Kết quả xét nghiệm máu CRP và LDH tăng cao kèm theo sốt về chiều cảnh báo bệnh lý gì?

Hỏi

Chào bác sĩ! Tôi có làm xét nghiệm sinh hóa máu thì kết quả có CRP định lượng tăng cao, cụ thể kết quả xét nghiệm là 57,57, trong khi chỉ số bình thường là dưới 10mg/l. LDH kết quả xét nghiệm là 783, chỉ số bình thường là 230-406U/L. Còn các chỉ số xét nghiệm máu ngoại vi bình thường, hiện tại tôi hay sốt về chiều.

Vậy bác sĩ cho tôi hỏi: Kết quả xét nghiệm máu CRP và LDH tăng cao kèm theo sốt về chiều cảnh báo bệnh lý gì?” Cảm ơn bác sĩ đã tư vấn!

Võ Thành (1961)

Trả lời

Chào bạn! Với câu hỏi: Kết quả xét nghiệm máu CRP và LDH tăng cao kèm theo sốt về chiều cảnh báo bệnh lý gì?” của bạn thì bác sĩ xin trả lời như sau:

Protein phản ứng C hay C – reactive protein (CRP) là một glycoprotein được sản xuất chủ yếu bởi gan. Bình thường sẽ không thấy protein này trong máu. Tuy nhiên, tình trạng viêm cấp tính, phá hủy mô trong cơ thể sẽ kích thích sản xuất protein phản ứng C và làm tăng nhanh nồng độ protein này trong huyết thanh. Xét nghiệm CRP là xét nghiệm định lượng Protein phản ứng C trong máu.

Chỉ số CRP điển hình sẽ tăng trong vòng 6 giờ kể từ khi có tình trạng viêm cho phép bác sĩ xác định tình trạng viêm sớm. Đo nồng độ CRP giúp đánh giá tiến triển của phản ứng viêm, một nhiễm trùng mới hay theo dõi đáp ứng điều trị của các tình trạng bệnh lý nhiễm trùng. Giá trị bình thường của CRP để đánh giá trình trạng viêm là <10 mg/L. Kết quả xét nghiệm CRP định lượng 57,57 mg/L của bạn chứng tỏ có tình trạng viêm trong cơ thể, để tìm nguyên nhân gây nên tình trạng này bạn cần đi khám bác sỹ và làm thêm một số xét nghiệm khác. LDH hay Lactate Dehydrogenase là một enzym của hầu hết các tế bào trong cơ thể tham gia vào phản ứng Pyruvate tạo thành lactat, giúp chuyển hóa đường thành năng lượng cho các tế bào sử dụng. Khi cơ thể ở trạng thái bình thường thì enzym LDH chỉ tồn tại trong các tế bào và chỉ có một lượng nhỏ lưu hành trong máu. Tuy nhiên khi mắc các bệnh khiến tế bào bị hư hỏng hoặc phá hủy sẽ dẫn tới LDH phòng thích từ tế bào vào máu khiến nồng độ LDH trong máu tăng cao. Các cơ quan giàu LDH như: Cơ vân, gan, thận, cơ tim, hạch bạch huyết, lách, não, dạ dày, tụy, hồng cầu, bạch cầu...

Các nguyên nhân thường gặp gây tăng LDH như: Nhồi máu cơ tim, suy tim ứ huyết, bệnh lý cơ vân, xơ gan, vàng da tắc mật, viêm gan, thiếu máu tan máu, viêm cầu thận, nhồi máu phổi, bệnh lý khối u, nhiễm trùng, nhiễm ký sinh trùng...

Trong trường hợp của bạn, kết quả xét nghiệm LDH cao có thể do tình trạng viêm gây nên. Vì thế, bạn nên đi khám bác sỹ để tìm nguyên nhân gây viêm, từ đó có hướng điều trị, sau khi điều trị hết tình trạng viêm thì LDH sẽ trở về giá trị bình thường, nếu LDH vẫn tăng cao khi đó sẽ cần làm các xét nghiệm khác để tìm nguyên nhân.

Bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm tư vấn và có phác đồ điều trị bệnh hiệu quả. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe. Trân trọng!

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Quỳnh Trang - Bác sĩ Hóa sinh - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: