Bác sĩ đưa những đứa trẻ “mộng mơ” về thực tại – Tập 1

"Trước đây, khi ngủ, cứ tầm 20-30 phút, bé lại trở mình và khóc. Bà của cháu cũng thức trắng đêm cùng tôi. Mỗi lần con khóc, lòng tôi lại xé ra, dỗ con mà nước mắt cứ chảy dài, chảy dài. Cứ thế, đêm nào cũng như đêm nào, từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng không dưới 20 lần dỗ bé.”

“Tôi chỉ mong con có được một đêm trọn giấc như bao đứa trẻ khác mà sao khó khăn và chật vật suốt nhiều năm nay,” tâm sự của một người mẹ được đăng trong nhóm ghép tế bào gốc bại não cũng là tâm trạng của rất nhiều người mẹ khác có con như vậy.

“Số phận, biết làm sao hơn được đây, chúng tôi đã hết cách. Vợ chồng chúng tôi cũng đã gần 70 tuổi rồi, chỉ có mỗi đứa con dại này.

Những dòng tâm sự đầy nước mắt và nhiều nỗi đau thấu thịt, thấu xương đã được gửi đến ông, cùng ông thao thức biết bao đêm.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm thăm khám cho bệnh nhân nhi.

Nỗi lo duy nhất luôn thường trực của chúng tôi là khi cha mẹ qua đời, nó sẽ sống sao đây? Đây là điều khiến vợ chồng tôi khi chết cũng khó nhắm mắt xuôi tay được...”.

Cuộc đời còn có bao nhiêu con người vô cùng vất vả, khổ đau? Cuộc đời còn có biết bao em bé sinh ra đã không may phải chịu những thiệt thòi.

Với nhiều người “Hạnh phúc” là danh vọng, là cuộc sống cao sang, là con cái thành đạt nhưng với những người mẹ có con bị bại não, tự kỷ thì hai từ “Hạnh phúc” đối với họ tưởng như dễ dàng mà lại quá khó khăn: một giấc ngủ yên trọn đêm với đứa con yêu dấu, là lần đầu tiên con cất tiếng gọi mẹ...

Dường như ở ông lúc nào cũng không nguôi những ý tưởng, những kế hoạch để vơi bớt nỗi đau trên thân thể tật nguyền của các bé, trên nét khắc khoải sầu muộn của những ông bố, bà mẹ có con bị bại não và để tâm can mình một ngày bình yên, không day dứt... Ông bảo, ông sinh ra đã có duyên với trẻ em...

Ông là giáo sư Nguyễn Thanh Liêm – Nguyên giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu tế bào gốc và công nghệ gen Vinmec.

Kiểm tra sức khoẻ cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Từ mối duyên đến với trẻ em

Bác sỹ Liêm nhớ lại, ông đến với phẫu thuật nhi trẻ em như một cơ duyên. Năm 1979, ông tốt nghiệp bác sỹ nội trú Đại học Y Hà Nội và phải quyết định lựa chọn chuyên khoa. Đây là lựa chọn khó khăn vì nghề sẽ gắn bó với mình cả đời.

“Tôi làm ngoại khoa, năm 1976 tốt nghiệp bác sỹ và tốt nghiệp bác sỹ nội trú năm 1979. Khi tìm hiểu chuyên ngành, giáo sư Nguyễn Như Thục đã chỉ dẫn và giới thiệu tôi đến chuyên ngành phẫu thuật nhi. Qua trao đổi, tôi đã cảm thấy rất thích vì đó là chuyên ngành mới. Lúc đó trên cả nước chỉ có trên đầu ngón tay bác sỹ phẫu thuật nhi. Càng làm tôi càng thấy lựa chọn của mình mình là đúng, càng làm càng thấy nhiều đam mê.”

“Càng làm tôi càng thấy lựa chọn của mình mình là đúng, càng làm càng thấy nhiều đam mê.”

Từ năm 1997 giáo sư Liêm bắt đầu thực hiện phẫu thuật nội soi cho trẻ em, và từ năm 2.000 phát triển nhiều hơn, đến 2002 thì phát triển mạnh mẽ.

Sau đó ông có 6 công trình nghiên cứu về lĩnh vực này, về phát triển kỹ thuật nội soi cho điều trị thoát vị cơ hoành bẩm sinh cho trẻ em.

Những đóng góp của ông khuyến khích không chỉ riêng Việt Nam mà còn khuyến khích các đồng nghiệp của châu Á và cả thế giới để tiến hành phẫu thuật này thường xuyên hơn.

Chính vì thế cũng có thể nói ông là một trong những người góp phần làm cho phẫu thuật này phổ biến không những ở châu Á mà trên thế giới. Nhiều trung tâm trên thế giới hiện nay đã tiến hành phương pháp nội soi theo cách của ông.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm.

Hay như những phẫu thuật khác, ông là người đóng góp 9 phẫu thuật, kỹ thuật mổ mới hoàn toàn trong kỹ thuật nội soi trong kho tàng về mổ trẻ em và được mời đi mổ trình diễn ở nhiều nước từ châu Âu, Pháp, Ý, Hà Lan, châu Á...

Giáo sư Liêm là phẫu thuật viên thế giới về phẫu thuật nội soi nhi điều trị u nang ống mật chủ (trên 500 ca) và thoát vị cơ hoành (trên 300 ca). Ông đã có 11 công trình khoa học công bố trong hai lĩnh vực này, góp phần thúc đẩy ứng dụng các kỹ thuật đó trở thành thường quy ở nhiều trung tâm trên thế giới.

Tính đến nay, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm cũng đã công bố hơn 200 công trình nghiên cứu y học, trong đó có 44 công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí y học uy tín của Mỹ và châu Âu.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm được mệnh danh là “bàn tay vàng” phẫu thuật nhi khoa và một nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu tầm cỡ thế giới. Nhiều người vẫn gọi và phong ông là ông tổ của phẫu thuật nội soi nhi khoa.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm được giới y khoa quốc tế biết tới khi trở thành người đầu tiên nghiên cứu ứng dụng phẫu thuật nội soi để điều trị bệnh phình đại tràng bẩm sinh tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á tiến hành phẫu thuật nội soi cho trẻ em.

Nguồn: Vietnamplus

Còn tiếp

Bác sĩ đưa những đứa trẻ "mộng mơ" về thực tại - Tập 2

Bác sĩ đưa những đứa trẻ "mộng mơ" về thực tại - Tập 3

105 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec