Những điều cần biết về sụn chêm hình đĩa ở trẻ em

Tình trạng đau nhức khớp gối không chỉ gặp phải ở người lớn tuổi, người lao động nặng, vận động viên... mà còn gặp ở trẻ em. Một nguyên nhân phổ biến nhưng ít được chú ý gây ra tình trạng này là sụn chêm hình đĩa. Sụn chêm hình đĩa ở trẻ em thường được phát hiện tình cờ khi chụp cộng hưởng từ khớp gối cho trẻ.

1. Sụn chêm hình đĩa là gì?

Sụn chêm là loại sụn có đặc điểm hình thái giống như cái chêm, có hình lưỡi liềm hay hình trăng khuyết. Sụn chêm có vị trí nằm giữa lồi cầu đùi và mâm chày. Trong cơ thể con người có 2 loại sụn chêm là: sụn chêm trong và sụn chêm ngoài.

Sụn chêm hình đĩa ở trẻ em là một bất thường về đặc điểm hình thái của sụn chêm, sụn bị kéo giãn và hình thành cấu trúc tròn giống hình cái đĩa. Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường là do bẩm sinh (bắt nguồn những bất thường trong quá trình phát triển bào thai).

Sụn chêm bình thường sẽ giúp hấp thụ và phân tán lực dồn lên trên khớp gối, giúp bảo vệ sụn khớp, giúp gối có thể gấp và duỗi dễ dàng với biên độ tối đa. Sụn chêm hình đĩa thường gặp ở sụn chêm ngoài, tần suất mắc phải 1-3%. Có 20% trường hợp sụn chêm hình đĩa ở trẻ em bắt gặp ở cả hai chân.

Sụn chêm hình đĩa rất dễ bị kẹt khi khớp gối vận động, gây ra cảm giác đau đớn, đặc biệt là khi gối bị xoắn vặn như khi trụ chân hoặc khi thay đổi hướng di chuyển. Có thể thấy, sụn chêm hình đĩa dễ bị tổn thương hơn so với sụn chêm bình thường.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp sụn chêm hình đĩa ở trẻ em không có triệu chứng, chỉ tình cờ phát hiện khi chụp cộng hưởng từ khớp gối vì một nguyên nhân nào đó.

2. Các loại sụn chêm hình đĩa ở trẻ em

  • Sụn chêm hình đĩa không hoàn toàn: phần thân sụn trở nên dày hơn và rộng hơn so với sụn chêm bình thường
  • Sụn chêm hình đĩa hoàn toàn: sụn rộng và che phủ hết diện tích của mâm chày
  • Sụn chêm siêu di động Wrisberg: do có tình trạng thiếu khuyết dây chằng mâm chày - sụn chêm (vai trò neo giữ sụn chêm vào mâm chày) từ lúc trẻ mới sinh ra. Sụn chêm không được giữ bởi dây chằng trở nên di động dễ dàng bên trong khớp, từ đó dẫn đến các triệu chứng khó chịu cho trẻ như: đau, kẹt khớp, tiếng “lách cách” khi vận động.

Sụn chêm hình đĩa rất dễ bị tổn thương, dễ bị kẹt khi khớp gối vận động gây đau và rách sụn. Trường hợp dây chằng neo sụn chêm bị khiếm khuyết hoặc lỏng lẻo thì nguy cơ gây đau và rách sụn chêm càng cao hơn. Nếu sụn chêm bình thường bị tổn thương cũng rất khó liền do đặc điểm cấu trúc sụn rất nghèo mạch máu, vì vậy sụn chêm hình đĩa bị tổn thương càng khó liền hơn.

Sụn chêm đĩa hình
Hình ảnh các loại sụn chêm đĩa hình

3. Chẩn đoán sụn chêm hình đĩa ở trẻ em

3.1. Triệu chứng sụn chêm hình đĩa là gì?

Tùy thuộc vào phân loại sụn chêm, vị trí sụn, mức độ tổn thương và độ mất bền vững của sụn chêm mà trẻ có thể có các biểu hiện như sau:

  • Đau gối
  • Sưng gối, hạn chế vận động khớp gối
  • Khớp gối bị kẹt
  • Tiếng lách cách khi vận động
  • Gối có cảm giác bị trượt khi bước đi
  • Trẻ không thể duỗi hết gối
  • Cơ đùi teo nhỏ (hậu quả của đau và hạn chế vận động)
  • Một số trường hợp nhận thấy một phần sụn chêm trôi ra ngoài phía khe khớp, có thể sờ thấy ngay dưới da.

3.2. Cận lâm sàng

  • Chụp X-quang thông thường: có khoảng sáng ở khe khớp, giữa lồi cầu ngoài xương đùi và mâm chày ngoài, khoảng sáng rộng hơn so với bên bình thường.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): chẩn đoán khá chính xác và được áp dụng phổ biến.
Trẻ đau gối
Tùy thuộc vào phân loại sụn chêm, vị trí sụn, mức độ tổn thương và độ mất bền vững của sụn chêm mà trẻ có thể có các biểu hiện khác nhau như đau gối, sưng gối,...

4. Điều trị sụn chêm hình đĩa ở trẻ em

Trẻ sau khi được chẩn đoán sụn chêm hình đĩa nhưng không có bất kỳ một triệu chứng bất thường nào thì không cần thiết phải tiến hành phẫu thuật. Phẫu thuật được chỉ định trong trường hợp sụn chêm hình đĩa bị rách hoặc có nhiều biểu hiện đau, kẹt khớp, tiếng lách cách khi vận động...

Hiện nay, phẫu thuật nội soi sụn chêm hình đĩa là phương pháp điều trị tối ưu, tùy theo tính chất, vị trí mà phẫu thuật viên sẽ cắt bỏ phần sụn chêm bị rách, khâu phục hồi hoặc cắt tạo lại hình sụn chêm hình đĩa để giống hình thái sụn chêm bình thường.

Sau phẫu thuật, trẻ có thể đeo nẹp mềm để hỗ trợ và phải chống nạng trong một thời gian nhất định trước khi trở lại sinh hoạt bình thường. Một số trường hợp trẻ cần phải tập phục hồi chức năng nếu gối bị hạn chế duỗi trong một thời gian dài trước khi tiến hành phẫu thuật.

Sau khi hồi phục, trẻ có thể trở lại với sinh hoạt, vận động bình thường. Tuy nhiên, nếu trước đó trẻ bị tổn thương nặng có thể vẫn gặp phải các triệu chứng đau, về lâu dài có nguy cơ thoái hóa khớp sớm.

Nếu sụn chêm hình đĩa có dấu hiệu rách, tổn thương gây đau thì trẻ cần được đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan