Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ: những điều cần biết

Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ xảy ra khi động mạch vành (động mạch cung cấp máu cho tim) bị hẹp, khiến cho lượng máu nuôi tim bị giảm lưu lượng. Bệnh nhân mắc bệnh nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim...

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Phong, Bác sĩ Nội và Can thiệp Tim mạch, Trung Tâm Tim Mạch - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City

1. Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ là gì?

Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ là tình trạng giảm lưu lượng máu đến cơ tim, làm cho tim không nhận đủ oxy. Bệnh thường xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, làm hạn chế lưu thông máu.

Tình trạng này gây giảm khả năng bơm máu của cơ tim, có thể dẫn đến đau tim hoặc các vấn đề nghiêm trọng về nhịp tim.

Bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim có hai dạng chính: thiếu máu cục bộ cấp tính và thiếu máu cục bộ mạn tính.

  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ cấp tính: Đây là tình trạng xảy ra khi một trong những động mạch vành của tim bị tắc nghẽn đột ngột. Tình trạng nghiêm trọng có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực hoặc vấn đề nghiêm trọng về rối loạn nhịp tim.
  • Bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính: Đây là bệnh động mạch vành ổn định, thường xuất hiện dưới dạng cơn đau thắt ngực ổn định.

Đau thắt ngực ổn định là cảm giác đau ngực khi người bệnh tăng cường hoạt động. Cơn đau thường chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và giảm dần khi người bệnh nghỉ ngơi. Đây là dạng bình thường của tình trạng xơ vữa động mạch vành. Trong quá trình hoạt động, một số mảng xơ vữa có thể nứt, gây hẹp hoặc tắc nghẽn mạch đột ngột, dẫn đến hội chứng vành cấp (acute coronary syndrome). Hội chứng vành cấp khi được kiểm soát được coi là bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính hay đau thắt ngực ổn định.

Người mắc bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim thường trải qua cảm giác đau thắt ngực
Người mắc bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim thường trải qua cảm giác đau thắt ngực

2. Nguyên nhân gây bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ

Bệnh tim thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu lưu thông qua một hoặc nhiều động mạch vành bị suy giảm, gây cản trở quá trình tiếp nhận oxy của cơ tim.

Nguyên nhân của bệnh tim thiếu máu cục bộ bao gồm:

  • Bệnh xơ vữa động mạch: là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, tình trạng này dẫn đến hẹp các động mạch nuôi tim, dẫn đến cơ tim không đủ oxy và dưỡng chất để hoạt động.
  • Cục máu đông: các mảng xơ vữa động mạch có thể bị vỡ và hình thành các cục máu đông, làm tắc nghẽn động mạch, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu đột ngột và gây đau tim.
  • Co thắt động mạch vành: Việc co thắt tạm thời của cơ trong thành động mạch có thể làm giảm hoặc ngăn cản lưu lượng máu đến một phần của cơ tim trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, co thắt động mạch vành hiếm khi là nguyên nhân của bệnh tim thiếu máu cục bộ.
  • Những nguyên nhân khác: Đa phần những nguyên nhân này xuất phát từ các yếu tố như gắng sức, cảm xúc căng thẳng, thời tiết khắc, lạm dụng chất kích thích, ăn quá no.

Các yếu tố nguy cơ gây ra xơ vữa động mạch bao gồm nhiều yếu tố như cơ thể trải qua tình trạng căng thẳng kéo dài, thói quen hút thuốc lá, tình trạng béo phì, thiếu hoạt động vận động, rối loạn mỡ máu, và tăng huyết áp...

3. Triệu chứng của bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ

Một số người mắc bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ có thể không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào, được mô tả là tim thiếu máu cục bộ thầm lặng. Tuy nhiên, đối với phần lớn bệnh nhân, khi bệnh xảy ra, họ thường trải qua những triệu chứng phổ biến như đau thắt ngực. Ngoài ra, những triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Đau lan lên cổ hoặc hàm.
  • Đau lan ra vai hoặc cánh tay.
  • Nhịp tim nhanh.
  • Khó thở khi hoạt động thể chất hoặc lao động gắng sức.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Toát mồ hôi.
  • Mệt mỏi.

4. Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh tim thiếu máu cục bộ, bác sĩ thường thực hiện các bước kiểm tra lâm sàng, thu thập bệnh sử và có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung như sau:

Điện tâm đồ (ECG):

  • Sử dụng các điện cực gắn vào da để ghi lại hoạt động điện của tim.
  • Thay đổi trong hoạt động điện của tim có thể là dấu hiệu của tổn thương tim.
Đo điện tâm đồ (ECG) là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ
Đo điện tâm đồ (ECG) là một trong những phương pháp chẩn đoán bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ

Trắc nghiêm gắng sức:

  • Quan sát nhịp tim, huyết áp, và nhịp thở khi người bệnh tập thể dục trên máy chạy bộ hoặc xe đạp cố định.
  • Tập thể dục làm tăng cường hoạt động của tim, giúp phát hiện các vấn đề tim mà người bệnh có thể không nhận ra trong tình trạng bình thường.

Siêu âm tim:

  • Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh video về hoạt động của tim.
  • Giúp xác định tổn thương và hoạt động bất thường trong một vùng cụ thể của tim.

Siêu âm tim gắng sức:

  • Thực hiện sau khi người bệnh gắng sức, giống như siêu âm tim thông thường nhưng sau khi thực hiện một chuỗi hoạt động gắng sức.

Chụp CT tim:

  • Xác định sự tích tụ canxi trong động mạch vành, một dấu hiệu của chứng xơ vữa động mạch vành.
  • Cung cấp hình ảnh rõ ràng về động mạch tim thông qua chụp mạch vành CT.

Các xét nghiệm này giúp bác sĩ đưa ra đánh giá chính xác về tình trạng tim và đưa ra quyết định điều trị phù hợp.

5. Biến chứng nguy hiểm của bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ

Thiếu máu cơ tim cục bộ là bệnh lý tim mạch phổ biến, cực kỳ nguy hiểm, nếu không được điều trị tốt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm cho người bệnh, cụ thể:

5.1 Ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người bệnh

Cảm nhận đau ngực hoặc sự nặng nề ngực, khó thở, và cảm giác mệt mỏi có thể là những dấu hiệu cảnh báo cho bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ.

Đối với trường hợp bệnh không gây đau thắt ngực, bệnh nhân có thể không có bất kỳ triệu chứng cảnh báo nào, dẫn đến tình trạng chủ quan về bệnh, không thực hiện kiểm tra và điều trị, có thể gây ra những biến chứng như nhồi máu cơ tim hoặc đột tử.

Người mắc bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim thường trải qua đau ngực, cảm giác đau xuất hiện ở vùng ngực trái phía trước tim, và có thể lan ra cổ, vai trái, hàm, và cánh tay trái. Ngoài ra, họ có thể trải qua cảm giác khó thở, lo lắng, hồi hộp, buồn nôn, vã mồ hôi, và đánh trống ngực.

Tại giai đoạn đầu của bệnh, triệu chứng thường xuất hiện sau khi gắng sức. Nếu triệu chứng vẫn xuất hiện khi nghỉ ngơi, đây là biểu hiện nguy hiểm, và việc đi khám bệnh sớm là rất quan trọng.

5.2 Biến chứng suy tim

Bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh và có trường hợp còn nhanh chóng dẫn đến biến chứng suy tim. Các tổn thương cơ tim và sự giảm sức bơm máu làm cho tim trở nên yếu đuối, điều này có thể dẫn đến xuất hiện các triệu chứng như đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi, và ho...

5.3 Biến chứng rối loạn nhịp tim

Tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ kéo dài có thể là nguyên nhân gây ra nhiều rối loạn nhịp tim, từ những vấn đề đơn giản đến các trường hợp phức tạp và thậm chí có nguy cơ nguy hiểm tính mạch như: ngoại tâm thu nhĩ, ngoại tâm thu thất, rung nhĩ, nhịp nhanh thất, và thậm chí cả trường hợp rung thất có thể dẫn đến tình trạng đột tử.

5.4 Biến chứng nhồi máu cơ tim

Hậu quả nặng nề nhất của bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ là nhồi máu cơ tim. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, gây ra tình trạng cực kỳ nghiêm trọng với sự thiếu hụt máu, dinh dưỡng, và oxy, dẫn đến tổn thương và hoại tử một vùng cơ tim cụ thể. Nếu không được đưa ra cấp cứu kịp thời, nguy cơ suy tim, rối loạn nhịp tim, hoặc thậm chí đột tử có thể xuất hiện.

5.5 Tổn thương van tim do biến đổi cấu trúc cơ tim

Tình trạng thiếu máu cơ tim kéo dài có thể tác động đặc biệt đến hoạt động của van tim, đặc biệt là van hai lá, dẫn đến tình trạng hở van hai lá.

6. Phương pháp điều trị bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ

Mục tiêu chủ yếu của quá trình điều trị:

  • Giảm thiểu các triệu chứng bệnh, nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
  • Tăng khả năng tưới máu đi nuôi dưỡng, giảm tình trạng thiếu máu cơ tim.
  • Ngăn ngừa hội chứng mạch vành cấp và giảm nguy cơ tử vong do bệnh.

Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bệnh nhân và kết quả của quá trình chẩn đoán. Trong đó, phương pháp điều trị nội khoa vẫn là lựa chọn chủ yếu cho hầu hết các trường hợp bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ mạn tính hoặc cơn đau thắt ngực ổn định.

Điều trị nội khoa:

Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị cơn đau thắt ngực ổn định bao gồm:

  • Thuốc chống kết tiểu cầu như Aspirin, Clopidogrel, Ticagrelor, hoặc Prasugrel.
  • Thuốc điều trị rối loạn lipid máu như statin, ezetimibe.
  • Thuốc ức chế men chuyển như enalapril, perindopril, lisinopril.
  • Thuốc chẹn beta giao cảm như Metoprolol, Bisoprolol, Carvedilol, Nebivolol.
  • Thuốc chẹn kênh canxi như dihydropyridines và non-dihydropyridines.
  • Dẫn xuất nitrates như Nitroglycerin, Isosorbide dinitrate.

Lưu ý: Người bệnh không nên tự y áp dụng thuốc mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Bệnh nhân cần có sự hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc để điều trị thiếu máu cơ tim
Bệnh nhân cần có sự hướng dẫn của bác sĩ khi sử dụng thuốc để điều trị thiếu máu cơ tim

Điều trị can thiệp:

  • Trong trường hợp triệu chứng vẫn tồn tại sau quá trình điều trị nội khoa, bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp can thiệp nhằm tăng cường tưới máu cơ tim.
  • Nong mạch vành và đặt stent: Bác sĩ sử dụng một ống (stent) được đưa từ động mạch ngoại biên (động mạch ở cổ tay hoặc ở vùng bẹn) và đặt stent tại vị trí tắc nghẽn động mạch vành để khắc phục tình trạng hẹp của động mạch vành, tạo điều kiện cho máu lưu thông qua chổ hẹp để cung cấp cho tim.
  • Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành: Bác sĩ sử dụng một mạch máu khác để vượt qua đoạn động mạch vành bị tắc nghẽn, làm tăng cường lưu thông máu.

7. Làm thế nào để phòng ngừa cơ tim thiếu máu cục bộ?

Tạo ra một lối sống lành mạnh là chìa khóa để duy trì sức khỏe, cũng như là biện pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn bệnh tật, bao gồm cả bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ.

Việc từ bỏ thói quen hút thuốc lá, giới hạn việc sử dụng rượu bia, tăng cường hoạt động thể dục, xây dựng chế độ ăn uống cân đối, duy trì giấc ngủ hợp lý, tránh căng thẳng và lo âu quá mức, cùng việc thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ là những biện pháp chủ động và hiệu quả nhất để bảo vệ cơ thể khỏi nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là bệnh thiếu máu cơ tim cục bộ. Quan trọng nhất, việc phát hiện vấn đề sức khỏe ngay từ khi nó xuất hiện sẽ giúp bắt đầu điều trị kịp thời, tăng khả năng thành công trong việc ngăn chặn sự phát triển của bệnh và duy trì sức khoẻ

Trung Tâm Tim Mạch là một trong những trung tâm mũi nhọn hàng đầu của Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City. Đội ngũ chuyên gia bao gồm nhiều Giáo sư, Tiến sĩ và bác sĩ giàu kinh nghiệm, uy tín lớn trong điều trị nội khoa, ngoại khoa, thông tim can thiệp, ứng dụng tốt các kỹ thuật cao cấp trong quá trình chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về tim mạch.

Đặc biệt, Trung Tâm Tim Mạch sở hữu các trang thiết bị hiện đại, ngang tầm với những bệnh viện lớn trên thế giới như: MáyCT 640 (Toshiba), máy cộng hưởng từ MRI 3 Tesla (Siemens), các thiết bị nội soi cao cấp EVIS EXERA III (Olympus Nhật Bản), phòng mổ Hybrid theo tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống gây mê cao cấp Avace..

Trung tâm có chương trình hợp tác toàn diện với Viện Tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai, Bộ môn Tim mạch trường Đại học Y Hà nội, Đại học Paris Descartes - Bệnh viện Georges Pompidou (Pháp).

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan