Các biến chứng nếu không điều trị gãy xương sớm

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lưu Hồng Hải - Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Các trường hợp gãy xương cần phải được điều trị đúng từ đầu để tránh gặp phải những biến chứng khó lường. Các biến chứng sau gãy xương thường gặp là sốc do mất máu và đau đớn, tổn thương thần kinh, tổn thương mạch máu,... thậm chí tử vong.

1. Cần cấp cứu kịp thời, điều trị đúng phương pháp khi bị gãy xương

Tai nạn giao thông, tai nạn lao động là những nguyên nhân thường gặp gây ra những chấn thương gãy xương, có hai loại gãy xương: gãy xương kín và gãy xương hở. Khi gãy xương lớn, phức tạp nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể xãy ra biến chứng của gãy xương như: đe dọa tính mạng bệnh nhân, nhiễm trùng lộ xương, viêm xương tủy xương...

Bên cạnh đó, việc điều trị gãy xương đòi hỏi bác sĩ phải có kiến thức giải phẫu xương, hiểu được sự phân bố mạch máu, tình trạng của mô mềm bao bọc quanh xương,... Nếu không thực hiện các phương pháp điều trị gãy xương đúng ngay từ đầu, bệnh nhân có thể gặp phải di chứng muộn như liệt thần kinh, can xương lệch, chậm liền xương, khớp giả, teo cơ cứng khớp,... dẫn tới tàn phế.

2. Các biến chứng nếu không được điều trị gãy xương sớm và đúng cách

2.1 Sốc do mất máu và đau đớn

Đây là một biến chứng gãy xương khá nặng nề, có thể gây nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân nếu sơ cứu ban đầu không đúng, bất động xương không vững chắc. Theo các nhà khoa học, tổn thương do vỡ xương chậu gây mất khoảng 1,5 lít máu, gãy xương đùi mất khoảng 1 lít máu,... Nếu không được phát hiện, chẩn đoán sớm, truyền máu và cố định xương kịp thời, bệnh nhân sẽ bị suy sụp tuần hoàn và dễ tử vong.

Biến chứng của không điều trị gãy xương sớm
Bệnh nhân gãy xương có thể bị sốc do chảy nhiều máu và đau đớn

2.2 Tắc mạch máu do mỡ

Khi bị gãy xương, đặc biệt là các xương dài và bị gãy nhiều xương, lượng mỡ từ tủy xương chảy ra có thể làm tăng áp lực mạch máu và ngấm trở lại vào máu. Người bệnh có biểu hiện vật vã, lơ mơ, dần đi vào hôn mê, khó thở, thở nhanh và nông, suy hô hấp, xuất huyết dưới da, kết mạc mắt kéo dài,... dẫn tới rối loạn đông máu. Nếu không được phát hiện kịp thời, biến chứng này có thể gây tử vong.

2.3 Chèn ép khoang

Hệ thống khoang ở chân tay chứa đựng các cơ quan như mạch máu, dây thần kinh, cơ,... Khi bị gãy xương, mạch máu, cơ và dây thần kinh sẽ bị tổn thương. Lượng máu chảy ra nhiều sẽ làm tăng áp lực của mạch máu và chèn ép khoang. Trong trường hợp này, người bị gãy xương có biểu hiện chân hoặc tay bị gãy sưng to, căng đau liên tục và không đáp ứng với thuốc giảm đau. Mạch ngoại vi đập nhẹ, sau đó không bắt được mạch, có cảm giác tê buốt tay chân và hạn chế vận động. Nếu không được chẩn đoán kịp thời, bệnh nhân có thể bị hoại tử các chi.

2.4 Tổn thương các nội tạng

Các nhà khoa học khuyến cáo: sau gãy xương, các tổn thương ở nội tạng cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời vì tình trạng này thường nguy hiểm hơn gãy xương. Một ví dụ cụ thể như vỡ xương chậu kéo theo vỡ bàng quang, đứt niệu đạo,... sẽ gây ra nhiều di chứng như chít hẹp niệu đạo, viêm tấy do ngấm nước tiểu, rò rỉ nước tiểu,... Trường hợp khác, gãy xương sườn có thể liền sau 3 tuần nhưng gãy xương mảng sườn, làm dập phổi, rách phế quản,... sẽ gây biến chứng rất nặng và khó điều trị.

Biến chứng của không điều trị gãy xương sớm
Tổn thương nội tạng do gãy xương

2.5 Viêm xương, gãy xương hở

Các đầu nhọn của xương gãy có thể đâm thủng da, biến chấn thương gãy kín thành hở. Vết thương sẽ bị dập nát, dính nhiều dị vật như đất, cát,... xung quanh ổ gãy xương. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng và viêm xương. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần được chuyển đến cơ sở y tế uy tín để được cắt lọc mô bầm dập, loại trừ dị vật và điều trị kháng sinh chống nhiễm trùng.

2.6 Tổn thương mạch máu, thần kinh

Khi bị gãy xương, đầu xương gãy có thể gây tổn thương mạch máu và thần kinh lân cận. Mức độ tổn thương từ nhẹ (bầm dập) tới nặng (đứt thần kinh, mạch máu). Nếu không phát hiện và điều trị hiệu quả, biến chứng gãy xương này có thể dẫn tới liệt, mất chức năng hoặc phải cắt cụt chi. Cụ thể:

Tổn thương thần kinh

  • Liệt tủy sống do gãy cột sống - là biến chứng rất nặng sau gãy xương. Liệt tủy sống cổ gây liệt tứ chi, đôi khi tủy bị phù nề lan rộng, bệnh nhân khó qua khỏi cơn nguy kịch sau 1 - 2 tuần. Liệt tủy đoạn lưng - thắt lưng gây liệt vận động và mất cảm giác ở 2 chân, rối loạn tiểu tiện và đại tiện, loét da vùng xương bị chèn ép. Đây đều là những biến chứng khó điều trị.
  • Liệt thần kinh ngoại vi: biến chứng gặp ở 5 - 10% trường hợp bị gãy xương ở chân và tay. Gãy xương cánh tay dễ gây liệt dây thần kinh quay, làm bàn tay rủ xuống hình cổ cò, các ngón tay không duỗi được, có cảm giác tê bì phía ngoài mu bàn tay; các chấn thương nặng vùng đai vai có thể gây liệt toàn bộ đám rối thần kinh cánh tay,... Gãy xương và trật khớp háng có thể chèn ép gây tổn thương dây thần kinh hông, làm liệt các cơ cẳng chân và bàn chân; gãy phần cao ở cổ xương mác có thể gây liệt dây thần kinh hông khoeo ngoài và làm các cơ phía ngoài cẳng chân bị liệt.
Biến chứng của không điều trị gãy xương sớm
Các cơ cẳng chân có thể bị liệt nếu bị tổn thương dây thần kinh vùng hông

Tổn thương mạch máu

Mạch máu bị tổn thương do biến chứng gãy xương chỉ gặp ở khoảng 1 - 5% trường hợp gãy xương. Các vị trí gãy xương gây tổn thương mạch máu thường gặp là:

  • Xương chậu vỡ, máu sẽ chảy nhiều từ trong xương qua khe gãy, từ đám rối tĩnh mạch cạnh xương, tĩnh mạch chậu, động mạch chậu bị rách,...
  • Chấn thương nặng ở cẳng chân nửa trên thường gây đụng dập cơ bắp chân, gây gãy xương kèm tổn thương mạch máu làm sát xương, máu chảy tụ lại trong một khoang sâu bị cân cơ chèn ép vòng ngoài làm bắp chân căng cứng, bàn chân tím lạnh, các ngón chân mất cử động.
  • Gãy đầu dưới xương cánh tay, xương đùi với đầu xương nhọn sắc, di lệch có thể chèn ép gây tổn thương động mạch. Nếu để lâu các cơ phía dưới sẽ bị xơ hóa do thiếu máu nuôi dưỡng, làm gân cơ bị co rút và các khớp kém cử động.

2.7 Khớp giả, chậm lành xương, can xương lệch

Đây là biến chứng muộn sau điều trị gãy xương. Điều trị không đúng phương pháp, cố định xương lỏng lẻo, bó thuốc nam không nắn chỉnh chính xác hoặc bệnh nhân tự ý tháo bột sớm,... đều là nguyên nhân dẫn tới các biến chứng như khớp giả, chậm lành xương, không cử động được chân tay, đi lại không bình thường hoặc xương lành trong trạng thái lệch trục, bị cong mất thẩm mỹ.

Gãy xương
Tự ý tháo bột sớm có thể gây ra một số biến chứng ở bệnh nhân gãy xương

Để phòng ngừa các biến chứng trên sau tai nạn gãy xương, bệnh nhân cần được chẩn đoán kịp thời và xử lý can thiệp phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng hiện đang triển khai phương pháp phẫu thuật kết hợp xương ít xâm lấn, phòng ngừa biến chứng cho bệnh nhân gãy xương.

Phương pháp điều trị gãy xương này có ưu điểm là ít tổn hại phần mềm xung quanh, thời gian mổ ngắn, lộ chính xác vị trí ổ gãy xương, giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng, giảm số ngày nằm viện sau phẫu thuật, giảm đau trong và sau mổ, tạo điều kiện cho bệnh nhân tập phục hồi chức năng sớm để sớm quay trở lại cuộc sống bình thường.

Bác sĩ thực hiện: Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Lưu Hồng Hải: có trên 30 năm kinh nghiệm là bác sĩ Chấn thương chỉnh hình, Viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Bác sĩ Hải từng nhận Huân chương Chiến công hạng Nhất do Chủ tịch nước khen tặng, danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú do Chủ tịch nước khen tặng,... Hiện bác sĩ đang là Trưởng khoa Khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Hạ Long, Hải Phòng.

18.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan