Bác sĩ đưa những đứa trẻ “mộng mơ” về thực tại – Tập 2

Ghép tế bào gốc là một trong những phương pháp cải thiện sức khoẻ cho nhiều bệnh nhân nhi.

Khép lại chặng đường mấy chục năm mày mò với những kỹ thuật phẫu thuật nội soi nhi khoa, hiện tại giáo sư Liêm đang trăn trở ngày đêm với các công trình ghép tế bào gốc – một lĩnh vực mới, như mảnh đất mới ông đang khám phá và chinh phục với những niềm hy vọng mang tính bứt phá.

Bởi lẽ đó, trong suốt gần hai năm trở lại đây ông nghiền ngẫm với công trình nghiên cứu ghép tế bào gốc điều trị cho trẻ tự kỷ và trẻ bị bại não.

Đây là lĩnh vực mà ông và các đồng nghiệp tại hệ thống y tế Vinmec đang tiến hành và có thể nói là một trong số ít những đơn vị trên thế giới đi đầu và đạt được những thành công bước đầu.

Nhắc đến giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, trong rất nhiều năm qua, ông là người đồng hành thân thiết với những bệnh nhân nhi mắc bệnh tự kỷ.

“Tôi vẫn nói mình có duyên nợ với trẻ tự kỷ. Từ hồi ở Bệnh viện Nhi Trung ương, chúng tôi đã thành lập trung tâm của trẻ tự kỷ và đến nay chương trình vẫn tiếp tục. Năm 2014, tôi bắt đầu ghép tế bào gốc cho trẻ tự kỷ, đây cũng là một chặng đường đầy gian nan và thử thách.”

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm tiến hành một ca phẫu thuật.

Với tỷ lệ chiếm khoảng 1% dân số, ước tính ở Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người mắc chứng tự kỷ.

Vị giáo sư tâm sự, với trẻ em mắc chứng tự kỷ, ông có một sự gắn kết rất đặc biệt, đã mấy chục năm nay. Với tỷ lệ chiếm khoảng 1% dân số, ước tính ở Việt Nam có khoảng gần 1 triệu người mắc chứng tự kỷ.

“Do nhận thức về tự kỷ là vấn đề còn khá mới ở Việt Nam nên rất nhiều trẻ được phát hiện và điều trị muộn, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi. Chính vì vậy, chất lượng sống của gia đình và các trẻ tự kỷ không được điều trị hay điều trị muộn rất thấp, rất thương tâm. Hầu như mỗi gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ đều có những bi kịch với những góc độ và mức độ khác nhau,” vị giáo sư trầm ngâm.

Giáo sư Liêm phân tích, với những trẻ tự kỷ, việc giáo dục can thiệp, chuyên biệt là cơ bản, kéo dài xuyên suốt từ lúc bé đến vị thành niên. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trẻ tự kỷ không đáp ứng được hoặc đáp ứng rất kém, đó là lý do vì sao các nhà khoa học trên thế giới vẫn phải tiếp tục tìm kiếm các phương pháp khác bên cạnh giáo dục can thiệp để điều trị cho trẻ tự kỷ. Có thể nói tế bào gốc là niềm hy vọng mới, nó có cơ sở khoa học nhưng được tiến hành song song cùng với giáo dục can thiệp cho trẻ.

Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm chia sẻ về tương lai của ghép tế bào gốc.

Giáo sư Liêm ngày đêm vẫn không thôi trăn trở về những dự án như sách dành cho trẻ tự kỷ, ghép tế bào gốc cho trẻ tự kỷ, trẻ bị bại não... Ông kêu gọi mọi người quyên tiền, dịch sách cùng cho trẻ tự kỷ.

Hiện nay, ông và những người đồng nghiệp đang làm đề tài cấp bộ về ghép tế bào gốc cho trẻ tự kỷ. Giáo sư Liêm chia sẻ: “Có thể nói đây là đề tài nghiên cứu công phu nhất không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Tôi và những người đồng nghiệp không chỉ nghiên cứu về tế bào gốc mà kết hợp với giáo dục can thiệp cho trẻ. Đây là một nghiên cứu được triển khai từ tháng 7/2017, công phu nhất, kết quả sẽ có đóng góp quan trọng với y khoa trên thế giới.”

Hiện nay, Công trình Nghiên cứu điều trị tự kỷ ở trẻ em bằng phương pháp ghép tế bào gốc tủy xương tự thân phối hợp với giáo dục – phục hồi chức năng, do giáo sư Nguyễn Thanh Liêm làm nghiên cứu viên chính đang được triển khai ở giai đoạn cuối.

“Đến nay đã có 30 trường hợp trẻ tự kỷ đã được ghép tế bào gốc cùng việc can thiệp giáo dục chuyên biệt. Kết quả bước đầu khả quan. Chúng tôi cùng cộng sự đang tiếp tục theo dõi để trong mấy tháng tới đánh giá kết quả,” giáo sư Liêm phấn khởi thông báo.

Kiểm tra sức khoẻ của một bệnh nhân.

BÁC SĨ BIẾN NHỮNG ĐỨA TRẺ "MỘNG MƠ" VỀ THỰC TẠI

Trong câu chuyện về tương lai của tế bào gốc với sức khỏe con người và những kỳ vọng của phương pháp này với trẻ không may mắn, giáo sư say sưa nhắc lại lời của một nhà khoa học Mỹ: “Những câu chuyện tế bào gốc hiện nay hấp dẫn ly kỳ hơn truyện thần thoại viễn tưởng trước đây. Tế bào gốc làm thay đổi cả tương lai của nhân loại. Đây là kết luận có cơ sở khoa học, tế bào gốc có cơ sở để làm thay đổi quan niệm của chúng ta về bệnh tật cũng như về sức khỏe con người từ trước đến nay.”

Giáo sư Liêm nhớ lại, mối duyên này đến với ông khi vào cuối năm 2013, có một bé 2 tuổi bị nhiễm trùng máu và hậu quả bị suy đa phủ tạng. Các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã cố gắng cứu được tính mạng của bé nhưng do bé bị nhiễm trùng não nặng, thiếu ôxy trong não nên sống trong tình trạng thực vật, không thể vận động, liệt hoàn toàn.

Khởi đầu thuận lợi đó tạo cho ông niềm tin để tiếp tục làm. Sau đó giáo sư Liêm và các đồng nghiệp tại Bệnh viện Vinmec đã xin đề tài cấp nhà nước, vừa rồi đã nghiệm thu xong về ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bại não.

“Nếu như trước kia các nghiên cứu người ta chỉ nói ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bại não nói chung và tỷ lệ thành công khoảng 75-80%, tỷ lệ thành công của chúng ta cao hơn nhiều, trên 90%.”

Chia sẻ về lĩnh vực ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bại não, giáo sư Liêm phấn khởi khi ông và những người đồng nghiệp tự hào khi là một trong những nước đi đầu trong vấn đề này, cùng với Ấn Độ và Trung Quốc.

“Nếu như trước kia các nghiên cứu người ta chỉ nói ghép tế bào gốc cho bệnh nhân bại não nói chung và tỷ lệ thành công khoảng 75-80%, tỷ lệ thành công của chúng ta cao hơn nhiều, trên 90%. Bởi vì chúng tôi đã tìm ra được chỉ định phù hợp, không phải bại não nào cũng có thể ghép. Chúng tôi đã nghiên cứu và chỉ lựa chọn những trường hợp bại não do một số nguyên nhân mắc phải như thiếu ôxy, quanh hay sau khi đẻ, não bị tổn thương hay vàng da ở giai đoạn sơ sinh... làm cho não 1 phần bị tê liệt. Vì bại não là vấn đề bế tắc trong điều trị từ trước đến nay nên khi thấy có nơi nào đó, có ai đó có một phương pháp điều trị mở ra một hướng mới họ rất quan tâm.”

Hiện nay, tại Trung tâm Tế bào gốc của Bệnh viện Vinmec đã nhận được nhiều đề nghị từ bệnh nhân ở Mỹ, Anh, Australia và một số nước khác xin phép đến Việt Nam để điều trị.

Miên man trong câu chuyện về phẫu thuật trẻ em, về ghép tế bào gốc cho những bé không may bệnh tật, giáo sư ấy không nguôi khắc khoải trong mấy chục năm làm việc thấy, vẫn còn nhiều trẻ em bị các bệnh không chữa được hoặc các cháu sẽ mất hoặc các cháu chịu tàn tật suốt đời như bại não, tự kỷ và nhiều bệnh khác. Chính đó là động lực thôi thúc ông tiếp tục nghiên cứu hết công trình này đến công trình khác về trẻ em.

Nguồn: Vietnamplus

Còn tiếp

Bác sĩ đưa những đứa trẻ "mộng mơ" về thực tại - Tập 1

Bác sĩ đưa những đứa trẻ "mộng mơ" về thực tại - Tập 3

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

351 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan