Giải phẫu và dấu hiệu trật khớp cùng đòn

Trật khớp cùng đòn chiếm khoảng 9 - 10% các chấn thương ở vùng vai. Nắm được giải phẫu khớp cùng đòn và triệu chứng trật khớp cùng đòn sẽ giúp bệnh nhân phát hiện bệnh sớm và có phương án điều trị phù hợp.

1. Giải phẫu khớp cùng đòn

1.1 Khớp cùng đòn là gì?

Khớp cùng đòn (còn được gọi là khớp cùng vai đòn, tiếng Anh là: acromioclavicular joint) là một khớp động nằm giữa đầu ngoài xương đòn và mặt trong mỏm cùng vai, sụn sợi bao bọc bên ngoài diện khớp. Khớp cùng đòn có bao khớp rất mỏng, tuy nhiên, khớp này lại được giữ vững nhờ cấu trúc 3 hệ thống phức hợp dây chằng gồm: dây chằng thang, dây chằng nón và dây chằng cùng đòn. Bên cạnh đó, các sợi của cơ delta và cơ thang đan xen với phần trên dây chằng cùng đòn cũng góp phần làm tăng độ vững của khớp này.

1.2 Đặc điểm giải phẫu khớp cùng đòn

Khớp cùng đòn và các cấu trúc liên quan xung quanh gồm:

Các cấu trúc giữ vững tĩnh khớp cùng vai đòn

Gồm có dây chằng cùng đòn (trên, dưới, trước, sau) và dây chằng quạ đòn (bó nón và thang). Cụ thể:

  • Dây chằng cùng đòn và bao khớp: Là các cấu trúc có vai trò giữ vững khớp cùng đòn trên mặt phẳng ngang. Bó trên và sau đóng vai trò chủ yếu cho sự vững chắc của khớp. Cụ thể, bó trên góp tới 56%, bó sau góp tới 25% cho độ vững phía sau của khớp cùng đòn. Sự mất vững trước sau của khớp có thể gây ra tình trạng va chạm giữa xương đòn và gai vai phía sau;
  • Dây chằng quạ đòn: Gồm bó nón (ở trong) và bó thang (ở ngoài). Bó thang xuất phát từ vị trí cách giữa đỉnh mỏm quạ khoảng 2cm, bám vào mặt dưới xương đòn. Bó nón xuất phát vị trí bờ sau trong của mỏm quạ, bám vào củ nón xương đòn. Dây chằng quạ đòn có chức năng giữ vững phần trên - dưới của khớp cùng vai đòn, ngăn cản phức hợp vai - cánh tay di chuyển xuống dưới hoặc xương đòn di chuyển lên trên. Bó nón đảm bảo 60% độ vững của khớp. Dây chằng quạ đòn cũng có chức năng giữ vững trước - sau.

Các cấu trúc giữ vững động khớp cùng vai đòn

Cơ thang và cơ Delta bám ở 1/3 mặt ngoài, trước, sau của xương đòn và bờ trước ngoài mỏm cùng vai. Các cơ này có hướng tác dụng lực ngược nhau, kết hợp với các dây chằng quạ đòn và cùng đòn đảm nhiệm chức năng củng cố thêm độ vững chắc cho khớp cùng vai đòn. Trong mọi phẫu thuật tái tạo khớp cùng đòn, bác sĩ đều cần phải lưu ý tới vai trò của các cơ này. Bên cạnh đó, trong xử lý vấn đề trật khớp cùng đòn, việc sửa chữa lớp cơ cân mạc thang - delta cũng đóng vai trò rất quan trọng.

Xem ngay: Trật xương khớp xương đòn độ 2 có phải mổ không?

2. Trật khớp cùng đòn là gì?

Trật khớp cùng đòn (trật khớp cùng đòn vai) là một chấn thương vai khá phổ biến do chấn thương khi chơi thể thao hoặc do nạn nhân bị ngã đập vai xuống nền cứng với tư thế cánh tay áp sát thân mình. Tình trạng này chủ yếu gặp ở các vận động viên đua xe đạp, đá bóng, trượt tuyết,...

Trật khớp cùng đòn xảy ra khi có một lực tác động vào phía ngoài xương đòn, khiến khớp cùng đòn bị trật với mức độ nhẹ, trung bình hoặc nặng. Cơ chế chấn thương có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp. Cụ thể:

  • Trực tiếp: Chấn thương xảy ra khi nạn nhân bị ngã đập vai xuống nền cứng trong tư thế khớp vai khép lại, khiến mỏm cùng vai bị đẩy vào trong và xuống dưới;
  • Gián tiếp: Nạn nhân ngã chống tay xuống nền, khiến lực tác động chạy dọc theo trục xương cánh tay đi đến khớp cùng đòn.

Nếu trật khớp ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, các dây chằng ở khớp cùng đòn sẽ căng giãn hoặc bị đứt một phần. Nếu bị trật khớp ở mức độ nặng, các dây chằng néo giữ xương đòn xuống dưới thường bị đứt. Khi đó, đầu ngoài xương đòn sẽ bị bật lên, dễ dàng quan sát thấy lớp da phía ngoài xương bị nhô lên.

trật khớp cùng đòn
Trật khớp cùng đòn xảy ra khi có một lực tác động vào phía ngoài xương đòn

3. Triệu chứng trật khớp cùng đòn

Những dấu hiệu nhận biết trật khớp cùng đòn gồm:

  • Sau chấn thương, bệnh nhân bị đau, sưng, bầm tím ở vai chấn thương;
  • Trường hợp trật khớp nhẹ và vừa (độ I - III), người bệnh có triệu chứng đau âm ỉ tại vị trí khớp cùng vai đòn, cơn đau tăng lên nếu bệnh nhân bắt chéo tay hoặc nâng vật nặng;
  • Trường hợp bị trật khớp nặng (độ IV - VI), hệ thống dây chằng giữ ở đầu ngoài xương đòn và bao khớp cùng đòn bị đứt hoàn toàn thì sẽ thấy đầu ngoài xương đòn nhô lên dưới da, vai của bên trật bị biến dạng so với bên đối diện. Người bệnh bị đau, không thể đưa tay lên quá đầu hoặc không thể nằm nghiêng về phía vai bị tổn thương. Bệnh nhân còn có dấu hiệu phím đàn (ấn tay vào thì xương đòn sẽ về vị trí ban đầu nhưng khi thả tay thì đầu ngoài xương đòn lại nhô lên).

Khi có bất kỳ dấu hiệu nào nêu trên, những người xung quanh nên kịp thời đưa bệnh nhân đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác bệnh lý trật khớp cùng đòn. Từ đó, bác sĩ sẽ có phương án điều trị kịp thời, dứt điểm, tránh gây ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan