Đối tượng nào dễ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Văn Hùng - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Bệnh tim thiếu máu cục bộ được xem là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh lý tim mạch, chiếm khoảng 40% trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về căn bệnh nguy hiểm này.

1. Bệnh tim thiếu máu cục bộ là gì?

Bệnh tim thiếu máu cục bộ (hay còn gọi là bệnh động mạch vành, bệnh mạch vành tim, thiếu máu cơ tim) là một tình trạng gây ra do động mạch vành bị hẹp hoặc tắc, gây thiếu máu, oxy và các chất dinh dưỡng cho tim.

2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tim thiếu máu cục bộ?

Bệnh tim thiếu máu cục bộ xảy ra khi luồng máu nuôi cơ tim giảm, do sự tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn động mạch vành. Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim chủ yếu do xơ vữa, làm hẹp hoặc tắc hoàn toàn các mạch máu nuôi tim, dẫn đến cơ tim không được cung cấp đầy đủ oxy. Một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng co thắt mạch vành dẫn tới thiếu máu cơ tim là hút thuốc lá, căng thẳng thần kinh,...

bệnh tim thiếu máu cục bộ
Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim chủ yếu do xơ vữa

3. Ai dễ bị bệnh tim thiếu máu cục bộ?

Những người dễ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ bao gồm:

  • Nam giới > 45 tuổi, nữ giới > 55 tuổi (bởi phụ nữ < 55 tuổi thường còn kinh nguyệt, buồng trứng còn tiết ra nội tiết tố có tác dụng bảo vệ lớp nội mạc mạch máu và hạ mỡ máu, nên ít có nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ).
  • Hút thuốc lá.
  • Tăng huyết áp.
  • Đái tháo đường.
  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động.
  • Thường xuyên căng thẳng, lo lắng.

4. Biểu hiện khi mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ?

Bệnh tim thiếu máu cục bộ gồm có 2 thể: thể không có đau ngựcthể có đau ngực, với các triệu chứng khác nhau:

  • Thể không có đau ngực: còn gọi là bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng, hay gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, người cao tuổi. Người bệnh hoàn toàn không đau ngực, bệnh chỉ được phát hiện khi làm điện tâm đồ. Do đó đa số bệnh nhân có tâm lý chủ quan, không quan tâm tới điều trị, dẫn đến nguy cơ bị biến chứng nhồi máu cơ tim, tử vong đột ngột rất cao.
  • Thể có đau ngực:
    • Cảm giác đau ở ngực trái vùng trước tim, đôi khi chỉ thấy khó chịu hoặc cảm giác đè nặng vùng sau xương ức, lan đến cổ, hàm, vai trái và cánh tay trái. Các cơn đau thường giảm đi khi nghỉ ngơi hay khi ngậm hoặc xịt thuốc giãn mạch vành.
    • Có thể kèm theo cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn, choáng váng...
    • Thời gian đau thường chỉ vài giây đến vài phút (thông thường không quá 5 phút), nếu kéo dài quá 15 - 20 phút thì phải nghĩ đến nhồi máu cơ tim và cần mau chóng tới gặp bác sĩ.
    • Giai đoạn đầu của bệnh, đau ngực chỉ xuất hiện khi gắng sức (sau khi làm việc nặng, sau khi đi một quãng đường dài, khi xúc động mạnh,...), về sau, cơn đau xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi. Nếu cơn đau xuất hiện lúc nghỉ ngơi mà hoàn toàn không chịu tác động nào khác thì đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nguy hiểm, người bệnh cần được theo dõi và điều trị tích cực để tránh nhồi máu cơ tim dẫn tới tử vong.

5. Làm thế nào để phòng ngừa bệnh tim thiếu máu cục bộ?

Bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể phòng ngừa bằng một lối sống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và kiểm soát các bệnh lý nền:

  • Lối sống lành mạnh sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, bao gồm:
    • Không hút thuốc lá
    • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, tập đủ cường độ, phù hợp thể trạng cá nhân.
    • Duy trì cân nặng lý tưởng, tránh thừa cân và béo phì.
    • Giảm căng thẳng càng nhiều càng tốt.
  • Chế độ ăn hợp lý: hạn chế chất béo bão hòa, ăn nhiều ngũ cốc, hoa quả, rau xanh...
  • Điều trị các bệnh lý nền làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim thiếu máu cục bộ (như đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng cholesterol máu).
bệnh tim thiếu máu cục bộ
Lối sống lành mạnh phòng ngừa bệnh tim thiếu máu cục bộ

6. Bệnh tim thiếu máu cục bộ có điều trị được không?

Bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể điều trị được. Tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra những chỉ định phù hợp, như nong mạch vành và đặt stent (can thiệp mạch vành qua da - PCI), nếu nặng có thể phẫu thuật bắc cầu động mạch vành,...

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan