Bệnh tay chân miệng trẻ em: Khi nào cần nhập viện?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS CKII Trần Thị Linh Chi - Phó trưởng khoa nhi sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Bệnh tay chân miệng trẻ em là bệnh rất phổ biến và dễ lây lan, nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

1. Tay chân miệng ở trẻ em lây truyền như thế nào?

Bệnh tay chân miệng lây truyền chủ yếu theo đường tiêu hoá, từ nước bọt, các nốt phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh có thể gặp rải rác quanh năm, ở hầu hết các địa phương, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam, bệnh tay chân miệng trẻ em có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm: tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 đến tháng 12.

Tay chân miệng có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là tập trung ở nhóm tuổi dưới 3 tuổi. Các yếu tố thuận lợi để lây truyền bệnh tay chân miệng là sinh hoạt tập thể như: trẻ đi học tại các nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, các nơi tập trung đông trẻ em đều là các yếu tố nguy cơ cao, đặc biệt là trong các đợt bùng phát dịch.

2. Các giai đoạn của bệnh tay chân miệng trẻ em

Bệnh chân tay miệng
Biểu hiện của bệnh chân tay miệng ở trẻ

  • Giai đoạn ủ bệnh: kéo dài 3 - 7 ngày. Thường không biểu hiện triệu chứng.
  • Giai đoạn khởi phát: thường từ 1 - 2 ngày với các triệu chứng tiêu biểu như: trẻ sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, chán ăn, trẻ đi tiêu chảy vài lần trong ngày, phân không có nhầy máu. Triệu chứng khởi phát thường gặp là sốt và đau họng.
  • Giai đoạn toàn phát: thường kéo dài từ 3 - 10 ngày với các biểu hiện điển hình của bệnh như:
  • Loét miệng: xuất hiện sau sốt 1 - 2 ngày, lúc đầu là chấm hồng ban, trong vòng 24 giờ tiến triển thành mụn nước có đường kính từ 2 - 4mm, gây đau, chảy nước miếng, ăn uống kém, vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc phần sau khoang miệng, các nếp hầu họng, lưỡi gà, cột trước amidan, đôi khi có ở niêm mạc má và lưỡi, các vết loét có thể kéo dài hàng tuần lễ.
  • Phát ban dạng phỏng nước: ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông... tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó để lại vết thâm (không sẹo lồi, không đỏ, không lõm). Đôi khi dạng dát sẩn không có mụn nước, kích thước thay đổi từ 2 - 10mm, hình tròn hay hình bầu dục, nổi cộm hoặc ẩn dưới da trên nền hồng ban, không đau. Các tổn thương da tự hết trong vòng 1 tuần, mụn nước khô sẽ để lại vết thâm da, không loét.
  • Trẻ bị sốt nhẹ từ 2 - 4 ngày (± 7 ngày) kèm theo nôn, tiêu chảy, ho. Nếu trẻ sốt cao và có biểu hiện nôn nhiều dễ có nguy cơ biến chứng như: biến chứng trên thần kinh, tim mạch, hô hấp... thường xuất hiện sớm từ ngày 2 đến ngày 5 của bệnh.
  • Giai đoạn lui bệnh: thường từ 3 - 5 ngày sau, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu không xảy ra biến chứng.

3. Bệnh tay chân miệng trẻ em khi nào cần nhập viện?

Lưu ý chăm sóc trẻ bị sốt phát ban
Ngay cả ở giai đoạn 1 của bệnh, trẻ vẫn có thể bị sốt cao

Tiêu chuẩn nhập viện của bệnh tay chân miệng ở trẻ em:

Độ 1

Đa số các trường hợp độ 1 có thể điều trị ngoại trú và theo dõi tại cơ sở y tế. Tuy nhiên, độ 1 cần phải nhập viện khi bắt đầu xuất hiện một trong các dấu hiệu nặng:

  • Sốt cao > 39 độ C
  • Sốt trên 3 ngày.
  • Trẻ nôn ói nhiều.
  • Trẻ ngủ gà.
  • Bạch cầu máu > 17.000 tế bào/mm3

Độ 2: cần nhập viện điều trị

Độ 3 và độ 4: cần nhập viện điều trị tại đơn vị hồi sức tích cực

Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, chỉ tập trung điều trị hỗ trợ (không sử dụng kháng sinh khi không có bội nhiễm). Theo dõi sát để phát hiện sớm và điều trị biến chứng ngay khi có dấu hiệu. Bảo đảm cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, nâng cao thể trạng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

57.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan