Hội chứng ruột ngắn: Ăn uống thế nào?

Những người mắc hội chứng ruột ngắn cần hết sức lưu ý chế độ ăn uống sao cho hợp lý để có thể cải thiện các triệu chứng cũng như nhanh chóng phục hồi sức khỏe đường ruột. Vậy, khi mắc hội chứng ruột ngắn, bạn nên ăn uống như thế nào?

1. Tổng quan về cấu trúc và chức năng của ruột

Trong cơ thể con người, ruột là một cơ quan bao gồm ruột non và ruột già (ruột kết), giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc tiêu hoá thức ăn và giúp cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm cũng như chất lỏng mà bạn tiêu thụ.

  • Ruột non có nhiệm vụ hấp thụ protein, carbohydrate, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nó dài khoảng 15 – 20 feet (4,5 – 6 m) và được chia thành 3 phần. Phần đầu tiên là tá tràng, tiếp theo là hỗng tràng và phần cuối cùng là hồi tràng. Mỗi một phần đều giữ một vai trò nhất định trong quá trình tiêu hoá cũng như hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể.
  • Ruột già giữ chức năng hấp thụ nước cùng các khoáng chất. Trong cơ thể con người, ruột già có chiều dài khoảng 5 feet, tương đương với khoảng 1,5 m.

Một chất dinh dưỡng khác cũng có vai trò quan trọng không kém trong lòng ống tiêu hoá chính là chất xơ. Nó không chỉ có tác dụng điều hoà nhu động ruột, hỗ trợ hấp thụ chất dinh dưỡng mà còn là nguồn nguyên liệu nuôi dưỡng các vi sinh vật có lợi tại đường ruột.

Khi một phần ruột của cơ thể bị cắt bỏ, những phần ruột còn lại sẽ cố gắng tập thích nghi dần bằng cách thay đổi về mặt cấu trúc để có thể đảm bảo quá trình tiêu hoá diễn ra bình thường. Tuy nhiên, cần có một khoảng thời gian nhất định để các phần ruột còn lại có thể thích nghi. Trong trường hợp bạn mới phẫu thuật, cơ thể sẽ khó hấp thụ các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất và chất lỏng hiệu quả như trước khi phẫu thuật.

2. Hội chứng ruột ngắn là gì?

Dinh dưỡng trong hội chứng ruột ngắn
Đầy hơi, chướng bụng là triệu chứng thường thấy của hội chứng ruột ngắn

Hội chứng ruột ngắn là một tập hợp các triệu chứng xảy ra trong khi phần ruột còn lại của bạn chưa kịp thích nghi sau khi phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột. Những người mắc hội chứng ruột ngắn thường có các triệu chứng sau:

  • Đầy hơi, bụng bị chướng nhẹ.
  • Chuột rút.
  • Tiêu chảy, đại tiện phân lỏng hoặc toàn nước.
  • Đại tiện ngay sau bữa ăn hoặc đi nhiều lần trong ngày.
  • Cơ thể bị mất nước, đi tiểu ít, khô da và cảm thấy thường xuyên khát nước.
  • Sụt cân.

3. Người mắc hội chứng ruột ngắn nên ăn uống như thế nào?

Chế độ dinh dưỡng trong hội chứng ruột ngắn là một phần vô cùng quan trọng đối với những bệnh nhân đang trong thời gian chờ ruột hồi phục trở lại sau phẫu thuật.

Dưới đây là những hướng dẫn về dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn mà bạn có thể tham khảo cũng như tuân thủ theo, bao gồm:

  • Ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày: Những người mắc hội chứng ruột ngắn nên ăn từ 6 – 8 bữa nhỏ trong ngày. Việc ăn nhiều bữa nhỏ và đều đặn sẽ ít gây căng thẳng hơn cho các phần ruột còn lại của bạn. Ngoài ra, các bữa ăn nhỏ cũng giúp kiểm soát được các triệu chứng của hội chứng ruột ngắn, đồng thời làm tăng khả năng hấp thụ cũng như tiêu hoá của đường ruột. Một nguyên tắc khi ăn mà bạn cần lưu ý: Ăn chậm và nhai kỹ. Khi các phần ruột còn lại đã thích nghi tốt hơn, bạn có thể quay trở lại ăn 3 bữa chính một ngày.
  • Uống ít nước trong khi ăn: Uống một lượng lớn các chất lỏng trong khi ăn có thể khiến thức ăn đi qua đường ruột nhanh chóng hơn. Điều này sẽ khiến cho cơ thể bạn khó tiêu hoá hoặc hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng. Tốt nhất, bạn không nên uống nhiều nước trong các bữa ăn. Ngoài thức ăn thô, tổng lượng nước cho mỗi bữa ăn của bạn nên ở mức tối đa là 120ml, tương đương với một nửa chén ăn cơm. Nếu trong bữa ăn có các món như canh hoặc súp, bạn nên chia đều lượng chất lỏng này thành từng phần phù hợp trong khi ăn, tránh uống một lượng lớn cùng lúc với nhau. Nhìn chung, bạn nên uống nước hoặc các chất lỏng khác ít nhất 1 giờ trước hoặc sau bữa ăn.
  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể: Một chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn nên bao gồm các nhóm thực phẩm sau đây:
  • Các thực phẩm nhiều chất đạm (protein), bao gồm cá, trứng, bơ đậu phộng, đậu hũ, thịt gia cầm, thịt lợn, thịt bò, thịt cừu và các sản phẩm từ sữa
Dinh dưỡng trong hội chứng ruột ngắn
Chế độ dinh dưỡng trong hội chứng ruột ngắn cần được đặc biệt quan tâm
  • Các thực phẩm chứa nhiều carbohydrate phức hợp tinh chế hoặc ít chất xơ (tinh bột), bao gồm bánh mì trắng, khoai tây bỏ vỏ, khoai lang, ngũ cốc, gạo trắng, mỳ ống, miến hoặc bún. Trong chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn nên có khoảng 750kcal chất bột đường đối với người nặng 50kg.
  • Tiêu thụ vừa phải các thực phẩm chứa chất béo, bao gồm dầu, bơ, bơ thực vật, mayonnaise, sốt kem, sốt salad và các loại nước chấm. Chẳng hạn, bạn có thể tiêu thụ món bánh mì nướng phết một chút bơ hoặc bánh sandwich có sốt mayonnaise. Tuy nhiên, bạn nên tránh tiêu thụ các thực phẩm giàu chất béo như đồ ăn chiên ngập dầu. Nếu bạn đã cắt bỏ một phần lớn hồi tràng, bạn nên ăn các thực phẩm có chất béo vào buổi sáng hơn là vào cuối ngày.
  • Hạn chế các thực phẩm nhiều đường, bao gồm siro ngô, bánh quy, bánh ngọt, socola, kẹo, soda, đồ uống trái cây, mật ong và mạch nha. Bạn có thể sử dụng chất làm ngọt nhân tạo như Sweet N 'Low ® và Splenda ® . Tuy nhiên, nên hạn chế ăn kẹo không đường hoặc thuốc ho có chứa cồn đường như xylitol, sorbitol, isomalt và mannitol. Việc tiêu thụ một lượng lớn các thực phẩm này có thể đem lại tác dụng nhuận tràng, khiến bạn đi tiêu nhiều hơn.
  • Cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể: Những người mắc hội chứng ruột ngắn nên uống ít nhất 8 ly nước vào mỗi ngày. Ngoài ra, nên tránh uống đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh. Bạn cũng nên chọn các loại đồ uống chứa ít đường nhằm hạn chế tình trạng mất nước, chẳng hạn như cà phê, nước, trà, sữa hoặc nước trái cây được pha loãng. Tuy nhiên, một số trường hợp nên cẩn trọng khi uống cà phê vì nó có tác dụng nhuận tràng.

4. Một số lưu ý đặc biệt cho bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn

  • Đối với người không dung nạp lactose: Lactose là một loại đường có chủ yếu trong sữa cũng như các sản phẩm từ sữa. Những người không dung nạp lactose thường có các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, đi phân lỏng, chuột rút hoặc đau rát hậu môn. Các dấu hiệu đáng chú ý này thường bắt đầu xảy ra trong vòng 30 phút sau khi bạn tiêu thụ các sản phẩm sữa. Đối với tình trạng này, tốt nhất bạn nên tuân thủ theo một chế độ ăn uống ít lactose hoặc sử dụng các sản phẩm sữa không chứa lactose.
  • Thực hiện chế độ ăn ít oxalat sau khi phẫu thuật cắt bỏ hồi tràng: Nếu bạn đã thực hiện phẫu thuật cắt bỏ hồi tràng và vẫn còn nguyên phần ruột kết, bạn nên áp dụng một chế độ ăn uống ít oxalat. Thực tế, oxalat là một chất có thể gây ra tình trạng sỏi thận. Vì vậy, bạn nên tránh tiêu thụ những thực phẩm hay đồ uống giàu oxalat như khoai lang, cần tây, nước ngọt có ga, trà, cà phê, các loại hạt, rau xanh lá, các sản phẩm từ đậu nành, quýt, quả mọng, củ cải và mầm lúa mì.
  • Lựa chọn loại chất xơ phù hợp: Đối với những người mới trải qua phẫu thuật, không nên chọn các thực phẩm chứa chất xơ không hoà tan, chẳng hạn như rau củ, gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám, vì chúng thường khó tiêu hoá và khiến cho phân trở nên cồng kềnh hơn. Thay vào đó, bạn nên chọn các thực phẩm chứa chất xơ hoà tan vì nó thường được dung nạp tốt hơn, giúp làm chậm quá trình tiêu hoá và ít gây áp lực lên ruột của bạn. Những thực phẩm giàu chất xơ hoà tan bao gồm các loại hạt khô, trái cây, yến mạch, đại mạch, đậu hạt, đậu nành, đậu thận và đậu lăng.
  • Ăn rau đúng cách: Sau khi thực hiện phẫu thuật, đường ruột của bạn sẽ khó có thể tiêu hoá tốt các loại rau sống. Tốt nhất, bạn chỉ nên ăn những loại rau đã được nấu chín và chỉ nên tiêu thụ khoảng 1⁄2 chén lúc đầu, sau đó, tăng dần số lượng nếu các triệu chứng tiêu hoá được cải thiện. Khi đường ruột đã dần ổn định và thích nghi hơn, bạn có thể thử ăn một chút rau sống. Một số loại rau mà bạn nên tránh tiêu thụ ngay sau khi phẫu thuật bao gồm rau chân vịt, khoai tây bỏ vỏ, cà rốt, rau diếp, dưa chuột bỏ vỏ, cải bắp, bông cải xanh, súp lơ trắng, hành, ngô, cải xoăn, đậu Hà Lan và đậu xanh.
  • Bổ sung vitamin và khoáng chất: Nhằm đảm bảo cơ thể nhận được đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu, bạn có thể uống một viên vitamin tổng hợp vào mỗi ngày. Tuy nhiên, vitamin tổng hợp cần được sử dụng với liều lượng phù hợp được khuyến nghị hàng ngày (RDA).
Dinh dưỡng trong hội chứng ruột ngắn
Người mắc hội chứng ruột ngắn chỉ nên tiêu thụ rau đã được nấu chín

Đối với trường hợp cắt bỏ một đoạn dài hồi tràng, bạn có thể cần phải bổ sung các dạng vitamin A, D và E hoà tan trong nước. Nếu phần cuối cùng của hồi tràng bị cắt bỏ, bạn sẽ cần phải tiêm vitamin B12 trong vòng từ 1 – 3 tháng một lần.

Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung thêm canxi nếu một đoạn dài hồi tràng bị cắt bỏ nhưng phần ruột kết vẫn còn nguyên vẹn. Trong trường hợp bị tiêu chảy, việc bổ sung kali và kẽm có thể giúp bạn cải thiện được tình trạng này. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được tự ý bổ sung kali khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ vì chúng có thể ảnh hưởng đến nhịp tim của bạn.

  • Dung dịch bù nước dạng uống: Nếu bạn bị tiêu chảy nặng, bạn có thể uống dung dịch bù nước nhằm cung cấp cho cơ thể các chất lỏng đã bị mất đi, chẳng hạn như natri và kali.
  • Các chất bổ sung dinh dưỡng dạng lỏng: Nếu cân nặng của bạn bị sụt giảm, bạn nên bổ sung thêm các chất dinh dưỡng dạng lỏng có hàm lượng calo cao. Tuy nhiên, việc lựa chọn các chất bổ sung sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm loại phẫu thuật, rối loạn chuyển hoá hoặc kiểu suy dinh dưỡng.

>>Xem thêm: Liệu pháp dinh dưỡng cho hội chứng ruột ngắn ở bệnh nhân trưởng thành- Bài viết bởi Bác sĩ Mai Viễn Phương - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park

5. Hướng dẫn ghi nhật ký ăn uống cho người mắc hội chứng ruột ngắn

Ghi nhật ký ăn uống mỗi ngày là một trong những biện pháp tốt nhất giúp bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn xác định được loại thực phẩm nào là phù hợp nhất với mình. Trong nhật ký ăn uống, bạn cần ghi chú những thông tin sau đây:

  • Thời gian bạn ăn các bữa ăn chính hoặc bữa phụ.
  • Thời gian bạn uống nước hoặc các chất lỏng khác.
  • Tên của loại thực phẩm hoặc đồ uống mà bạn tiêu thụ.
  • Bạn đã ăn bao nhiêu lượng thức ăn hoặc đồ uống.
  • Các triệu chứng của cơ thể sau khi phẫu thuật.
  • Theo dõi tần suất đi tiêu của mình trong một tuần hoặc một tháng.

Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo: mskcc.org, yhoccongdong.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan