Chuyên gia tim mạch Vinmec chia sẻ về bệnh suy tim

Thắc mắc được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bằng Phong - Phó trưởng khoa Nội/ Can thiệp Tim mạch - Phòng khám chuyên sâu về suy tim - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chiều 30/3/2019, Thầy thuốc Ưu tú, BSCKII Nguyễn Bằng Phong, Phó Trưởng khoa Nội can thiệp Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City đã chia sẻ thông tin, giúp người bệnh chủ động phòng chống và điều trị suy tim hiệu quả. Đây là hoạt động trong khuôn khổ buổi sinh hoạt CLB Bệnh nhân tim mạch lần đầu tiên tổ chức tại Vinmec Times City.

Phòng khám được tổ chức và đưa vào hoạt động từ tháng 03/2019. Đây là một trong số ít các phòng khám chuyên sâu về suy tim được xây dựng sớm nhất tại Việt Nam có tham khảo mô hình của Mỹ và Singapore, mang lại hy vọng điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân bị suy tim.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của phòng khám là hướng dẫn, góp phần nâng cao nhận thức và hiểu biết về suy tim cho bệnh nhân và cộng đồng.

Với việc tổ chức buổi sinh hoạt câu câu lạc bộ dành cho bệnh nhân suy tim vừa qua, các khách hàng khi đến tham dự đã được chia sẻ những kiến thức cần thiết về suy tim: Cách phát hiện bệnh sớm, tuân thủ điều trị, thực hiện lối sống phù hợp như thế nào?,..

Dưới đây là một số câu hỏi tiêu biểu được đặt ra tại buổi sinh hoạt & đã được bác sĩ Nguyễn Bằng Phong giải đáp:

1. Làm thế nào để tôi phát hiện mình bị suy tim?

Tùy mức độ bệnh, các triệu chứng của suy tim sẽ biểu hiện từ kín đáo đến nặng nề.

  • Do lượng máu đi nuôi cơ thể giảm:
    • Mệt mỏi yếu ớt
    • Thỉu ngất, đau ngực.
    • Sức chống đỡ bệnh tật giảm nên dễ bị viêm phổi, cúm...
  • Do ứ trệ máu ở phổi:
    • Khó thở khi gắng sức, tăng dần, cơn khó thở cấp (ban đêm)
    • Ho khan
  • Do ứ trệ máu ở ngoại biên:
    • Tăng cân nhanh do: tiểu ít, phù chân, phù toàn thân, dịch màng phổi, màng bụng.
    • Gan to và đau tức, tĩnh mạch cổ giãn căng.
  • Tim nhanh, xuất hiện các cơn trống ngực, thỉu ngất do loạn nhịp.

2. Khi có các triệu chứng trên tôi phải làm gì?

  • Nếu các triệu chứng nói trên xuất hiện ở mức độ ổn định, bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ gia đình (nếu có) qua điện thoại, hoặc đi khám bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa tim mạch.
  • Khi các triệu chứng ở mức cấp với các triệu chứng khó thở nhiều, đau ngực, cơn đánh trống ngực, thỉu ngất thì cần đi khám cấp cứu.

3. Bác sĩ sẽ thăm khám phát hiện suy tim như thế nào?

Khi đi khám, bạn nên mang theo các hồ sơ cũ về sức khỏe của mình, sẽ rất cần thiết và có ích cho bác sĩ chẩn đoán và điều trị bệnh phù hợp.

  • Tại Bệnh viện Vinmec Times City, bạn sẽ được đánh giá ban đầu bằng các chỉ số chiều cao, cân nặng, mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở...Các điều dưỡng cũng sẽ khai thác các tiền sử của bạn về tình trạng sức khỏe, bệnh tật, thói quen sinh hoạt, các triệu chứng, các loại thuốc bạn đã và đang dùng.

Các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và có thể chỉ định 1 số xét nghiệm (chức năng thận, men Gan, Glucose, Lipid, điện giải, men tim, NT ProBNP, đái tháo đường, chụp X- quang tim phổi, siêu âm tim...

Chuyên gia Vinmec chia sẻ về suy tim
Tại Bệnh viện Vinmec Times City, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng và có thể chỉ định 1 số xét nghiệm
  • Trên cơ sở các kết quả kiểm tra cận lâm sàng này, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng, kê đơn thuốc cho bạn, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và hẹn lịch tái khám để theo dõi chặt chẽ tình trạng suy tim.

4. Tại sao tôi bị suy tim?

Suy tim là hậu quả của nhiều bệnh:

  • Tăng huyết áp
  • Bệnh mạch vành (NMCT)
  • Bệnh cơ tim
  • Bệnh van tim
  • Bệnh tim bẩm sinh
  • Tiểu đường, rối loạn chức năng tuyến Giáp
  • Lạm dụng rượu bia
  • Viêm cơ tim (virus, vi khuẩn, độc chất, thuốc, tự miễn)
  • Sinh đẻ (bệnh cơ tim chu sản)

Nếu không được quản lý và điều trị tốt, suy tim sẽ nặng dần lên rồi tử vong. Tỷ lệ tử vong của suy tim tương đương với tỷ lệ tử vong trung bình của 4 loại ung thư thường gặp (50% sau 5 năm.).

Khi bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối, sẽ thường xuyên khó thở tiểu ít, gan to đau, bụng chướng, yếu mệt, không ăn ngủ được, căng thẳng kích thích, nhập viện thường xuyên.

5. Điều trị suy tim thế nào?

Mục tiêu của các phẫu thuật điều trị suy tim là nhằm kéo dài cuộc sống và cải thiện chất lượng cuộc sống: Giảm các triệu chứng bệnh, giảm số lần nhập viện, giúp người bệnh có cuộc sống gần với bình thường.

5.1. Điều chỉnh lối sống

  • Ăn giảm muối tùy từng trường hợp (< 2g/ ngày). Trong đợt suy tim mất bù phải kiêng muối tuyệt đối.
  • Bỏ thuốc lá, rượu bia, chất gây nghiện. (Có thể dùng rượu bia tương đương 1 đơn vị cồn/ ngày (15 gam cồn nguyên chất)
  • Làm công việc phù hợp, tránh gắng sức.
  • Tập luyện phù hợp: thể dục dưỡng sinh, thái cực quyền, đạp xe, đi bộ, bơi/ Tránh gắng sức.
  • Tham gia sinh hoạt, giải trí ở hội, CLB, giữ tinh thần lạc quan.
Chuyên gia Vinmec chia sẻ về suy tim
Thường xuyên đi khám để theo dõi tình trạng bệnh suy tim

5. 2. Sử dụng thuốc

Nhiều thuốc đã được chứng minh hiệu quả qua các nghiên cứu lâm sàng

  • Một số thuốc chẹn β
  • Thuốc ức chế men chuyển, thuốc ức chế thụ thể AT1
  • Kết hợp UCTT AT1 với Sacubitril (ARNI).
  • Thuốc kháng Aldosterone.

Tùy trường hợp, bác sĩ có thể bổ sung thêm thuốc Ivbradine, thuốc lợi tiểu, Digoxine...

6. Các kỹ thuật điều trị suy tim nâng cao

Khi suy tim giai đoạn muộn, kém hoặc không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng các phương pháp:

  • Lắp máy tái đồng bộ thất.
  • Lắp máy ICD phòng đột tử
  • Lắp thiết bị hỗ trợ thất.
  • Ghép tim

Các phương pháp điều trị suy tim nâng cao thường đòi hỏi chi phí rất cao, đòng thời nguồn tạng hiếm. Do đó, khi có các bệnh tim mạch, người bệnh cần có chiến lược dự phòng và điều trị suy tim rất rõ ràng : Phát hiện sớm, điều trị đúng, tuân thủ điều trị, kết hợp điều chỉnh lối sống.

7. Làm thế nào để dự phòng suy tim?

  • Sống lành mạnh: Không hút thuốc lá, không sử dụng thuốc gây nghiện, không lạm dụng rượu bia. Tập luyện thường xuyên. Thời gian biểu làm việc, nghỉ ngơi giải trí khoa học, phù hợp.
  • Quan trọng hàng đầu: Phát hiện sớm và quản lý, điều trị đúng các bệnh có thể dẫn đến suy tim.

8. Khi bị suy tim, có thể quan hệ tình dục được không?

  • Quan hệ tình dục phù hợp không có hại, không nguy hiểm đến bệnh suy tim. Tuy nhiên, bạn nên tránh khi đang có cơn khó thở, cơn đau ngực, đang mệt nhiều...
  • Bạn cần xác lập cho mình 1 cách thức, tư thế, tần suất quan hệ tình dục cho riêng mình, sao cho không quá sức.
  • Không dùng các thuốc kích dục, thuốc cương dương.
  • Cần có sự cảm thông, phối hợp với người bạn tình, bạn đời.

Kết luận:

  • Bạn cần dự phòng suy tim bằng cách sống lành mạnh.
  • Khi có các bệnh lý tim mạch có thể gây ra suy tim, bạn cần được phát hiện sớm, tuân thủ điều trị.
  • Khi đã bị suy tim, bạn cần giữ tinh thần lạc quan mà không chủ quan, tuân thủ điều trị, giữ lối sống lành mạnh, tích cực, làm việc và tận hưởng cuộc sống 1 cách phù hợp, hài hòa để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ý kiến khách hàng tại buổi sinh hoạt:

  • Khách hàng Nguyễn Thị Để: "BS Bằng Phong giảng bài dễ hiểu, rõ ràng, mạch lạc, rất gần gũi với BN. Điều dưỡng Nguyễn Thanh Phú tận tình với BN, chăm lo chu đáo, hòa nhã."
  • Khách hàng Nguyễn Thị Nguyệt :''Xin chân thành cảm ơn BS đã tư vấn rất dễ hiểu giúp cho bản thân tôi rút ra kinh nghiệm hàng ngày. Cảm ơn sự tiếp đón của niềm nở, chân tình. Bản thân tôi xin chân thành cảm ơn''.

Phòng khám suy tim - Trung tâm tim mạch bệnh viện ĐKQT Vinmec Times City cũng xin chân thành cám ơn các quý vị đã có mặt của quý vị.

Phó trưởng khoa nội can thiệp

Trưởng đơn nguyên phòng khám Tim mạch

BS. CKII Nguyễn Bằng Phong

264 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan