Dị ứng kháng sinh có loại thuốc nào phù hợp không? Và làm thế nào để biết dị ứng với kháng sinh nào?

Hỏi

Chào dược sĩ!

Thưa dược sĩ, mấy năm gần đây cháu có hiện tượng dị ứng nổi mề đay nốt to cứng thành từng mảng sau khi sử dụng các loại thuốc ho, hạ sốt,... và cháu phát hiện ra cháu bị dị ứng kháng sinh (một số loại như: Amoxicilin,...mỗi lần đi thì cháu được kê một loại khác). Vậy dược sĩ cho cháu hỏi, cháu bị dị ứng kháng sinh có loại thuốc nào phù hợp không? Và làm thế nào để biết dị ứng với kháng sinh nào ạ?

Rất mong dược sĩ tư vấn, cháu cảm ơn!

Thân Thị Thoa (2001)

Trả lời

Chào bạn!

Dược sĩ xin được giải đáp câu hỏi: “Dị ứng kháng sinh có loại thuốc nào phù hợp không? Và làm thế nào để biết dị ứng với kháng sinh nào?” như sau:

Trong điều trị, kháng sinh thường được sử dụng nhằm kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển của các vi sinh vật gây bệnh, đồng thời chống lại các căn bệnh nhiễm trùng. Một số trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh có thể gặp phải nguy cơ bị dị ứng. Các phản ứng dị ứng có thể xảy ra ngay sau khi bệnh nhân vừa sử dụng thuốc kháng sinh hoặc từ vài ngày đến vài tuần sau khi sử dụng thuốc. Dị ứng kháng sinh có thể không xuất hiện trong lần sử dụng thuốc đầu tiên, tuy nhiên hệ thống miễn dịch lúc này đã bắt đầu nhạy cảm hơn với kháng sinh. Điều này khiến cho người bệnh có nguy cơ cao gặp phải các phản ứng dị ứng trong lần sử dụng thuốc kế tiếp.

Một số dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất khi bạn bị dị ứng kháng sinh là:

  • Phát ban, da bị mẩn đỏ, ngứa, sưng hoặc bong tróc
  • Họng bị căng tức, khó thở hoặc thở khò khè
  • Bị đau bụng, tiêu chảy
  • Chảy nước mắt hoặc mũi
  • Gặp vấn đề về thị lực

Nếu bạn nghi ngờ bị dị ứng 1 kháng sinh nào đó, bạn nên cung cấp thông tin tên thuốc có khả năng gây ra dị ứng cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho bạn làm thêm các xét nghiệm bổ sung để chẩn đoán chính xác tình trạng dị ứng kháng sinh của bạn như xét nghiệm máu, test dưới da, test áp bì, ... Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để lựa chọn một loại thuốc kháng sinh thay thế thích hợp và nó không có nguy cơ gây ra phản ứng chéo với những loại thuốc cũ

Ngoài ra, để phòng ngừa dị ứng kháng sinh, bạn cần lưu ý thêm:

  • Không nên tùy tiện sử dụng thuốc, nhất là đối với các trường hợp đã có tiền sử dị ứng thuốc.
  • Nên kiểm tra nguồn gốc, thành phần và chất lượng của thuốc trước khi sử dụng
  • Nên cảnh giác khi xảy ra tình trạng dị ứng thuốc. Trong trường hợp khẩn cấp như sốc phản vệ (phản ứng dị ứng cấp tính nặng và đe dọa trực tiếp tới tính mạng với các dấu hiệu: bồn chồn, khó thở, hốt hoảng, phù nề thanh khí quản, suy tim cấp, nhịp tim nhanh, tay chân lạnh, truỵ mạch,...) phải ngay lập tức nhập viện cấp cứu.
  • Ngừng thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ khi xảy ra phản ứng dị ứng kháng sinh.

Nếu bạn còn thắc mắc về vấn đề này, bạn có thể đến cơ sở y tế gần nhất hoặc Bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn kỹ hơn. Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Vinmec, chúc bạn thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Được giải đáp bởi Dược sĩ Đinh Thị Mỹ Hạnh - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan