Cách phòng ngừa bệnh viêm cơ tim

Viêm cơ tim là sự viêm nhiễm cấp tính hay mạn tính ở cơ tim, là hậu quả của nhiễm nhiều loại virus, vi khuẩn, kí sinh trùng hoặc do nấm. Triệu chứng viêm cơ tim là gì? Viêm cơ tim có nguy hiểm không? Cách phòng chống bệnh viêm cơ tim như thế nào? Tất cả các thắc mắc trên sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1. Viêm cơ tim là gì?

Viêm cơ tim là một tình trạng bệnh lý nhiễm trùng cơ tim với bệnh cảnh lâm sàng rất phong phú, từ những trường hợp có các biểu hiện kiến đáo cho tới những trường hợp hết sức nặng nề.

Viêm cơ tim là hậu quả của nhiễm nhiều loại virus, vi khuẩn, kí sinh trùng hoặc do nấm, nhưng nguyên nhân thường gặp nhất nhất là do một số loại virus đặc biệt.

Bên cạnh nhiễm trùng, viêm cơ tim có thể bị do nhiễm trực tiếp độc chất ( như dùng thuốc điều trị ung thư và chống miễn dịch, kháng sinh, nhiễm hóa chất asen, chì, thủy ngân, coban, nhiễm tia xạ, sốc nhiệt, hạ thân nhiệt,...) hoặc do các phản ứng trung gian miễn dịch, những rối loạn miễn dịch hệ thống ( Như: bệnh sarcoidosis hoặc lupus ban đỏ hệ thống, thấp khớp cấp, tình trạng đào thải mảnh ghép sau ghép tạng,...)

2. Triệu chứng của viêm cơ tim là gì?

Triệu chứng lâm sàng của viêm cơ tim có thể biểu hiện kín đáo, hoặc biểu hiện suy tim tối cấp rầm rộ hoặc một rối loạn nhịp tim nguy kịch. Các triệu chứng lâm sàng biểu hiện như thế nào phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh viêm cơ tim, cũng như độ nghiêm trọng của thương tổn và mức độ lan tỏa của bệnh.

  • Nhiều bệnh nhân có thể chỉ biểu hiện những triệu chứng nhẹ như đau ngực ( trong trường hợp có tràn dịch màng tim), sốt, vã mồ hôi, rét run và khó thở.
  • Trong viêm cơ tim do virus, người bệnh có thể có tiền sử kiểu hội chứng cúm trước đó ( trong vòng 1 đến 2 tuần) với các dấu hiệu như sốt, đau mỏi các khớp, mệt mỏi hoặc viêm mũi, họng hay các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
  • Các nghiên cứu dịch tễ đã cho thấy rằng ở người trưởng thành, trong viêm cơ tim, thường gặp các trường hợp triệu chứng nghèo nàn hơn là số người có tình trạng nhiễm độc cấp do sốc tim hoặc suy tim nặng ( viêm cơ tim khởi phát nhanh).
  • Những triệu chứng như hồi hộp đánh trống ngực, ngất, thậm chí là đột tử cũng có thể gặp, do các rối loạn nhịp thất hoặc do block nhĩ thất ( đặc biệt trong viêm cơ tim tế bào khổng lồ).
  • Ở người trưởng thành, bệnh có thể dẫn đến hậu quả suy tim nhiều năm sau khi có triệu chứng viêm cơ tim đầu tiên.

3. Chẩn đoán viêm cơ tim

Chẩn đoán viêm cơ tim dựa vào 4 tiêu chí chính sau:

  • Dấu hiệu lâm sàng: Suy tim, sốt, dấu hiệu nhiễm virus (viêm long đường hô hấp trên, đau cơ, mỏi khớp,...), mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, đau ngực, hồi hộp, xỉu hoặc ngất.
  • Thăm dò cận lâm sàng cho thấy tổn thương cấu trúc hoặc chức năng tim bị tổn thương trong khi không có dấu hiệu bệnh tim thiếu máu cục bộ ( Siêu âm tim cho thấy hình ảnh buồng tim giãn, phì đại từng vùng, xét nghiệm men Troponin tăng).
  • Cộng hưởng từ tim: Cộng hưởng từ tim có thể đánh giá 3 dấu hiệu tổn thương trong tế bào: Phù khoảng kẽ, Xung huyết và thoát quản , Hoại tử và xơ hóa.
  • Sinh thiết nội mạc cơ tim là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm cơ tim.
  • Nếu có 2/4 tiêu chí trên: gợi ý viêm cơ tim.
  • Nếu có 3/4 tiêu chí thì tương đồng với viêm cơ tim.
  • Nếu có 4/4 tiêu chí trên thì bệnh nhân bị viêm cơ tim.

4. Viêm cơ tim có nguy hiểm không?

Viêm cơ tim có thể gây biến chứng nghiêm trọng, không hồi phục cho người bệnh như sau:

  • Suy tim: Viêm cơ tim nếu không phát hiện kịp thời có thể làm tổn thương cơ tim nhanh chóng và dẫn đến suy tim. Từ đó, tim không còn chức năng bơm máu để nuôi cơ thể.
  • Nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim: Sự rối loạn của cơ tim không chỉ làm giảm khả năng bơm máu mà còn khiến dẫn tới tình trạng rối loạn nhịp tim. Trong trường hợp rối loạn nhịp tim nghiêm trọng có thể dẫn tới tử vong.
  • Đột tử: Người bệnh viêm cơ tim gặp tình trạng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng sẽ làm cho tim có thể ngừng đập đột ngột và dẫn đến tử vong.
  • Nhồi máu cơ tim và đột quỵ: Nếu cơ tim bị tổn thương, máu chảy trong tim có thể hình thành nên cục máu đông, và khi cục máu đông này gây bít tắc một trong các động mạch vành, gây ra tình trạng nhồi máu cơ tim. Hoặc nếu cục máu đông trong tim di chuyển đến một động mạch dẫn đến não có thể gây ra đột quỵ não.

5. Phương pháp điều trị viêm cơ tim

Điều trị bằng thuốc:

  • Điều trị viêm cơ tim bao gồm các biện pháp điều trị triệu chứng suy tim cấp, bao gồm lợi tiểu, nitrat hoặc nitroprusside và các thuốc ức chế men chuyển. Các thuốc tăng co bóp cơ tim như dobutamin, milrinone có thể cần trong các trường hợp suy tim nặng mất bù, mặc dù chúng cũng làm tăng nguy cơ gây rối loạn nhịp tim. Điều trị lâu dài cũng theo chế độ thuốc tương tự, với các thuốc ức chế men chuyển, các thuốc chẹn beta, các thuốc kháng aldosteron. Tuy nhiên trong một số trường hợp, một số thuốc trong các thuốc trên có thể không thể dùng ngay từ đầu do tình trạng huyết động.
  • Điều trị tình trạng nhiễm trùng kèm theo hoặc các nguyên nhân gây nhiễm trùng hệ thống. Nên tránh dùng các thuốc kháng viêm nonsteroid trong giai đoạn cấp bởi các thuốc này có thể làm chậm quá trình phục hồi của tế bào cơ tim, làm quá trình viêm xảy ra mạnh hơn và làm tăng tỷ lệ tử vong.
  • Các thuốc chống đông cũng nên được sử dụng với mục đích dự phòng như đối với những nguyên nhân gây suy tim khác.
  • Các thuốc chống loạn nhịp nên được sử dụng hết sức thận trọng, bởi hầu hết các thuốc chống loạn nhịp có thể làm giảm sức co bóp cơ tim do đó làm tình trạng suy tim nặng thêm.
  • Trong trường hợp viêm cơ tim nặng có biểu hiện suy thất trái nặng thì nên xem xét sớm chỉ định thông khí nhân tạo và dùng các biện pháp hỗ trợ tuần hoàn.

Biện pháp can thiệp như sau:

  • Cấy thiết bị hỗ trợ thất có thể chỉ định để hỗ trợ tuần hoàn tạm thời nếu cần trong trường hợp có sốc tim.
  • Ghép tim.

Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt:

  • Áp dụng chế độ ăn giảm muối như trong điều trị suy tim thông thường.
  • Chế độ sinh hoạt: nên nghỉ ngơi tại giường và tránh các hoạt động với cường độ mạnh trong giai đoạn cấp.

6. Cách phòng ngừa bệnh viêm cơ tim

Hiện nay, chưa có phương pháp phòng ngừa đặc hiệu cho viêm cơ tim, tuy nhiên, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để hạn chế nguy cơ mắc bệnh:

  • Thực hiện dự phòng viêm cơ tim bằng cách vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, tránh nguy cơ nhiễm trùng.
  • Loại bỏ các thuốc làm tăng nguy cơ bệnh và làm nặng thêm tình trạng bệnh ( các thuốc độc với tim, rượu, bia, chất kích thích).
  • Phòng tránh những hành vi nguy cơ cao gây nhiễm trùng cơ tim liên quan đến HIV ( Không dùng chung bơm kim tiêm, quan hệ tình dục an toàn và không sử dụng ma túy bất hợp pháp).
  • Cần tránh tiếp xúc với côn trùng: Người bệnh nên hạn chế tối đa bộc lộ vùng da tiếp xúc với côn trùng ( Mặc áo sơ mi dài tay và quần dài để che phủ vùng da). Tránh những nơi bụi rậm, nếu đến khu vực rừng núi dùng thuốc diệt côn trùng.
  • Tiêm vaccine phòng bệnh: Người bệnh nên được bác sĩ tư vấn tiêm các vaccin phòng bệnh, bao gồm cả những loại vaccine phòng rubella, vaccin phòng cúm, là những bệnh có thể gây viêm cơ tim.
  • Cần hạn chế tiếp tiếp xúc với người mắc cúm hoặc nhiễm virus cho đến khi người đó hồi phục, đặc biệt những người suy giảm miễn dịch, người có bệnh lý mạn tính.
  • Cần đến ngay cơ sở y tế nếu bạn có triệu chứng đau ngực và khó thở khi đang có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm virus. Nếu bạn có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy đến ngay phòng cấp cứu hoặc gọi trợ giúp y tế khẩn cấp.

Hy vọng những thông tin trên đây sẽ giúp người đọc hiểu hơn về bệnh viêm cơ tim, những biến chứng nguy hiểm và để người bệnh có ý thức tự đề phòng mắc viêm cơ tim.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

710 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan