Các nhóm thuốc làm giãn phế quản đường uống

Thuốc giãn phế quản được sử dụng trong các trường hợp có sự co thắt phế quản. Có nhiều nhóm thuốc làm giãn phế quản và cơ chế hoạt động khác nhau. Chính vì cơ chế khác nhau nên đôi khi các thuốc này được sử dụng phối hợp để tăng hiệu quả điều trị.

1. Thuốc giãn phế quản là gì?

Thuốc điều trị giãn phế quản có tác dụng làm giãn cơ trơn của phế quản, giãn phế quản, tăng đường kính đường thở, nhờ đó mà không khí di chuyển qua đường thở để đến các phế nang dễ dàng hơn, tránh tình trạng thiếu oxy tới các mô.

Thuốc giãn phế quản có thể được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như đường uống, tiêm, xịt, khí dung. Đối với các thuốc giãn phế quản dùng đường uống thường được bào chế dưới dạng viên nang, viên nén và dung dịch.

2. Các nhóm thuốc giãn phế quản

Hiện nay, có 3 nhóm thuốc làm giãn phế quản được dùng trong điều trị. Những loại thuốc này có tác dụng làm giãn rộng đường thở nhưng chúng hoạt động trên các thụ thể khác nhau khi được đưa vào cơ thể.

Các nhóm thuốc giãn phế quản bao gồm:

  • Nhóm đồng vận beta-2 giao cảm (tác dụng ngắn và tác dụng dài);
  • Nhóm thuốc kháng Cholinergic (tác dụng ngắn);
  • Nhóm thuốc dẫn xuất Xanthine hay dùng đó là theophylin.

2.1. Thuốc giãn phế quản đồng vận beta-2

Thuốc chủ vận beta 2 có vai trò kích thích receptor beta hệ adrenergic trong đường thở. Loại thuốc này làm giãn phế quản, từ đó giúp các cơ trơn xung quanh đường thở được giãn ra, cải thiện luồng không khí ra vào phổi để cải thiện khó thở.

Thuốc động vận beta 2 được chia thành 2 nhóm đó là thuốc có tác dụng ngắn và nhóm thuốc có tác dụng kéo dài:

  • Các thuốc nhóm đồng vận beta-2 tác dụng ngắn: Một số thuốc như Fenoterol, Salbutamol, Terbutaline, có thể làm giảm triệu chứng bệnh nhanh chóng, nhưng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn. Thuốc thường phát huy tác dụng khoảng 20 phút sau khi uống, kéo dài trong khoảng 4 đến 6 giờ. Ngoài đường uống thì loại này có thể dùng dạng hít hiệu quả cao đối với những trường hợp triệu chứng bệnh đến nhanh và nặng.
  • Nhóm đồng vận beta-2 có tác dụng dài: Bao gồm Salmeterol, Bambuterol, Formoterol. Sau khi uống thường mất hơn 1 giờ đồng hồ mới phát huy tác dụng, nhưng hiệu quả của thuốc kéo dài lên đến hơn 12 giờ. Do đó, thuốc này có thể được sử dụng hằng ngày với mục đích ngăn chặn các cơn co thắt phế quản và nó không khuyến cáo sử dụng cho trường hợp khẩn cấp.

Một số trường hợp khi sử dụng thuốc thuộc nhóm đồng vận beta-2 trong các bệnh lý thì có thể khiến bệnh nặng hơn, cho nên cần được chỉ định và cân nhắc cẩn thận. Một số trường hợp bệnh cần thận trọng gồm:

2.2. Nhóm thuốc kháng Cholinergic

Nhóm thuốc kháng Cholinergic còn được gọi là Antimuscarinics thường được dùng trong điều trị bệnh giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), một số trường hợp cũng có thể được dùng trong điều trị bệnh hen suyễn (hen phế quản). Cơ chế tác dụng của thuốc là giúp làm giãn phế quản, giải phóng các chất tích tụ khiến phế quản bị co thắt.

Thuốc kháng Cholinergic có khả năng ngăn chặn hoạt động của acetylcholine. Acetylcholine là chất dẫn truyền thần kinh ở hệ thần kinh trung ương và cả hệ thần kinh ngoại biên. Chất này khiến cho phế quản bị co thắt, do đó việc dùng thuốc kháng Cholinergic sẽ làm ức chế sự hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine, từ đó khiến cho đường thở của bệnh nhận được giãn ra.

Dùng thuốc kháng Cholinergic được khuyến cáo thận trọng ở các đối tượng:

2.3. Nhóm thuốc dẫn xuất Xanthine

Các nhà nghiên cứu chưa biết được cách thức hoạt động chính xác của chất dẫn xuất Xanthine khi đưa chúng vào cơ thể. Nhưng khi dùng nó cũng có khả năng làm thông thoáng đường thở của người mắc bệnh. Thuốc dẫn xuất Xanthine thường được dùng nhất đó là Theophylline. Theophylline là thuốc giãn phế quản có tác dụng dài, sử dụng đường uống ở dạng viên nén, viên nang hoặc đường tiêm tĩnh mạch đối với những trường hợp bệnh có triệu chứng nặng.

Tuy nhiên, hiện nay các bác sĩ hiếm khi kê đơn Theophylline cho bệnh nhân vì nhiều người gặp phải tác dụng phụ đáng lưu ý khi sử dụng.

Do có thể gây ra nhiều tác dụng phụ cho nên cần thận trọng sử dụng thuốc trong các trường hợp:

  • Tuyến giáp tăng hoạt động;
  • Các bệnh lý tim mạch và huyết áp;
  • Bệnh lý động kinh;
  • Người cao tuổi cần được theo dõi một các kỹ lưỡng khi dùng thuốc Theophylline.

3. Những lưu ý khi sử dụng thuốc giãn phế quản

Thuốc giãn phế quản được chỉ định trong các trường hợp người bệnh mắc các bệnh lý gây co thắt phế quản như hen phế quản, giãn phế quản cấp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Các loại thuốc đường uống hay được dùng để phòng ngừa sự tái phát cơn co thắt phế quản.

Tùy theo tình trạng và mức độ bệnh mà người bệnh được chỉ định sử dụng thuốc điều trị bệnh phù hợp nhất. Khi sử dụng thuốc bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Khi dùng thuốc giãn phế quản hay bất kỳ loại thuốc nào đều có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ có thể gặp như run rẩy tay chân; đau đầu, chóng mặt; loạn nhịp tim, đánh trống ở ngực; buồn nôn, nôn; chuột rút; tiêu chảy...;
  • Khi dùng cần dùng đúng theo chỉ định của bác sĩ: Người bệnh cần phải tuân thủ đúng phác đồ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Dùng đúng liệu trình, liều lượng và thời gian sử dụng. Theo dõi cơ thể sau mỗi lần dùng thuốc để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường nhằm có hướng xử trí kịp thời;
  • Sử dụng thuốc đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất: Để thực hiện điều đó bạn nên đọc kỹ hướng dẫn cách sử dụng của thuốc;
  • Người bệnh mắc các bệnh lý như cường giáp, bệnh tim mạch, huyết áp, tiểu đường... cần tham khảo kỹ ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc điều trị giãn phế quản;
  • Sử dụng thuốc giãn phế quản cho đối tượng đặc biệt như trẻ em: Thuốc sử dụng cho trẻ em thường được ưu tiên sử dụng ở dạng xịt và dạng khí dung vì ít tác dụng phụ hoặc tác dụng phụ không kéo dài so với các loại thuốc dùng bằng đường uống. Đồng thời với việc điều trị triệu chứng cần phát hiện các nguyên nhân gây bệnh, tiêm phòng cúm hằng năm giúp tăng khả năng miễn dịch, bảo vệ trẻ khỏi bệnh giãn phế quản.

Trên đây là những nhóm thuốc giãn phế quản thường được sử dụng. Tùy từng trường hợp cụ thể mà bạn sẽ được bác sĩ kê những loại thuốc phù hợp nhất để hạn chế các tác dụng phụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan