Công dụng thuốc Zetamed

Tăng cholesterol máu là tình trạng không hiếm gặp hiện nay. Bên cạnh những thuốc phổ biến như nhóm Statin hay Fenofibrate, bệnh nhân có thể điều trị bằng Ezetimibe với sản phẩm thuốc Zetamed. Vậy Zetamed có tác dụng gì?

1. Thuốc Zetamed có tác dụng gì?

  • Tăng cholesterol máu nguyên phát: Zetamed có thể sử dụng kết hợp với một thuốc ức chế men khử HMG-CoA (hay còn gọi là statin) hoặc đơn trị liệu, kết hợp với chế độ ăn kiêng để điều trị giảm lượng cholesterol máu toàn phần, LDL-C, Apolipoprotein B, triglyceride và hỗ trợ tăng cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-C) ở bệnh nhân được chẩn đoán tăng cholesterol máu nguyên phát (dị hợp tử có tính chất gia đình và không) là người trưởng thành hoặc thanh thiếu niên (từ 10 đến 17 tuổi);
  • Zetamed, kết hợp với Fenofibrate, được chỉ định như điều trị hỗ trợ chế độ ăn kiêng để giảm lượng cholesterol toàn phần, LDL-C, Apo B và non-HDL-C ở bệnh nhân là người trưởng thành được chẩn đoán tăng lipid máu hỗn hợp;
  • Tăng cholesterol máu đồng hợp tử có tính gia đình (HoFH): Zetamed, kết hợp với một statin, được chỉ định để giảm lượng cholesterol máu toàn phần và LDL-C ở bệnh nhân HoFH là người trưởng thành hoặc thanh thiếu niên (từ 10 đến 17 tuổi). Ngoài ra, bệnh nhân có thể kết hợp thêm một số phương pháp điều trị hỗ trợ khác (như lọc bỏ LDL);
  • Tăng Sitosterol máu đồng hợp tử: Thuốc Zetamed được chỉ định để giảm lượng Sitosterol và Campesterol ở bệnh nhân tăng Sitosterol máu đồng hợp tử có tính gia đình;
  • Zetamed được chỉ định với mục đích dự phòng biến cố tim mạch nguy hiểm trong bệnh thận mạn tính (CKD), có thể kết hợp với simvastatin hoặc không.

2. Liều dùng thuốc Zetamed

2.1. Liều dùng

Bệnh nhân nên xây dựng và duy trì chế độ ăn kiêng lipid hợp lý trong thời gian điều trị với thuốc Zetamed.

Liều đề nghị của Ezetimibe là 10mg mỗi ngày (1 viên Zetamed), đơn trị liệu hoặc kết hợp với Statin hoặc Fenofibrate. Bệnh nhân có thể uống Zetamed vào bất kỳ thời gian nào trong ngày, cùng hoặc không cùng thức ăn.

Liều Zetamed cho bệnh nhân suy thận/bệnh thận mạn tính:

  • Đơn trị liệu: Không cần điều chỉnh liều Zetamed ở bệnh nhân suy thận;
  • Kết hợp với Simvastatin: Không cần chỉnh liều Zetamed hoặc Simvastatin ở những bệnh nhân suy thận nhẹ (GFR ước tính ≥ 60mL/phút/1.73m2). Ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính và mức lọc cầu thận ước tính dưới 60 mL/phút/1.73m2, liều Ezetimibe là 10mg (1 viên Zetamed 10) và Simvastatin là 20mg, uống 1 lần/ngày vào buổi tối, đồng thời theo dõi chặt chẽ những bệnh nhân này nếu dùng liều Simvastatin cao hơn.

Liều Zetamed ở người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều ở bệnh nhân này.

Liều dùng thuốc Zetamed cho trẻ em:

  • Trẻ em và thanh thiếu niên trên 6 tuổi: Không cần điều chỉnh liều Zetamed;
  • Trẻ em dưới 6 tuổi: Không nên dùng Zetamed.

Liều thuốc Zetamed cho bệnh nhân suy gan:

  • Không cần điều chỉnh liều Zetamed ở bệnh nhân suy gan nhẹ (Child-Pugh 5 đến 6 điểm);
  • Không nên dùng Zetamed cho bệnh nhân suy gan trung bình (Child-Pugh 7 đến 9 điểm) hoặc suy gan nặng (Child-Pugh trên 9 điểm).

Kết hợp Zetamed với thuốc hấp phụ acid mật: Nên uống Zetamed trước tối thiểu 2 giờ hoặc sau tối thiểu 4 giờ so với thời điểm dùng thuốc hấp phụ acid mật.

2.2. Quá liều Zetamed và cách xử trí

  • Trong các thử nghiệm lâm sàng, nhìn chung Zetamed dung nạp tốt khi dùng đến liều 50mg/ngày ở 15 tình nguyện viên khỏe mạnh trong thời gian 14 ngày hoặc 40mg/ngày cho 18 bệnh nhân tăng cholesterol máu nguyên phát trong thời gian 56 ngày và 40mg/ngày cho 27 bệnh nhân tăng Sitosterol máu đồng hợp tử trong trong thời gian 26 tuần;
  • Đã có một vài trường hợp báo cáo quá liều Ezetimibe, nhưng đa phần không có báo cáo tác dụng phụ. Tác dụng phụ của Zetamed được báo cáo là không nghiêm trọng;
  • Trường hợp quá liều thuốc Zetamed và có triệu chứng bất thường thì nên điều trị triệu chứng và nâng đỡ phù hợp.

3. Chống chỉ định của Zetamed

  • Chống chỉ định phối hợp Zetamed với chất ức chế HMG-CoA reductase (statin) ở bệnh nhân có bệnh gan đang hoạt động hay tăng nồng độ transaminase huyết thanh kéo dài không rõ nguyên nhân;
  • Bệnh nhân quá mẫn cảm với Ezetimibe hay bất cứ thành phần nào có trong thuốc Zetamed;
  • Không dùng Zetamed cho bệnh nhân có thai hoặc cho con bú.

4. Tác dụng phụ của thuốc Zetamed

Ezetimibe có khả năng dung nạp tốt. Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc Zetamed bao gồm tiêu chảy, đau bụng, đau lưng, đau khớp và viêm xoang.

Phản ứng quá mẫn, bao gồm phù mạch và phát ban da do Zetamed hiếm khi xảy ra. Ngoài ra một số bệnh nhân gặp một số tác dụng phụ khác như buồn nôn, viêm tụy, bệnh cơ hoặc tiêu cơ vân và viêm gan.

5. Chú ý khi dùng Zetamed

Khi dùng Zetamed với các chất ức chế HMG CoA reductase, bệnh nhân nên tuân theo những hướng dẫn điều trị của chất ức chế HMG CoA reductase.

Cần thận trọng khi dùng Zetamed cho bệnh nhân suy gan vừa và nặng.

Bệnh nhân mang thai và bà mẹ đang cho con bú chống chỉ định sử dụng Zetamed.

Zetamed không ảnh hưởng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc.

6. Tương tác thuốc của Zetamed

  • Zetamed tương tác với các thuốc khác như Cholestyramine, Colestipol, Colesevelam, Gemfibrozil, Cyclosporine, Warfarin...
  • Với những bệnh nhân dùng Fenofibrate kết hợp Zetamed, các bác sĩ cần phải nhận thức nguy cơ gây sỏi mật và các bệnh túi mật. Nếu nghi ngờ sỏi mật ở bệnh nhân dùng Ezetimibe và Fenofibrate thì nên bệnh nhân nên được kiểm tra túi mật và ngừng điều trị nếu sỏi mật thật sự xảy ra. Dùng đồng thời Fenofibrate và Zetamed làm tăng nhẹ nồng độ Ezetimibe (khoảng 1.5 và 1.7 lần). Chưa nghiên cứu sử dụng kết hợp Ezetimibe với các fibrate khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

61 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan