Đặc điểm bệnh giang mai giai đoạn 2

Sau khi bị nhiễm trùng ban đầu, vi khuẩn giang mai sẽ đi vào trong máu và gây ra các biểu hiện toàn thân. Đây là giang mai giai đoạn 2, có thể lây lan rất mạnh cũng như truyền từ mẹ sang thai nhi và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị.

1. Bệnh giang mai giai đoạn 2 là gì?

Bệnh giang mai là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn và thường lây lan qua quan hệ tình dục. Bệnh bắt đầu bằng những sang thương trên bộ phận sinh dục, trực tràng hoặc cả trong miệng và lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc với da hoặc màng nhầy trên các vết loét này. Bệnh giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ra bởi một xoắn khuẩn tên là Treponema pallidum.

Bệnh giang mai ở nam giớigiang mai ở nữ giới sẽ biểu hiện qua bốn giai đoạn. Bệnh giai đoạn 1 hay còn gọi giang mai nguyên phát là giai đoạn đầu của bệnh khi chỉ mới gây ra một hoặc nhiều vết loét nhỏ, không đau trong hoặc xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc trong miệng. Nếu không được điều trị ở giai đoạn đầu, bệnh có thể chuyển sang bệnh giang mai giai đoạn 2, còn gọi là bệnh giang mai thứ phát. Nếu vẫn không được điều trị bệnh giang mai thứ phát, bệnh có thể sẽ chuyển sang giai đoạn tiềm ẩn và thậm chí có thể tiến triển đến giai đoạn thứ ba.

Bệnh giang mai giai đoạn 2 vẫn có thể chữa được bằng điều trị nội khoa. Điều quan trọng là cần phải chẩn đoán sớm để được điều trị sớm nhằm ngăn ngừa bệnh tiến triển đến giai đoạn thứ ba, lúc mà có thể không còn chữa được. Khi đó, bệnh đã có thể gây tổn hại cho các cơ quan trong cơ thể, cũng như gây mất trí nhớ, tê liệt hoặc thậm chí tử vong.

2. Các triệu chứng của bệnh giang mai giai đoạn 2 như thế nào?

Bệnh giang mai nguyên phát thường xuất hiện dưới dạng một vết loét. Vết loét này khởi phát ba tuần sau khi bị nhiễm trùng ban đầu, nhưng vẫn có thể xuất hiện ngay sau 10 ngày hoặc muộn nhất là 90 ngày. Sang thương này, còn được gọi là “săng” (dịch từ chữ “chancre”), có kích thước nhỏ, mật độ chắc, tròn và không đau, có vị trí ngay tại nhiễm trùng ban đầu, thường là miệng, hậu môn hoặc bộ phận sinh dục. Người bệnh thậm chí có thể không nhận thấy nó. Nếu không được điều trị, vết thương ban đầu sẽ lành trong một tháng hoặc có khi lâu hơn. Nếu người bệnh không được điều trị trong lần xuất hiện ban đầu của các triệu chứng này, vi khuẩn sẽ đi vào máu và bệnh nhân sẽ chuyển sang mắc bệnh giang mai thứ phát, hay bệnh giang mai giai đoạn 2.

Các triệu chứng của bệnh giang mai thời kỳ 2 phát triển từ hai đến tám tuần sau khi một người bị nhiễm bệnh giang mai nguyên phát. Giai đoạn thứ phát thường được đánh dấu bằng các mảng phát ban trên da nhưng không ngứa.

Thông thường, các mảng da phát ban được quan sát thấy có vảy nhưng cũng có thể được mịn màng. Vị trí ban có thể chỉ giới hạn ở một phần da trên cơ thể hoặc cũng có khi lan rộng ra nhiều phần khác nhau. Đặc điểm của từng ban có thể không đồng nhất với nhau. Tuy nhiên, biểu hiện phổ biến nhất là những đốm sần sùi, màu nâu đỏ ở dưới cùng của bàn chân và trên lòng bàn tay.

Giang mai 2
Triệu chứng của bệnh giang mai giai đoạn 2

Ngoài ra, các triệu chứng khác của bệnh giang mai giai đoạn 2 bao gồm:

  • Viêm họng
  • Sốt
  • Sưng đau hạch bạch huyết
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Đau cơ
  • Các mảng giống như mụn cóc xung quanh nếp gấp trên da hoặc bộ phận sinh dục.
  • Ăn không ngon
  • Đau khớp

Tuy nhiên, đôi khi bệnh giang mai giai đoạn 2 hoàn toàn không có biểu hiện gì mà chỉ tình cờ phát hiện khi xét nghiệm máu. Đây được gọi là “giang mai kín”.

3. Bệnh giang mai giai đoạn 2 được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh giang mai giai đoạn 2 hay bệnh giang mai thứ phát, bác sĩ sẽ dựa trên các đặc điểm thăm khám và khai thác các thông tin về tiền căn trước đó. Nếu bạn có các vết loét trên da, bác sĩ sẽ cần lấy bệnh phẩm và soi dưới kính hiển vi để kiểm tra bản chất của vết loét cũng như có thể tìm thấy tác nhân gây ra bệnh. Trong trường hợp này, có khả năng quan sát được vi khuẩn giang mai sẽ xuất hiện dưới kính hiển vi nếu có ứng dụng kỹ thuật soi kính hiển vi trường tối.

Chẩn đoán bệnh giang mai giai đoạn 2 cũng có thể nhờ vào xét nghiệm máu tìm phản ứng của huyết tương nhanh (rapid plasma reagin - RPR) đối với kháng nguyên giang mai. Đây cũng là một biện pháp đáng tin cậy, phổ biến nhưng chi phí thấp để bác sĩ xác định nhanh xem một người có bị giang mai hay không. Một khi bạn có mắc bệnh, cơ thể người bệnh sẽ tạo ra các kháng thể nhằm chống lại nhiễm trùng. Theo đó, nếu xét nghiệm máu cho thấy sự hiện diện của các kháng thể chống giang mai này thì kết luận được bạn đã bị nhiễm giang mai. Hơn thế nữa, xét nghiệm RPR cũng rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai (bệnh giang mai có thể lây từ mẹ sang con thông qua nhau thai). Bởi lẽ nếu bệnh giang mai không được chẩn đoán và tích cực điều trị thì có thể truyền sang con ngay từ lúc chưa sinh và cũng có thể đe dọa đến tính mạng thai nhi.

4. Bệnh giang mai giai đoạn 2 có dẫn đến biến chứng?

Nếu không điều trị, bệnh giang mai giai đoạn 2 có thể sẽ tiếp tục tiến triển. Thời gian có thể là 10 hoặc 20 năm trước khi đến những tình trạng tồi tệ nhất. Cuối cùng, nếu bệnh giang mai không được điều trị có thể dẫn đến các tổn thương trên não, mắt, tim, thần kinh, xương, khớp và gan. Lúc này, bạn có nguy cơ bị tê liệt, mù, mất trí nhớ hoặc mất toàn bộ các cảm giác trên cơ thể. Ở phụ nữ mang thai, bệnh giang mai không được điều trị cũng có thể dẫn đến thai chết lưu hoặc thai chậm phát triển.

Mặt khác, ngay cả khi đang điều trị bệnh giang mai, người bệnh cũng có nguy cơ bị phản ứng Jarisch-Herxheimer trong vòng 24 giờ sau liều thuốc đầu tiên. Hiện tượng này là khi các ổ nhiễm bị phá vỡ, vi khuẩn giang mai được giải phóng ra, một loạt phản ứng trong cơ thể bị kích hoạt, gây ra các triệu chứng như ớn lạnh, phát ban, sốt, nhịp tim nhanh, thở nhanh, đau đầu, đau cơ, đau khớp và buồn nôn...Có rất nhiều trường hợp gặp phải phản ứng Jarisch-Herxheimer, hầu hết là mức độ nhẹ và tự thuyên giảm. Chỉ một số ít là có khả năng dẫn đến tình trạng nghiêm trọng. Lúc này, người bệnh nên nhập viện để được can thiệp y tế kịp thời.

Ngoài ra, vết thương giang mai sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HIV cũng như các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Bởi vì điều này, người bệnh nên được động viên thực hiện xét nghiệm HIV và các bệnh lý nghi ngờ khác nếu họ đã được chẩn đoán là mắc bệnh giang mai giai đoạn 2.

Giang mai gây mù
Giang mai có thể gây mù mắt

5. Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh giang mai giai đoạn 2?

Mỗi người có thể ngăn ngừa bệnh giang mai giai đoạn 2 bằng cách điều trị triệt để từ khi bệnh giang mai giai đoạn 1 trước khi nó phát triển sang giai đoạn thứ phát.

Điều cốt lõi là phải chủ động ngăn ngừa bệnh giang mai ngay từ ban đầu bằng cách thực hành các hoạt động tình dục an toàn, chẳng hạn như sử dụng bao cao su. Bạn nên thường xuyên chủ động đi kiểm tra bệnh giang mai và các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục khác nếu bạn có những hoạt động quan hệ tình dục không an toàn hoặc với nhiều đối tác.

Như vậy, bệnh giang mai giai đoạn 2 hoàn toàn có thể điều trị được. Nếu không điều trị, người bệnh có nguy cơ tiến đến giai đoạn thứ ba của bệnh giang mai cũng như nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm cả tổn thương não và tử vong. Theo đó, bất kỳ khi nào nghi ngờ, hãy đi khám và xét nghiệm để được điều trị càng sớm càng tốt, bảo vệ sức khỏe cho chính mình cũng như người xung quanh.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec có cung cấp Gói Khám, Sàng lọc các bệnh xã hội giúp cho khách hàng có thể phát hiện sớm các bệnh lý và có hướng điều trị hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Gói khám sàng lọc các bệnh xã hội tại Vinmec dành cho mọi lứa tuổi, cả nam giới và nữ giới.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

33.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan