉ sử dụng lớp vỏ bên ngoài, không phải sử dụng toàn bộ con vi khuẩn, nên vắc-xin Hib không thể gây các bệnh do vi khuẩn Hib gây ra.

  • Tiêm phòng Hib có sốt không?

Bất cứ loại vắc-xin nào đều có nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ. Các tác dụng phụ này thường nhẹ và tự khỏi. Các phản ứng nghiêm trọng cũng có thể xuất hiện nhưng hiếm khi xảy ra. Hầu hết những người được tiêm vắc-xin Hib không có bất kỳ vấn đề gì với vắc-xin này. Các Vấn Đề ở mức độ nhẹ sau khi tiêm vắc-xin Hib: •sôt, tấy đỏ, nóng hoặc sưng tại chỗ tiêm. Các vấn đề này không phổ biến. Nếu các vấn đề này xảy ra, chúng thường bắt đầu xuất hiện ngay sau khi tiêm và kéo dài 2 hoặc 3 ngày.

  • Vắc-xin Hib an toàn không có tác dụng phụ nghiêm trọng và phản ứng dị ứng rất hiếm khi xảy ra.
  • Vắc-xin Hib thường được sử dụng kết hợp với các loại vắc-xin khác.

3. Ai nên tiêm vắc-xin?

Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC) khuyến cáo nên tiêm vắc-xin Hib cho trẻ dưới 5 tuổi. Tốt nhất, nên tiêm liều đầu tiên khi được 2 tháng tuổi.

Bệnh do vi khuẩn Hib rất hiếm gặp ở trẻ lớn và người lớn do hầu hết đã có kháng thể với Hib trong hệ thống miễn dịch, do đó không nên tiêm vắc-xin Hib cho người từ 5 tuổi trở lên, trừ khi họ có nguy cơ nhiễm trùng Hib. Trẻ lớn hơn và người lớn có nguy cơ mắc bệnh do Hib bao gồm:

  • Người đã cắt lá lách
  • Bệnh hồng cầu hình liềm
  • Bệnh bạch cầu
  • Nhiễm HIV
  • Người có hệ thống miễn dịch bị ức chế do bệnh hoặc do điều trị, chẳng hạn như ung thư.

4. Khi nào con tôi nên được tiêm phòng?

Vắc-xin Hib thường được tiêm 3 hoặc 4 liều (tùy theo loại vắc-xin). Vắc-xin Hib có thể được tiêm dưới dạng vắc-xin đơn hoặc vắc-xin kết hợp (Kết hợp nhiều loại vắc-xin khác nhau trong một mũi tiêm).

Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. CDC), lịch tiêm vắc-xin Hib như sau:

  • Trẻ 2 tháng tuổi
  • Trẻ 4 tháng tuổi
  • Trẻ 6 tháng tuổi (lưu ý có loại vắc-xin hib không tiêm mũi lúc 6 tháng)
  • Tiêm phòng hib mũi 4 hay còn gọi là mũi nhắc lại, được thực hiện khi trẻ từ 12-15 tháng tuổi

Trẻ em từ 12-15 tháng đến 5 tuổi trước đây chưa được hoàn thành đủ số mũi tiêm vắc-xin Hib có thể cần tiêm nhắc lại 01 mũi hoặc vài mũi vắc-xin Hib bổ sung.

Không nên cho trẻ dưới 6 tuần tiêm vắc-xin Hib do có thể gây ra phản ứng khiến cơ thể của trẻ không đáp ứng với các liều vắc-xin Hib sau đó. Hầu hết trẻ sơ sinh có khả năng miễn dịch tự nhiên với Hib do được mẹ truyền trong quá trình mang thai.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

671 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan