Cơ thể bạn có đủ Kali không?

Kali trong cơ thể có mặt ở tất cả các tế bào và là một thành phần thiết yếu của sự sống. Hấp thụ kali trong tự nhiên từ nguồn thực phẩm và chế độ ăn uống hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng để con người có được một sức khỏe tốt.

1. Vai trò của kali trong cơ thể là gì?

Trên thực tế, nhiều người không nhận ra vai trò cần thiết của kali trong cơ thể và chưa chú trọng việc bổ sung kali từ chế độ ăn uống hàng ngày.

1.1. Kali giúp ổn định huyết áp

Các chuyên gia sức khỏe cho biết tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây đột quỵ và các bệnh liên quan đến tim mạch. Trong khi đó, một chế độ dinh dưỡng giàu kali có khả năng làm giảm huyết áp rất tốt. Kali có thể kiềm chế tăng tăng huyết áp bằng cách giúp các động mạch trở nên linh hoạt hơn, cũng như thúc đẩy cơ thể loại bỏ natri dư thừa (bởi vì natri gây giữ nước nên có thể dẫn đến huyết áp cao).

Mặc dù một chế độ ăn uống với các loại thực phẩm giàu kali có thể điều hòa huyết áp, tuy nhiên để hạ huyết áp hiệu quả thì cơ thể sẽ cần thêm sự tác động của một vài khoáng chất quan trọng khác. Nói cách khác, việc xây dựng một thực đơn giàu kali trong tự nhiên sẽ luôn đi kèm với lượng canxi và magie bổ sung thêm. Cụ thể là các món như: trái cây và rau quả, sữa ít béo hoặc không béo, đậu, hạt, ngũ cốc, thịt nạc, cá, và gia cầm.

Huyết áp
Kali giúp ổn định huyết áp rất tốt

1.2. Các chức năng khác

Lượng kali trong máu có vai trò như một chất điện giải giúp duy trì cân bằng chất lỏng. Kali còn chịu trách nhiệm hỗ trợ cho hoạt động của não, dây thần kinh, cũng như giữ cho tim và các cơ bắp luôn hoạt động ổn định đúng theo chức năng vốn có. Ngoài ra, kali còn có khả năng bảo vệ và tăng cường sức mạnh của xương, giúp chống mất xương, cũng như giảm nguy cơ sỏi thận.

Bổ sung đủ lượng kali trong cơ thể mỗi ngày sẽ giúp cải thiện sức khỏe và ngăn ngừa một số bệnh mãn tính. Ngược lại, thiếu kali thường xuyên có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe về lâu dài theo nhiều cách khác nhau.

2. Cơ thể bạn có đủ Kali không?

Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo một người trưởng thành cần hấp thu đủ 4.700 miligam kali mỗi ngày mới được xem là một chế độ ăn uống cân bằng. Nhưng trên thực tế lượng tiêu thụ kali trung bình thường thấp hơn mức tiêu chuẩn, cụ thể một người đàn ông chỉ bổ sung khoảng 3.200 miligam kali mỗi ngày và con số này ở phụ nữ là 2.400 miligam.

Lý do khiến nhiều người không nhận đủ lượng kali cần thiết là vì cuộc sống hiện đại ngày nay vô tình làm cho chúng ta phải thường xuyên dùng thực phẩm chế biến sẵn tại các siêu thị và nhà hàng thức ăn nhanh, cũng như không chú trọng bổ sung vitamin và khoáng chất kali trong tự nhiên. Các chuyên gia cho biết, thức ăn tươi (như trái cây, rau quả, sữa, ...) và chế biến đơn giản là nhóm thực phẩm có nhiều kali nhất.

Cách chế biến các món ăn cũng ảnh hưởng đến hàm lượng kali có trong nguồn thực phẩm nguyên liệu. Cụ thể, nấu quá lâu dưới nhiệt độ cao sẽ làm cạn kiệt dưỡng chất, ví dụ một củ khoai tây luộc chỉ có gần 50% lượng kali so với khoai tây nướng. Do đó để đảm bảo hấp thu kali tối đa, nên lựa chọn ăn trái cây tươi và rau sống, nếu chế biến chỉ cần nướng hoặc hấp sơ qua.

Nếu phải ra ngoài dùng bữa, nên thay đổi thói quen và gọi những món ăn lành mạnh hơn như: salad hoặc món làm từ các loại đậu, rau củ hấp hoặc nướng, dùng nước trái cây và sữa ít béo thay vì soda để tăng hấp thu lượng kali trong cơ thể.

Kali
Hấp thu đủ 4.700 miligam kali mỗi ngày mới được xem là một chế độ ăn uống cân bằng, giúp cơ thể bạn luôn đủ Kali.

3. Nguồn thực phẩm chứa nhiều kali

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết nên đáp ứng nhu cầu về hàm lượng kali trong máu từ nguồn thực phẩm tự nhiên thay vì lựa chọn viên uống bổ sung.

Kali cũng rất dễ tìm thấy trong các loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và có tác dụng tốt cho sức khỏe khác, chẳng hạn như chất xơ. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), hàm lượng kali có trong một số món ăn cụ thể là:

Loại thực phẩm Khẩu phần Hàm lượng kali
Bí đao hoặc bí đỏ luộc 1 chén 896 mg
Khoai lang nướng 1 củ cỡ vừa 694 mg
Khoai tây nướng 1 củ cỡ vừa 610 mg
Đậu trắng đóng hộp Nửa cốc 595 mg
Sữa chua không béo 1 cốc 579 mg
Cá bơn (Halibut) nấu chín 85g 490 mg
Cam ép nguyên chất 250ml 496 mg
Bông cải xanh luộc 1 chén 457 mg
Dưa lưới xắt miếng 1 chén 431 mg
Chuối 1 quả vừa 422 mg
Thịt lợn thăn nấu chín 85g 382 mg
Đậu lăng luộc Nửa cốc 366 mg
Sữa ít béo 250ml 366 mg
Cá hồi nấu chín 85g 326 mg
Hạt dẻ cười rang bóc vỏ 28g 295 mg
Nho khô 1/4 cốc 250 mg
Ức gà nấu chín 85g 218 mg
Cá ngừ đóng hộp 85g thịt nạc 201 mg

Bảng hàm lượng kali có trong một số thức ăn phổ biến.

4. Yếu tố ảnh hưởng đến lượng kali trong cơ thể là gì?

Nồng độ kali trong cơ thể sẽ bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố, bao gồm chức năng thận, hormone và những loại thuốc đang sử dụng, cụ thể:

  • Những bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu để điều trị huyết áp cao có thể cần nhiều kali hơn. Nguyên nhân là vì một số loại thuốc lợi tiểu gây cạn kiệt kali trong máu, tương tự như tác động của Steroid và thuốc nhuận tràng;
  • Ngược lại, các loại thuốc được sử dụng để hạ huyết áp, chẳng hạn như thuốc ức chế beta và thuốc ức chế men chuyển, lại làm tăng nồng độ kali trong cơ thể.
  • Những bệnh nhân có chức năng thận suy giảm có thể cần phải hạn chế lượng kali hàng ngày.

Kali là một trong những khoáng chất thiết yếu với cơ thể con người. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về mức độ tương tác giữa tất cả các dược phẩm đang dùng với nồng độ kali trong cơ thể nhằm có hướng điều chỉnh chế độ ăn uống thích hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

15.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan