Bệnh vảy nến có bị lây không?

Bài viết được tư vấn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Lê Thị Thu Hằng - Bác sĩ Da Liễu - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng

Vảy nến là bệnh viêm da mạn tính thường gặp do hiện tượng tăng sinh tế bào da khiến các tế bào da cũ và tế bào da mới không kịp thay thế, dồn đống lại tạo thành những mảng dày, đỏ, có vảy trắng hoặc bạc.

1. Các thể bệnh vảy nến thường gặp

Triệu chứng đặc trưng của bệnh vảy nến là những mảng dày màu đỏ được phủ bởi các vảy trắng hoặc bạc. Ngoài ra, tùy theo vị trí xuất hiện và đặc điểm của tổn thương mà có các triệu chứng riêng biệt theo từng dạng bệnh như:

  • Vảy nến thể mảng: các mảng da xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối và vùng dưới lưng.
  • Vảy nến mụn mủ: xuất hiện mụn mủ ở vùng da tay và chân.
  • Vảy nến giọt: tổn thương có dạng giọt nước xuất hiện khắp cơ thể, thường gặp ở trẻ em, sau đợt viêm họng do Streptococcus.
  • Viêm khớp vảy nến: sưng khớp ngón tay, ngón chân hoặc xương sống, đầu gối...
  • Vảy nến móng: móng dày, có những lỗ nhỏ trên bề mặt móng.
  • Vảy nến da đầu: trên da đầu có vảy hoặc những mảng da dày màu trắng bạc.
  • Vảy nến nếp gấp: gặp ở người bị béo phì, tổn thương ở các vùng nếp gấp của da như nách, háng, mông...
Bệnh vảy nến
Vảy nến thể mảng là dạng thường gặp

2. Bệnh vảy nến có bị lây không?

Vảy nến là bệnh ngoài da không phải do virus hay vi khuẩn gây nên. Do đó, bệnh vảy nến không lây nhiễm từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc lẫn nhau. Chúng ta hoàn toàn có thể nắm tay, ôm, hôn, dùng chung vật dụng, quần áo với người bị vảy nến mà không cần phải lo lắng gì. Tuy nhiên, vảy nến được nghiên cứu cho thấy có tính di truyền (10% con mắc bệnh nếu bố hoặc mẹ bệnh, 40% con mắc bệnh nếu cả bố và mẹ đều bệnh).

3. Làm thế nào để xác định được bệnh vảy nến?

Vảy nến được xác định chủ yếu thông qua thăm khám. Bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ khám sang thương trên da, móng và các vị trí tổn thương để xác định chính xác bệnh vảy nến. Trong trường hợp sang thương trên da không rõ ràng, bác sĩ sẽ sinh thiết vùng da bị tổn thương để chẩn đoán chính xác. Không thực hiện xét nghiệm máu hay xét nghiệm nước tiểu vì các xét nghiệm này không giúp chẩn đoán bệnh vảy nến. Tuy nhiên để phục vụ cho việc điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm máu để theo dõi tác dụng phụ của thuốc.

4. Biến chứng của bệnh vảy nến

Khám sàng lọc trước khi mang thai: Quan trọng nhưng đang bị lơ là
Bệnh nhân cần được điều trị để kiểm soát tình trạng bệnh

Vảy nến là một bệnh không ổn định, nếu không được chăm sóc và điều trị đúng, người bệnh có thể bị các biến chứng sau: đỏ da toàn thân, vảy nến mủ, viêm khớp, nhiễm trùng da... Một số nghiên cứu gần đây cho thấy vảy nến là yếu tố nguy cơ đối với hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch (nghĩa là dễ mắc hội chứng chuyển hóa và bệnh tim mạch hơn), nhất là đối với những người bị vảy nến nặng.

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Mục tiêu chính của việc điều trị (dùng thuốc, thuốc sinh học, quang trị liệu...) là giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp người bệnh kéo dài thời gian ổn định và ngăn ngừa tối đa các biến chứng của bệnh. Do đó, người bệnh cần tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa da cũng như biết những việc nên làm và không nên làm hàng ngày, nhằm giúp kiểm soát và chung sống hòa bình với bệnh tốt hơn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

99.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan