Vì sao bạn bị dị ứng thuốc tê bôi ngoài da?

Bài viết được viết bởi Dược sĩ Nguyễn Văn Thắng - Khoa Dược - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Thuốc tê là tên gọi của một nhóm thuốc có tác dụng làm mất cảm giác tạm thời của một vùng trên cơ thể, qua đó, giảm cảm giác đau gây ra bởi các tác nhân kích thích hoặc các thủ thuật, tiểu phẫu ngoài da hay niêm mạc. Thuốc tê có thể được sử dụng dưới dạng tiêm, dạng bôi hoặc xịt. Dạng thuốc bôi ngoài da thường được dùng để giảm cảm giác bỏng rát khi bị cháy nắng, bị bỏng, côn trùng đốt, giảm đau khi tiêm hoặc một số thủ thuật trên da khác. Giống như tất cả các thuốc khác, việc sử dụng thuốc tê cũng có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn, bao gồm cả dị ứng.

1. Biểu hiện của dị ứng thuốc tê

Nhìn chung, biểu hiện của dị ứng thuốc tê tương tự với dị ứng các thuốc khác, với nhiều mức độ khác nhau, có thể từ nổi mẩn ngứa cho tới khó thở, tụt huyết áp... Phản ứng dị ứng có thể bắt đầu bằng biểu hiện nổi mề đay với các nốt sẩn nổi trên da kèm cảm giác nóng, ngứa, nhanh có thể từ 5 – 10 phút, chậm thì vài ngày. Có thể kèm theo khó thở, phù môi, mắt, đau bụng, đau đầu, mệt mỏi, tim đập nhanh, huyết áp tụt...

Tuy nhiên, theo ghi nhận của y văn trên thế giới, dị ứng thuốc tê là cực kỳ hiếm. Cụ thể, theo một nghiên cứu tại Đan Mạch, khi khảo sát các trường hợp được báo cáo nghi ngờ dị ứng do thuốc gây tê trong 10 năm (từ 2004 đến 2013) thì không có trường hợp nào dị ứng thực sự. Trong một nghiên cứu khác ở Pháp thì chỉ có 6 trong tổng số 1816, tức dưới 1% người bệnh có phản ứng dị ứng quanh cuộc phẫu thuật là dị ứng thuốc tê. Do đó, trên thực tế, dị ứng thuốc tê là cực kỳ hiếm, rất nhiều trường hợp nghi ngờ dị ứng thuốc tê nhưng thực chất lại là ngộ độc thuốc tê.

Dị ứng
Nổi mần ngứa sau bôi thuốc tê

2. Biểu hiện của ngộ độc thuốc tê?

Ngộ độc thuốc tê có thể xảy ra sớm, ngay sau khi dùng thuốc (nhất là với đường tiêm) nhưng cũng có trường hợp gặp sau hơn 60 phút kề từ khi dùng thuốc. Mức độ và tốc độ biểu hiện có thể khác nhau, phụ thuộc vào loại thuốc dùng, đường dùng và cách dùng. Với dạng bôi ngoài da, nguy cơ xảy ra ngộ độc thấp hơn so với dạng tiêm và gần như không xảy ra nếu sử dụng theo đúng cách. Các yếu tố làm tăng nguy cơ ngộ độc thuốc tê bao gồm: người nhẹ cân, có bệnh lý tim mạch, suy giảm chức năng gan, thận, người già và trẻ nhỏ, sử dụng lặp lại quá nhiều lần hoặc liều quá cao so với khuyến cáo.

Biểu hiện của ngộ độc thuốc tê có thể bao gồm: hoa mắt, chóng mặt, nhìn đôi, miệng có vị kim loại (đắng, chát), nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, nặng hơn có thể gây co giật cơ, cứng toàn thân, loạn nhịp tim, hôn mê, ngừng tim và ngừng thở.

Khó thở
Nhịp tim nhanh, khó thở dấu hiệu ngộ độc thuốc tê

3. Phân biệt dị ứng thuốc tê với ngộ độc thuốc tê

Thường khó để phân biệt được dị ứng thuốc tê với ngộ độc thuốc tê. Để khẳng định chắc chắn dị ứng thuốc tê, cần phải có sự thăm khám và xác định bằng các test bởi bác sĩ dị ứng - miễn dịch lâm sàng.

4. Làm thế nào để phòng ngừa ngộ độc thuốc tê

Để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thuốc gây tê, bạn cần:

  • Mua thuốc tại những cơ sở tin cậy, đảm bảo chất lượng
  • Kiểm tra hạn dùng của thuốc trước khi dùng, không dùng các thuốc đã hết hạn.
  • Sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ, nếu không chắc chắn về liều lượng, số lần dùng trong ngày, hãy hỏi lại bác sĩ, dược sĩ. Không dùng thuốc với liều lượng và số lần nhiều hơn khuyến cáo.
  • Không sử dụng thuốc cho các vết thương hở, vùng da mới cạo, trừ khi có ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.
  • Trường hợp dùng thuốc cho trẻ, cần giám sát trẻ sau khi dùng thuốc, để xa các thuốc khỏi tầm tay của trẻ.
  • Ngưng dùng thuốc và khám bác sĩ nếu bạn thấy không cải thiện sau một tuần, chỗ bôi thuốc bị nhiễm trùng, phát ban hay bắt đầu nóng ran hoặc nhức.
  • Nếu có các biểu hiện bất thường như giảm thị lực, hoa mắt, chóng mặt, cảm thấy quá nóng, quá lạnh hoặc tê bì, đau đầu, đổ mồ hôi, ù tai, nhịp tim nhanh hoặc chậm bất thường, khó thở, uể oải, hãy khám bác sĩ hoặc gọi cấp cứu ngay.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo: Uptodate

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

34K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan