Công dụng thuốc Vitaprox

Vitaprox là thuốc dùng bằng đường tĩnh mạch chứa thành phần Vecuronium. Đây là một loại thuốc độc bảng B có tác dụng giãn cơ, chủ yếu được dùng trong phẫu thuật.

1. Vitaprox là thuốc gì?

Vitaprox chứa hoạt chất Vecuronium bromide với hàm lượng 4mg, thuốc được bào chế dưới dạng bột đông khô pha tiêm.

Về dược lực học, Vecuronium là một thuốc giãn cơ có cấu trúc aminosteroid, có tác dụng phong bế thần kinh - cơ (không khử cực), được chỉ định chủ yếu trong phẫu thuật, gây mê.

Về dược động học, sau khi tiêm tĩnh mạch Vecuronium bromide, thuốc phân bố nhanh trong cơ thể. Thuốc chuyển hóa một phần tại gan, một số chất chuyển hóa của Vecuronium có hoạt tính phong bế thần kinh - cơ.

Vecuronium bài tiết dưới dạng nguyên thể và dạng chuyển hoá của nó, chủ yếu thải trừ qua đường mật. Một tỷ lệ nhỏ thuốc thải trừ qua thận. Thời gian bán thải của thuốc Vecuronium trung bình khoảng 70 phút.

2. Thuốc Vitaprox có tác dụng gì?

Thuốc Vitaprox có tác dụng phong bế thần kinh cơ không khử cực với thời gian tác dụng trung bình nhờ hoạt chất Vecuronium bromide và một số sản phẩm chuyển hóa của nó. Vecuronium gắn với thụ thể cholinergic ở màng sau của synap, phong bế cạnh tranh tác dụng dẫn truyền của ACh (acetylcholine) ở bản vận động của cơ vân.

Tác dụng giãn cơ của Vecuronium bromide mạnh hơn Pancuronium - một chất đồng đẳng của Vecuronium khoảng 1/3 lần, tuy nhiên thời gian tác dụng của Vecuronium lại ngắn hơn Pancuronium khi dùng liều tương đương.

Khoảng 1,5 - 2 phút sau khi tiêm tĩnh mạch Vitaprox với liều 0,08 - 0,10mg/kg (liều làm giãn cơ hoàn toàn), hệ cơ vân đa phần đều giãn ở mức độ hoàn hảo, thuận lợi cho việc đặt nội khí quản cũng như tạo điều kiện cho bất kỳ phẫu thuật nào. Thời gian tác dụng của thuốc Vitaprox kéo dài từ 20 đến 30 phút.

Vitaprox tỏ ra ưu thế khi không phong bế hạch, ngăn cản khử cực ở các bản vận động. Vecuronium bromide không gây liệt đối giao cảm và không các tác dụng phụ lên tim mạch, hô hấp. Mặt khác, Vecuronium không tích luỹ trong cơ thể, vậy nên có thể dùng nhiều liều Vecuronium duy trì nối tiếp nhau với khoảng cách an toàn tương đối đều nhau.

3. Chỉ định của thuốc Vitaprox

Vitaprox (Vecuronium bromide) chủ yếu được chỉ định trong phẫu thuật để gây giãn cơ, Vecuronium có ý nghĩa sau khi tiến hành gây mê nhờ làm tăng độ giãn nở của lồng ngực trong hô hấp điều khiển hoặc hô hấp hỗ trợ.

Thuốc Vitaprox còn được chỉ định để tạo điều kiện thuận lợi cho đặt nội khí quản.

4. Liều lượng và cách dùng Vitaprox

Chỉ dùng Vitaprox khi có chỉ định của bác sĩ. Vecuronium bromide chỉ được dùng bằng đường tĩnh mạch, không được tiêm bắp, với liều lượng và cách dùng như sau:

  • Đặt nội khí quản:
    • Người lớn, trẻ em >5 tháng tuổi: Tiêm tĩnh mạch Vecuronium với liều khởi đầu 0,08 - 0,1mg/kg, sau đó duy trì giãn cơ 0,02 - 0,03mg/kg.
    • Trẻ em <4 tháng tuổi: Tiêm tĩnh mạch Vecuronium với liều khởi đầu 0,01 - 0,02mg/kg, liều tiếp tùy đáp ứng.
  • Thủ thuật sau khi tiến hành đặt nội khí quản với Succinylcholine:
    • Người lớn, trẻ em >5 tháng tuổi: 0.03 - 0.05mg/kg, sau đó duy trì với liều 0.02 - 0.03mg/kg.
    • Sơ sinh, trẻ <4 tháng tuổi: Liều khởi đầu 0.01 - 0.02mg/kg, sau đó tăng dần để đạt hiệu quả.
  • Giãn cơ: Truyền tĩnh mạch Vecuronium ở người lớn với liều khởi đầu 0,04 - 0,1mg/kg, sau đó: 0,8 - 1,4microgam/kg/phút.

5. Chống chỉ định của thuốc Vitaprox

Chống chỉ định dùng Vitaprox ở những bệnh nhân quá mẫn với Vecuronium bromide hay bất kỳ thành phần nào trong tá dược của thuốc.

6. Tác dụng phụ của thuốc Vitaprox

  • Vecuronium bromide thường ít gây tác dụng phụ. Bệnh nhân dùng Vecuronium, nhất là khi dùng Vecuronium kéo dài để hỗ trợ thông khí cơ học ở các đơn vị hồi sức tích cực, có thể biểu hiện một số tác dụng không mong muốn của thuốc giãn cơ không khử cực như teo cơ, yếu và liệt cơ.
  • Các tác dụng phụ khác như suy hô hấp, ngừng thở cũng có thể gặp khi dùng Vecuronium, tuy nhiên rất hiếm.
  • Vecuronium có thể gây phóng thích histamin nhưng yếu, thuốc hiếm khi gây phản vệ.

7. Quá liều Vitaprox và hướng dẫn xử trí

Bệnh nhân dùng quá liều Vecuronium bromide sẽ gặp các triệu chứng chủ yếu là biểu hiện thái quá các tác dụng dược lý của thuốc.

Dùng thuốc Vitaprox quá liều làm kéo dài thời gian phong bế thần kinh - cơ so với khi sử dụng liều thông thường. Bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như yếu cơ, giảm dự trữ hô hấp, thậm chí là ngừng thở trong quá trình phẫu thuật, gây mê.

Xử trí khi dùng quá liều Vecuronium bao gồm điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng:

  • Nên đặt monitoring để theo dõi.
  • Bệnh nhân cần được duy trì thông khí. Thực hiện hô hấp hỗ trợ hay hô hấp điều khiển cho đến khi bệnh nhân tự thở.
  • Cần thiết điều trị hỗ trợ về tim mạch khi có chỉ định. Bệnh nhân cần được đặt ở tư thế thích hợp và đặt đường truyền tĩnh mạch. Dùng các thuốc tăng huyết áp khi cần, nếu huyết áp giảm mạnh cân nhắc dùng thuốc vận mạch (Adrenalin).
  • Có thể dùng thuốc ức chế cholinesterase để khử tác dụng phong bế thần kinh - cơ do thuốc Vecuronium gây ra (thuốc giải giãn cơ), thường dùng nhất là Neostigmin, hoặc có thể dùng Pyridostigmin, Edrophonium.

8. Tương tác thuốc Vitaprox

Vecuronium tăng hiệu lực khi phối hợp Vitaprox với các loại thuốc giãn cơ không khử cực khác, thuốc mê hô hấp, Suxamethonium, kháng sinh nhóm Aminoglycosid hay nhóm Polypeptide, Metronidazole, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn alpha, thuốc chẹn beta, Thiamine (Vitamin B1), thuốc chống trầm cảm IMAO, thuốc Quinidine, Protamine.

Các loại thuốc làm giảm hiệu lực của Vecuronium có thể kể đến như Neostigmine, Pyridostigmin, Edrophonium (khử tác dụng phong bế thần kinh - cơ của Vecuronium), ngoài ra các loại thuốc như Corticoid, Noradrenalin, Theophylline, Azathioprine, Calcium Chloride cũng làm giảm hiệu lực của Vecuronium.

Tương kỵ xảy ra khi hòa chung Vecuronium với Thiopentone. Không trộn Vecuronium chung với các dung dịch kiềm như barbiturat trong cùng một bơm tiêm hoặc tiêm đồng thời qua cùng đường tiêm tĩnh mạch. Cũng không nên hòa chung Vecuronium với các dung dịch khác hoặc dùng chung bơm tiêm, đường truyền, ngoại trừ các dung dịch đã được khẳng định không xảy ra tương kỵ,

9. Thận trọng khi dùng Vitaprox

Bệnh nhân mắc bệnh lý thần kinh - cơ, nhược cơ nặng, béo phì nặng, bệnh gan mật, suy thận, rối loạn cân bằng nước - điện giải, nhiễm toan, hội chứng Eaton-Lambert là những đối tượng cần lưu ý khi dùng Vitaprox.

  • Dùng Vecuronium bromide ở bệnh nhân nhược cơ nặng, dù liều nhỏ cũng có thể gây ra các hiệu ứng sâu sắc. Nên dùng thử liều rất nhỏ (0,005 - 0,02mg/kg) và theo dõi sát đáp ứng cũng như các tác dụng không mong muốn của Vecuronium trên các đối tượng bệnh nhân này.
  • Thận trọng khi dùng Vitaprox trong trường hợp bệnh nhân có bệnh thần kinh - cơ, béo phì nặng hoặc sau khi bị bệnh bại liệt.
  • Chú ý giảm liều Vecuronium ở bệnh nhân có bệnh lý gan mật.
  • Bệnh nhân suy thận nhẹ vẫn dùng được Vecuronium. Tuy nhiên, nếu suy thận nặng thì tốt hơn hết là dùng loại thuốc giãn cơ khác thay cho Vecuronium.
  • Tác dụng phong bế thần kinh - cơ của Vecuronium thường kéo dài đối với trường hợp phẫu thuật hạ thân nhiệt. Cần thận trọng và theo dõi sát đối với trường hợp này.
  • Các rối loạn cân bằng nước - điện giải như mất nước, hạ kali máu, hạ calci máu, tăng magne máu, giảm protein máu hay nhiễm toan, suy mòn cũng có thể làm tăng tác dụng giãn cơ của Vecuronium.
  • Phụ nữ có thai: Chưa có bằng chứng về việc dùng Vecuronium bromide ở phụ nữ có thai có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh đẻ của người mẹ hay gây hại cho thai nhi hay không. Kết quả nghiên cứu cho thấy dùng Vecuronium bromide trong phẫu thuật mổ lấy thai là an toàn.
  • Phụ nữ cho con bú: Chưa rõ Vecuronium có phân bố trong sữa mẹ hay không, do đó thận trọng khi dùng thuốc Vitaprox ở phụ nữ đang cho con bú.
  • Bảo quản Vecuronium bromide ở nhiệt độ 15 – 30 độ C, tránh ánh sáng.
  • Không trộn Vecuronium với Thiopental hay chất kiềm vì gây kết tủa.

Tóm lại, Vitaprox là thuốc dùng đường tĩnh mạch có tác dụng giãn cơ, chủ yếu được sử dụng trong phẫu thuật. Vitaprox là thuốc kê đơn, do đó chỉ được sử dụng dưới chỉ định và theo dõi của bác sĩ điều trị.

59 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan