Để đảm bảo an toàn trong truyền máu

Máu là một chế phẩm sinh học đặc biệt. Máu cũng được xem là một loại thuốc, khi cần dùng phải đúng chỉ định. Bởi lẽ truyền máu cũng tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra tai biến không lường trước được. Chính vì thế, một số nguyên tắc khi truyền máu sau đây cần được tuân thủ nghiêm ngặt để giúp đảm bảo an toàn, tính mạng cho bệnh nhân.

1. Nguyên tắc cấp phát máu

Các đơn vị máu được cấp phát tại phòng dự trữ máu cho nhân viên y tế của khoa lâm sàng nhận về truyền cho người bệnh phải đảm bảo đã được thực hiện các xét nghiệm cơ bản cần thiết như xác định nhóm máu hệ ABO, Rhésus và các bệnh lý truyền nhiễm như HIV, viêm gan siêu vi B, C, sốt rét, giang mai và CMV.

Nhân viên y tế chỉ nhận máu về khi đã thực hiện và cho kết quả là hòa hợp miễn dịch về nhóm máu giữa đơn vị máu và bệnh nhân ngay tại phòng dự trữ máu.

Không được cấp phát, không được nhận và sử dụng các đơn vị máu quan sát thấy thấy các dấu hiệu như thủng, hở, vỡ trên túi đựng máu hay vị trí cắm bộ dây truyền máu; có hiện tượng phân lớp hay vón cục, kết tủa, nổi váng hay thay đổi màu sắc của máu...

2. Nguyên tắc chỉ định truyền máu

Bác sĩ khám bệnh
Bác sĩ điều trị cần thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh lý, phát hiện sớm nhu cầu cần truyền máu ở người bệnh

Bác sĩ điều trị cần thăm khám và đánh giá tình trạng bệnh lý, phát hiện sớm nhu cầu cần truyền máu ở người bệnh.

Bác sĩ điều trị phải chỉ định thực hiện xét nghiệm nhóm máu hệ ABO, Rhésus cho người bệnh có dự kiến cần truyền máu và thực hiện dự trù máu.

Chỉ định truyền máu được đặt ra sau khi đã cân nhắc lợi ích của việc truyền máu có thể đem lại cao hơn những rủi ro có thể xảy ra do truyền máu.

Người bệnh hoặc người nhà cần được bác sĩ tư vấn về lợi ích và nguy cơ có thể xảy ra do truyền máu. Việc truyền máu chỉ được tiến hành khi có sự chấp thuận bằng văn bản của người bệnh hoặc người nhà. Tuy nhiên, trong các trường hợp khẩn cấp cần truyền máu ngay mà không thông qua ý kiến của phía người bệnh, bác sĩ cho chỉ định và phải ghi rõ với sự xác nhận của một nhân viên y tế khác vào hồ sơ bệnh án.

3. Nguyên tắc chuẩn bị trước khi truyền máu

  • Kiểm tra, đối chiếu thông tin mẫu máu nhận về với phiếu dự trù.
  • Luôn xét nghiệm bảo đảm hòa hợp miễn dịch truyền máu giữa mẫu máu người bệnh và túi máu tại giường người bệnh. Bác sĩ lâm sàng chịu trách nhiệm đọc kết quả hòa hợp nhóm máu và quyết định truyền máu.
  • Truyền máu ngay sau khi rã đông, tránh để túi máu quá lâu trong môi trường thường.

4. Nguyên tắc thực hiện và theo dõi truyền máu

Thực hiện kiểm tra, đối chiếu các nội dung cần thiết như thông tin của người bệnh và các thông tin của đơn vị máu như loại chế phẩm máu, nhóm máu, mã số và hạn dùng.

Khi thực hiện việc truyền máu, bệnh nhân cần được theo dõi sát các diễn biến nhằm báo động cho điều dưỡng, bác sĩ phát hiện sớm và kịp thời xử trí các biến chứng liên quan đến truyền máu.

Các chỉ số mạch, nhiệt độ, huyết áp, trạng thái tinh thần của người bệnh được ghi nhận vào các thời điểm trước và trong quá trình truyền máu, ghi rõ vào hồ sơ hay phiếu theo dõi truyền máu. Trong đó, thời gian 15 phút đầu tiên cần đặc biệt lưu ý theo dõi vì các tai biến truyền máu rất thường xảy ra trong khoảng thời gian này.

Phải sử dụng bộ dây truyền chuyên dụng để truyền máu.

Đường truyền máu là đường truyền độc lập, tuyệt đối không được chung đường truyền với các loại thuốc khác. Ngoài ra, túi máu chỉ chứa máu được truyền, không được thêm bất cứ chất gì vào túi máu, ngoại trừ khi có chỉ định dùng dung dịch muối đẳng trương để hoà loãng khối hồng cầu lắng khi truyền.

Truyền máu
Phải sử dụng bộ dây truyền chuyên dụng để truyền máu

5. Nguyên tắc xử trí khi xảy ra các tai biến liên quan đến truyền máu

Bất cứ các dấu hiệu bất thường nào xảy ra trong lúc thực hiện truyền máu, cần tạm hoãn truyền máu ngay lập tức. Điều dưỡng kiểm tra tình trạng của bệnh nhân, bao gồm các chỉ số sinh hiệu, báo cáo ngay cho bác sĩ thăm khám.

Bác sĩ cần nhận định từng trường hợp với mức độ, nguyên nhân của các bất thường để quyết định phải ngừng hẳn việc truyền máu hay giảm tốc độ.

Nếu có chỉ định ngừng hẳn việc truyền máu, đường truyền tĩnh mạch này cần tiếp tục duy trì bằng dung dịch muối đẳng trương, sẵn sàng đường tiếp cận khi có sự cố.

Nếu người bệnh xảy ra các tình huống cấp cứu, cần xử trí cứu chữa người bệnh theo phác đồ đã ban hành. Sau đó, bác sĩ cần khai báo sự cố với cấp lãnh đạo.

Nếu trì hoãn truyền máu quá 4 giờ hay không loại trừ được khả năng xảy ra tai biến có liên quan đến việc truyền máu, đơn vị máu này cần phải hủy bỏ theo quy định bệnh phẩm, không được phép tiếp tục truyền cho người bệnh.

6. Nguyên tắc theo dõi sau khi truyền máu

  • Căn cứ tình trạng của người bệnh và diễn biến trong quá trình truyền máu, bác sĩ điều trị chỉ định việc theo dõi sau khi kết thúc truyền máu.
  • Nếu việc truyền máu thuận lợi, bệnh nhân cần theo dõi các chỉ số sinh hiệu sau truyền máu một giờ đầu. Sau đó, chuyển về chế độ chăm sóc như trước khi truyền máu. Kiểm tra lại chỉ định truyền máu và thực hiện dự trù máu nếu còn chỉ định.
  • Nếu có xảy ra tai biến trong khi truyền máu, chế độ theo dõi tùy vào tình trạng của bệnh nhân.
  • Số đơn vị truyền máu đã truyền và loại chế phẩm sử dụng cần ghi rõ trong hồ sơ giấy tờ ra viện để tiện lợi cho việc theo dõi, truy cứu về sau.

Nói tóm lại, máu là một loại “thuốc” vô cùng đặc biệt, không sản xuất được mà có là nhờ vào người đi hiến. Chính vì thế, nguồn máu vô cùng quý giá và việc truyền máu luôn phải đúng chỉ định và tôn trọng một số nguyên tắc, vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh, vừa đề phòng các tai biến nghiêm trọng có liên quan.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan