Chẩn đoán và điều trị bệnh Parkinson

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hoá của hệ thống thần kinh, ảnh hưởng đến khả năng vận động của cơ thể. Các triệu chứng bắt đầu từ từ, thường khởi đầu bằng run chỉ ở một tay, triệu chứng ban đầu có thể rất nhẹ và bệnh nhân không chú ý đến. Các triệu chứng bệnh Parkinson sẽ trở nên nặng hơn khi bệnh tiến triển theo thời gian. Mặc dù bệnh Parkinson không thể chữa khỏi, nhưng thuốc có thể giúp làm cải thiện đáng kể các triệu chứng.

1. Chẩn đoán bệnh Parkinson

Không có xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán chính xác bệnh Parkinson. Để chẩn đoán được bệnh Parkinson, các bác sĩ phải được đào tạo về chuyên khoa thần kinh. Chẩn đoán bệnh Parkinson dựa trên tiền sử bệnh tật, xem xét các dấu hiệu, triệu chứng hiện tại, khám thần kinh và toàn bộ cơ thể. Các quy trình khám lâm sàng giúp bác sĩ định hướng chẩn đoán bệnh Parkinson, đồng thời chính các triệu chứng và dấu hiệu có được từ việc khám thần kinh sẽ hỗ trợ phần lớn cho việc chẩn đoán và xác định bệnh của bác sĩ.

Ngoài ra, Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các khảo sát như xét nghiệm máu hay các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh MRI, CT và PET để loại trừ các bệnh khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh Parkinson.

Ngoài việc khám, để chẩn đoán bệnh parkinson, bác sĩ có thể kiểm tra đáp ứng với carbidopa-levodopa bằng cách cho người bệnh uống thuốc carbidopa-levodopa (Rytary, Sinemet hay các loại khác) rồi đánh giá đáp ứng với thuốc (test Levodopa). Người bệnh sẽ được sử dụng liều vừa đủ để cho thấy việc sử dụng thuốc có cải thiện các dấu hiệu của bệnh Parkinson hay không. Nếu các triệu chứng được cải thiện đáng kể với thuốc carbidopa-levodopa thì có thể chẩn đoán người đó đã mắc bệnh Parkinson.

Đôi khi, người bệnh cần mất thêm một thời gian thì mới khẳng định được có mắc bệnh Parkinson hay không, do đó bác sĩ thần kinh có thể đề nghị các lần tái khám tiếp theo, từ đó đánh giá thường xuyên sự tiến triển của bệnh theo thời gian để kịp thời chẩn đoán chính xác và thực hiện điều trị bệnh Parkinson theo phác đồ dưới đây.

chan-doan-va-dieu-tri-benh-parkinson-1
Chụp PET trong chẩn đoán bệnh Parkinson

2. Chữa bệnh parkinson như thế nào?

Bệnh Parkinson không thể chữa khỏi nhưng sử dụng thuốc có thể giúp kiểm soát đáng kể các triệu chứng. Đối với những trường hợp nặng hơn thì cần phải phẫu thuật (kích thích não sâu,...).

Bác sĩ cũng có thể khuyên người bệnh nên thay đổi lối sống, đặc biệt là tập thể dục đều đặn. Trong một số trường hợp, thực hiện tập vật lý trị liệu tập trung vào sự thăng bằng và kéo giãn cũng rất quan trọng. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể cần sự hỗ trợ của chuyên gia ngôn ngữ trị liệu để giúp cải thiện các vấn đề về giọng nói.

2.1 Thuốc

Thuốc có thể giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng gây ra các vấn đề về dáng đi, di chuyển và run. Những loại thuốc này làm tăng nồng độ hoặc thay thế cho dopamine trong não bởi vì những người mắc bệnh Parkinson có nguồn dopamine nội sinh trong não thấp.

Sau khi sử dụng thuốc, các triệu chứng sẽ được cải thiện đáng kể, tuy nhiên, theo thời gian, tác dụng của các thuốc này thường giảm dần hoặc người bệnh đáp ứng kém dần với thuốc. Bác sĩ thường kê các loại thuốc như sau:

  • Carbidopa-levodopa. Levodopa là thuốc trị bệnh Parkinson hiệu quả nhất, đây là một hoạt chất sau khi đi vào não của người bệnh sẽ được chuyển đổi thành dopamine. Tác dụng phụ có thể bao gồm buồn nôn hoặc chóng mặt (hạ huyết áp tư thế đứng).
  • Thuốc đồng vận dopamine (dopamine agonists). Không giống như levodopa, chất đồng vận dopamine không chuyển đổi thành dopamine, thay vào đó, chúng bắt chước hiệu ứng của dopamine trong não. Mặc dù không hiệu quả như levodopa trong điều trị các triệu chứng nhưng thuốc đồng vận dopamine tồn tại lâu hơn và có thể được sử dụng cùng với levodopa để củng cố thêm tác dụng của levodopa. Một số tác dụng phụ của thuốc đồng vận dopamine tương tự như tác dụng phụ của carbidopa-levodopa, ngoài ra có các tác dụng phụ khác như ảo giác, buồn ngủ, tăng các hành vi tình dục (hypersexuality), cờ bạc và nghiện ăn uống.
  • Thuốc ức chế men oxy hóa monoamine nhằm giúp ngăn chặn sự phân hủy của dopamine ở trong não bằng cách ức chế enzyme monoamin oxydase B (MAO B). Enzyme này có tác dụng chuyển hóa dopamine trong não. Tác dụng phụ có thể bao gồm buồn nôn hoặc mất ngủ.
  • Thuốc ức chế Catechol O-methyltransferase (COMT). Thuốc này kéo dài tác dụng của levodopa bằng cách ngăn chặn một loại enzyme phá vỡ dopamine.
  • Thuốc chống cholinergic. Những loại thuốc này đã được sử dụng trong nhiều năm để giúp kiểm soát triệu chứng run do bệnh Parkinson. Một số loại thuốc kháng cholinergic có sẵn, bao gồm cả benztropine (Cogentin) hoặc trihexyphenidyl.
  • Amantadine. Các bác sĩ có thể kê một mình thuốc amantadine để giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh Parkinson ở giai đoạn đầu. Và thường được sử dụng với carbidopa-levodopa.

2.2 Phẫu thuật kích thích não sâu (Deep brain stimulation)

Trong phẫu thuật kích thích não sâu, các bác sĩ phẫu thuật cấy điện cực vào một phần cụ thể của não của người bệnh. Các điện cực được kết nối với một máy phát điện, được cấy vào ngực gần xương đòn của người bệnh. Máy này có nhiệm vụ phát các xung điện đến vị trí cấy điện cực trong não và giúp làm giảm các triệu chứng bệnh Parkinson.

Bác sĩ có thể điều chỉnh các thiết lập của thiết bị để điều trị phù hợp với tình trạng của từng người bệnh. Tuy nhiên, phẫu thuật có một số biến chứng như nhiễm trùng, đột quỵ hoặc xuất huyết não. Một số người gặp vấn đề với hệ thống kích thích não sâu hoặc bị biến chứng do kích thích khiến bác sĩ có thể cần điều chỉnh hoặc thay thế một số bộ phận của thiết bị.

Kích thích não sâu thường được chỉ định cho những người mắc bệnh Parkinson giai đoạn tiến triển có đáp ứng thuốc kém (ví dụ thuốc levodopa). Hệ thống kích thích não sâu có thể làm giảm các biến chứng vận động của thuốc, giảm hoặc tạm dừng các rối loạn vận động, giảm run, giảm độ cứng và cải thiện tình trạng chuyển động chậm.

Mặc dù hệ thống kích thích não sâu có thể mang lại lợi ích lâu dài cho các triệu chứng của Parkinson, nhưng không thể ngăn bệnh Parkinson ngừng tiến triển.

phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu
Phẫu thuật kích thích não sâu

3. Chăm sóc bệnh nhân parkinson

Bệnh parkinson ở người già thường gây ra vấn đề về vận động trong sinh hoạt hàng ngày. Nhưng những bài tập dưới đây rất đơn giản, có thể giúp người bệnh di chuyển và đi lại an toàn hơn.

Để cải thiện việc đi bộ

  • Đi cẩn thận.
  • Không di chuyển nhanh.
  • Để gót chân chạm xuống đất trước.
  • Luôn đứng thẳng.

Để tránh ngã

  • Không đi lùi.
  • Không cầm hay đeo đồ khi đi bộ.
  • Cố gắng tránh nghiêng người.
  • Để quay lại, thực hiện đi hình chữ U. Không nên xoay gót chân.
  • Loại bỏ tất cả các vật làm tăng nguy cơ vấp ngã trong nhà.

Khi mặc quần áo

  • Dành thêm thời gian để mặc đồ và không nên vội vã.
  • Chọn quần áo dễ mặc và dễ cởi ra.
  • Hãy thử sử dụng các quần áo hay giày dép có khóa dán thay vì nút cúc hay bấm cài hay dây giày.
  • Hãy thử mặc quần và váy có dây thun.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: mayoclinic.org, healthline.com, who.int

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

44K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan