Công dụng thuốc Levopatine

Levopatine có thành phần chính là Levomepromazin 50 mg. Đây là một loại thuốc chống loạn thần với các đặc tính giảm đau, giảm cảm giác buồn nôn. Bên cạnh các công dụng thì thuốc cũng mang lại nhiều phản ứng phụ không mong muốn.

1. Thuốc Levopatine có tác dụng gì?

Bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc trong các trường hợp sau:

  • Được sử dụng như một loại thuốc giảm đau cho những cơn đau vừa đến nặng, đặc biệt là trong các trường hợp đau quá mức quá mức khiến người bệnh không đi lại được.
  • Thành phần Levomepromazin cũng được sử dụng ở liều thấp để điều trị chứng buồn nôn và mất ngủ.
  • Levomepromazine được sử dụng để điều trị rối loạn tâm thần , đặc biệt là tâm thần phân liệt và các giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực.

2. Liều lượng và cách dùng thuốc Levopatine

Cách dùng:

Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phin, được sử dụng qua đường uống. Thời gian dùng thuốc là uống trong bữa ăn.

Liều lượng:

Ở người lớn và trẻ thành niên: Trong điều trị chứng loạn tâm thần phân liệt và đau nặng sử dụng liều 25-50 mg/ ngày, chia thành 3 lần uống. Các liều dùng trong ngày không cần chia đều nhau, có thể sử dụng liều cao hơn vào buổi tối.

Trong điều trị bệnh an thần và đau vừa, sử dụng liều từ 6-25 mg/ ngày, ngày chia thành 3 lần uống.

Đối với trẻ em dưới 10 tuổi:

Điều trị bệnh loạn thần, đau vừa, an thần: Sử dụng liều lượng thuốc ban đầu là 0,25 mg/kg/ngày chia làm 2 đến 3 lần uống trong bữa ăn. Sau đó các liều tiếp theo sẽ tăng dần lên nếu trong trường hợp cần thiết và cơ thể bệnh nhân có thể dung nạp được thuốc. Lưu ý, liều dùng không sử dụng quá 40 mg/ngày với bệnh nhân dưới 12 tuổi.

Người cao tuổi: Sử dụng 1/2 liều lượng thông thường đối với người lớn.

Lưu ý: Đối với những người bệnh tâm thần thực thể hoặc rơi vào trạng thái đầu óc không minh mẫn, bị lú lẫn sử dụng liều điều trị bằng 1/3 hoặc 1/2 liều thông thường với người lớn. Có thể tăng dần liều thuốc ở thời gian sau đó, nhưng ít nhất là 2-3 ngày, thời gian đổi liều lượng thuốc tốt nhất là 7-10 ngày.

Chống chỉ định

  • Không sử dụng thuốc với bệnh nhân mẫn cảm với phenothiazin
  • Không dùng thuốc với người bệnh bị bệnh tim, suy gan nặng, bệnh thận hoặc người có tiền sử co giật
  • Tránh sử dụng quá liều barbiturat, opiat hoặc rượu
  • Không dùng thuốc khi bệnh nhân hôn mê
  • Không dùng thuốc với người bị giảm bạch cầu hoặc có tiền sử giảm bạch cầu hạt.
  • Người bị bệnh nhược cơ
  • Người bệnh mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

3. Quá liều và cách xử lý thuốc Levopatine

Biểu hiện: Khi sử dụng quá liều lượng thuốc, bệnh nhân sẽ gặp phản ứng thường gặp nhất là ức chế thần kinh trung ương với biểu hiện mất điều hòa, chóng mặt, bất tỉnh, co giật, ức chế hô hấp, ngủ gà, nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, phản ứng ít khi gặp như triệu chứng ngoại tháp hoặc là giảm huyết áp, hội chứng ác tính do sử dụng thuốc an thần kinh.

Điều trị: Bác sĩ thường sẽ chỉ định cho bệnh nhân rửa dạ dày với than hoạt, hỗ trợ hô hấp và điều chỉnh cân bằng kiềm toan, chống co giật bằng cách sử dụng dụng thuốc Diazepam cho người bệnh. Khi gặp triệu chứng ngoại tháp sẽ chỉ định sử dụng thuốc biperiden. Theo dõi điện tâm đồ. Chống loạn nhịp tim chỉ định sử dụng thuốc thioridazin. Với bệnh nhân bị hạ huyết áp sẽ cho truyền dịch tĩnh mạch và dopamin, dobutanmin, noradrenalin.

4. Thận trọng khi dùng thuốc Levopatine

Với người bị bệnh động kinh: Thuốc levopatine có thể làm giảm ngưỡng động kinh, do đó cần phải thận trong sử dụng thuốc cho các trường hợp này.

Với trường hợp người bệnh tăng đường huyết: Người bệnh được chẩn đoán bị đái tháo đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cần thường xuyên kiểm tra nồng độ đường huyết trong suốt thời gian dùng thuốc.

Với người bệnh bị huyết khối tĩnh mạch: Bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị chống loạn thần thường xuyên xuất hiện nguy cơ bệnh huyết khối tĩnh mạch, do vậy cần có biện pháp phòng ngừa bệnh trong suốt thời gian điều trị.

Cần cẩn thận sử dụng thuốc ở bệnh nhân có nguy cơ đột quỵ, có nguy cơ làm tăng khả năng tử vong ở người cao tuổi.

Sử dụng thuốc có thể gây nguy cơ kéo dài khoảng QT.

Thận trọng sử dụng thuốc đối với người bệnh cao tuổi hoặc người bị suy nhược có thể, kèm theo bệnh tim, do thuốc gây phản ứng làm hạ huyết áp nặng. Khi cần dùng thuốc, bệnh nhân nên giảm liều lượng thuốc ở liều đầu tiên, sau đó có thể tăng dần lên với các liều tiếp sau đó. Tuy nhiên cần phải theo dõi thường xuyên mạch và huyết áp.

Khi sử dụng liều lượng thuốc cao, người bệnh cần nằm trên giường từ 1-2 giờ sau khi sử dụng thuốc để tránh hạ huyết áp thế đứng.

Đối với phụ nữ có thai: Bác sĩ khuyến cáo trường hợp này cần lưu ý, hạn chế không sử dụng thuốc Levopatine, đặc biệt là 3 tháng cuối thai kỳ. Do thuốc làm tăng nguy cơ phản ứng không mong muốn về hệ thần kinh cũng như gây vàng da ở trẻ sơ sinh.

Trong thời gian cho con bú: Khi sử dụng thuốc để làm giảm đau với trường hợp mẹ đang chuyển dạ, thuốc có thể bài tiết vào sữa mẹ, tuy nhiên lượng thuốc không đáng kể, vậy nên thuốc có thể không ảnh hưởng đến em bé.

Không sử dụng thuốc với người đang vận hành máy móc, lái xe.

5. Tác dụng phụ không mong muốn khi dùng Levopatine

Tác dụng phụ mà thuốc mang lại cũng giống với ADR của nhiều phenothiazin khác nhưng phản ứng hạ huyết áp tư thế đứng xảy ra nặng hơn và thường xuyên hơn.

Phản ứng thường gặp:

  • Hạ huyết áp thế đứng, đánh trống ngực, tim đập nhanh, khoảng QT kéo dài hơn gây loạn nhịp tim. Bị hội chứng ngoại tháp với các biểu hiện như đứng ngồi không yên, run quanh miệng, loạn vận động, loạn trương lực cơ cấp, hội chứng Parkinson.
  • Phản ứng lên hệ thần kinh tự quản với triệu chứng như bí tiểu tiện, táo bón, buồn ngủ, khô miệng.
  • Tác dụng phụ trên da: Mẫn cảm với ánh sáng, phản ứng quá mẫn ( phù, chấm xung huyết, mày đay, dát sần) phát ban ngoài da.
  • Tác dụng hô hấp: Sung huyết mũi, ngạt mũi

Phản ứng ít gặp: Gây rối loạn điều tiết, phản ứng nội tiết (gây ra tình trạng vú to ở nam giới, tăng cân, thay đổi về nhu cầu sinh lý), phản ứng về tiết niệu- sinh dục (gây khó tiểu tiện), phản ứng về tiêu hóa (nôn, buồn nôn, đau dạ dày), phản ứng về thần kinh cơ gây triệu chứng run.

Tác dụng phụ hiếm gặp: Phản ứng về thần kinh gây hội chứng ác tính do thuốc an thần, rối loạn điều thân nhiệt, hạ thấp ngưỡng co giật, phản ứng về da như nhiễm sắc xám-xanh, phản ứng nội tiết (tiết nhiều sữa dùng cho bà mẹ đang cho con bú)..

Nếu người bệnh gặp bất kỳ phản ứng phụ nào trong các phản ứng trên cần phải thông báo ngay cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết để có biện pháp xử lý kịp thời và điều trị, tránh để lâu và gây ra hậu quả không mong muốn.

6. Tương tác thuốc Levopatine

  • Khi sử dụng thuốc cùng với các thuốc hạ huyết áp sẽ gây nguy cơ hạ huyết áp nặng.
  • Dùng cùng với thuốc kháng acetylcholin sẽ làm tăng hiệu quả các thuốc kháng acetylcholin và thuốc giãn cơ succinylcholin.
  • Dùng cùng với thuốc chuyển hóa qua P540 2D6 sẽ gây độc tính cho hệ thần kinh.
  • Không dùng thuốc với rượu.
  • Dùng chung với thuốc lợi tiểu sẽ làm gây hạ huyết áp và tăng nguy cơ hạ huyết áp tư thế đứng.
  • Dùng cùng với các thuốc chữa ngộ độc về mắt về thuốc an thần kinh mạnh có thể gây ra chuyển hóa thoáng qua ở não, gây mất ý thức trong vòng 2- 3 ngày.
  • Dùng chung với thuốc kéo dài khoảng QT như disopyramide, quinidine, amiodarone, thuốc kháng sinh như sparfloxacin, moxifloxacin, erythromycin IV, thuốc thần kinh khác như phenothiazin, pimozide và sertindole, kháng histamin, thuốc chống sốt rét có thể làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim.

Trên đây là những thông tin quan trọng về thuốc Levopatine nếu trong quá trình sử dụng cần thêm tư vấn gì người bệnh có thể liên hệ bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn cụ thể hơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

178 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan