Biến chứng thần kinh ở bệnh nhi mắc tay chân miệng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. BS Nguyễn Minh Tuấn - Bác sĩ Nhi tại khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh tay chân miệng. Đa số bệnh nhi mắc tay chân miệng sẽ tự khỏi.Tuy nhiên, có một số trường hợp nặng có thể có các biến chứng nguy hiểm của bệnh tay chân miệng.

1. Những dấu hiệu trẻ bị biến chứng tay chân miệng

Trẻ có thể bị mắc tay chân miệng qua quá trình lan truyền từ trẻ này sang trẻ kia. Đa số trẻ mắc bệnh sẽ tự khỏi và không để lại di chứng.

Tuy nhiên, nếu bệnh tay chân miệng do enterovirus gây ra sẽ dẫn tới các biến chứng như viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não... Tuy tỷ lệ trẻ mắc phải biến chứng này không lớn nhưng có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay, y học chưa có thuốc chủng ngừa enterovirus 71.

Enterovirus
Bệnh tay chân miệng do enterovirus gây ra

Triệu chứng của các biến chứng tay chân miệng rất khó phát hiện ra, thậm chí còn tương đồng với những triệu chứng của các bệnh lý khác, do đó cha mẹ không nên chủ quan với bất kỳ dấu hiệu nào dù là nhỏ nhất của trẻ. Một số biểu hiện điển hình cảnh báo nguy cơ biến chứng tay chân miệng ở trẻ gồm:

  • Khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ;
  • Trẻ bị sốt trên 39 độ C, sốt liên tiếp và không có dấu hiệu hạ sốt từ 2 ngày trở lên;
  • Giật mình, hoảng hốt, nói nhảm khi ngủ (nhất là bắt đầu thiu thiu ngủ), chân tay co giật, run. Có thể trẻ có biểu hiện ngủ li bì, ngủ nhiều;
  • Da nổi bông, lạnh chân tay,mạch nhanh nhưng không sốt cao, huyết áp cao, yếu tay chân, méo miệng;
  • Thở mệt

2. Cảnh giác biến chứng thần kinh bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ

Các biến chứng trẻ có thể gặp phải khi bị tay chân miệng gồm biến chứng bội nhiễm, biến chứng thần kinh, biến chứng tim mạch, biến chứng hô hấp. Trong đó cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến biến chứng thần kinh, bởi đây là dạng biến chứng nặng nề nhất, đe dọa đến tính mạng trẻ hoặc gây tổn thương não không hồi phục.

Cụ thể các biến chứng thần kinh ở trẻ gồm: viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não.

2.1 Tổn thương viêm màng não

Dấu hiệu cho thấy virus đã xâm nhập vào não, gây tổn thương viêm màng não cho trẻ gồm:

  • Sốt cao, li bì, vật vã kích thích, mê sảng;
  • Đau đầu, cứng gáy;
  • Sợ ánh sáng;
  • Yếu liệt;
  • Hôn mê.
Biến chứng viêm màng não ở trẻ
Triệu chứng Sốt cao, li bì, vật vã kích thích, mê sảng cho thấy virus đã gây tổn thương viêm màng não

2.2 Tổn thương viêm tại nhu mô não, thân não

Trẻ bị viêm tại nhu mô não, thân não,... sẽ có các biểu hiện sau:

  • Rung giật cơ theo từng cơn ngắn, từ 1-2 giây, chủ yếu ở tay chân. Trẻ thường gặp tình trạng này khi bắt đầu ngủ hoặc để trẻ nằm ngửa;
  • Ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chân tay, mắt nhìn ngược;
  • Rung giật nhãn cầu;
  • Yếu, liệt chân tay;
  • Liệt dây thần kinh sọ não;
  • Biểu hiện nặng gồm co giật, hôn mê đi kèm suy hô hấp, tuần hoàn;
  • Tăng trương lực cơ.

Nhận thức rõ những biến chứng cũng như mức độ nguy hiểm của bệnh tay chân miệng gây ra ở trẻ sẽ giúp cha mẹ chủ động phòng ngừa, phát hiện và xử trí kịp thời nếu xuất hiện biến chứng, tránh những hậu quả khó lường ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan