Uống trà tâm sen mỗi ngày có tốt không?

Trà tâm sen được sử dụng khá phổ biến nhờ những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe, đặc biệt là trong việc điều trị mất ngủ. Tuy nhiên, uống trà tâm sen mỗi ngày có tốt không, cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của tâm sen

Tâm sen hay còn gọi là tim sen, là mầm của hạt sen, chính là phần mầm nhỏ, có màu xanh và mọc ở giữa hạt sen già. Tâm sen có chứa các hoạt chất gồm asparagin và các alkaloid như nelumbin, nuciferin, liensinin. Nuciferin có tác dụng kéo dài giấc ngủ, mỗi ngày có thể dùng 1 - 3 gam dạng hãm nước sôi như trà. Nelumbin có tác dụng trấn tĩnh, an thần, làm bình dục tính. Các thử nghiệm trên lâm sàng cho thấy dịch chiết từ tâm sen còn có tác dụng cường tim và làm hạ huyết áp. Dưới đây là một số công dụng của tâm sen:

Tâm sen có vị đắng, tính lạnh nên giúp hạ hỏa, nhờ đó làm tiêu tan căng thẳng, chữa mất ngủ, giúp ngủ sâu và ngon hơn. Đồng thời, trong tâm sen có asparagine và các alkaloid như nuciferin, liensinin, nelumbin. Các chất này có công dụng ổn định giấc ngủ và kéo dài chúng. Vì vậy, khi bị mất ngủ, bệnh nhân sử dụng tâm sen sẽ cải thiện được tình trạng bệnh.

  • Giúp thanh nhiệt và chữa bí tiểu

Trà tâm sen có tác dụng thanh nhiệt và chữa bí tiểu rất hiệu quả. Tác dụng này chính là nhờ công dụng giải nhiệt, an thần của tâm sen. Tuy nhiên, bệnh nhân không nên lạm dụng khi sử dụng tâm sen để thanh nhiệt và chữa bí tiểu vì nếu sử dụng quá mức sẽ dẫn đến hiện tượng hư hàn.

  • Hỗ trợ điều trị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim

Tâm sen có tác dụng hạ huyết áp nhờ vào việc làm giãn cơ trơn thành mạch. Tâm sen còn giúp phòng ngừa rối loạn nhịp tim, chống oxy hóa, cải thiện thiếu máu cơ tim, cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành. Vì vậy mà tâm sen có tác dụng rất tốt với người bị tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim.

  • Chữa ù tai, dị tinh và mộng tinh

Tâm sen là một thành phần quan trọng trong các bài thuốc chữa ù tai, dị tinh, mộng tinh.

  • Phòng ngừa xuất huyết

Trong tâm sen có chứa quercetin và các flavonoid, có khả năng cải thiện sức bền thành mao mạch và giúp kiểm soát chảy máu. Nhờ đó, trà tâm sen đặc biệt hiệu quả trong việc chống xuất huyết.

  • Hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường

Thức uống này giúp kiểm soát lượng đường trong máu khá tốt và hỗ trợ hiệu quả cho những người đang mắc bệnh tiểu đường. Với hoạt chất alkaloid trong tâm sen, loại trà này có công dụng trong việc giảm thiểu sự gia tăng glucose sau bữa ăn.

  • Ngăn ngừa trầm cảm

Các thành phần isoliensinine và liensinine trong trà tâm sen có đặc tính an thần, giúp bệnh nhân thư giãn, giảm căng thẳng và hỗ trợ chống trầm cảm.

  • Hỗ trợ tiêu hóa

Trà tâm sen có chứa nhiều chất xơ nên giúp cải thiện quá trình tiêu hóa. Do đó, loại trà này là một lựa chọn phù hợp cho những người có vấn đề về tiêu hóa.

  • Hỗ trợ giảm cân

Tâm sen có tác dụng ngăn chặn sự hấp thu chất béo và carbs, từ đó làm giảm lượng chất béo tích tụ trong cơ thể. Chất L-carotene có trong tâm sen cũng có khả năng thúc đẩy quá trình trao đổi chất nên có khả năng giúp bệnh nhân giảm cân.

2. Uống trà tâm sen mỗi ngày có tốt không?

Nhiều bệnh nhân thắc mắc trà tâm sen uống nhiều có tốt không? Thực tế, tâm sen có vị đắng, tính lạnh nên những người thực nhiệt uống vào thì hạ hỏa, sảng khoái và ngủ được. Ngược lại, trường hợp người bệnh hư nhiệt uống vào cũng ngủ được nhưng về lâu dài sẽ mệt mỏi, giảm trí nhớ và nhịp tim thất thường. Bệnh nhân nếu sử dụng trà tâm sen lâu dài có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý do làm giảm ham muốn tình dục. Hiện chưa thấy tài liệu nói về độc tính của trà tâm sen, nhưng do có hàm lượng alkaloid cao nên tâm sen có tác động dược lực mạnh và ảnh hưởng trên tim, do đó cần chú ý không nên dùng lâu dài.

Theo Y học cổ truyền, có rất nhiều món ăn có thể sử dụng như bài thuốc chữa mất ngủ đơn giản, không độc và dễ làm như chè hạt sen long nhãn, canh bí đỏ khoai lang, lá vông nem hay lá dâu tằm non xào với trứng, nước sắc dây nhãn lồng. Ngoài ra, mắc cỡ cũng giúp giảm các chứng mất ngủ, tim hồi hộp, lo âu, căng thẳng do lao tâm lao lực làm việc quá sức và suy nhược cơ thể. Các liệu pháp hỗ trợ phòng mất ngủ là tránh xa chất kích thích, không ăn quá no, không uống bất kỳ loại thuốc nào trước khi đi ngủ, tập vài động tác dưỡng sinh nhẹ nhàng để tạo tinh thần thoải mái, tránh stress. Nếu bệnh nhân áp dụng các cách trên vẫn không ngủ được thì cần đi khám chuyên khoa để được điều trị đúng căn nguyên.

3. Những lưu ý khi sử dụng trà tâm sen

  • Bệnh nhân nên dùng tâm sen với liều lượng và thời gian vừa phải. Không dùng trà tâm sen liên tục quá lâu và liều lượng quá nhiều. Việc sử dụng trà tâm sen quá mức có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, nhịp tim thất thường.
  • Người bị huyết áp thấp, hư nhiệt không nên dùng tâm sen.
  • Không dùng tâm sen ẩm mốc để pha trà.
  • Bệnh nhân không nên uống trà tâm sen khi bụng đói.
  • Trà tim sen không nên dùng cho trẻ nhỏ, phụ nữ đang mang thai, cho con bú, người bị rối loạn kinh nguyệt, rối loạn chức năng sinh lý,...
  • Cách pha trà tâm sen: Chuẩn bị nước sôi 100 độ C, 1 thìa cafe tim sen và ấm đựng trà, Đầu tiên, bệnh nhân nên tráng nhanh trà 1 lần với nước sôi rồi bỏ nước đầu tiên để tim sen nở đều. Tiếp theo, đổ nước sôi đầy ấm và hãm trà trong khoảng 3 phút rồi thưởng thức. Bệnh nhân nên uống trà lúc còn ấm, khi đó trà sẽ có vị thơm và đắng thanh. Bệnh nhân cũng có thể kết hợp cùng các loại thảo mộc khác như mật ong, cam thảo, hoa cúc, kỷ tử... để tăng hương vị cho tách trà.

Nhìn chung, sử dụng trà tâm sen với liều lượng vừa phải sẽ giúp an thần, hạ huyết áp, cải thiện được tình trạng lo âu, mất ngủ. Tuy nhiên, bệnh nhân mất ngủ ở thể hư nhược (thể hàn) với dấu hiệu phổ biến như nằm ngủ thường hay bị mê sảng, dễ thức giấc, ăn uống giảm sút,... thì việc lạm dụng trà tâm sen sẽ có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, khi mất ngủ dai dẳng không thuyên giảm, bệnh nhân nên đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

147.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan