[Vinmec - Hỏi đáp cùng chuyên gia] Số 01: Chủ đề mất ngủ (Phần 4)

Mất ngủ là nỗi ám ảnh của nhiều người. Khi bị mất ngủ, khó ngủ, giấc ngủ của chúng ta không được đảm bảo, đồng nghĩa với việc rối loạn hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Dưới đây là những câu hỏi liên quan đến mất ngủ được các bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec giải đáp.

Các câu hỏi được tư vấn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long - Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Câu hỏi 24: Bạn Ngô Ngọc Mai (Địa chỉ email: Maingoc12...@gmail.com ) Chào bác sĩ. Nửa năm nay tôi bị mất ngủ triền miên. Thời gian đầu mỗi đêm tôi chỉ ngủ được 2 - 3 tiếng, nhưng sau thì gần như thức trắng. Ban ngày tôi rất mệt mỏi, khó tập trung, mắt thâm quầng. Từ ngày bị mất ngủ tôi giảm cân nhanh, trí nhớ giảm sút rõ rệt, việc vừa làm xong đã quên ngay. Ngoài ra tôi rất dễ xúc động, buồn vui vô cớ. Liệu có phải tôi bị mất ngủ dẫn đến trầm cảm không?

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Chào bạn! Giấc ngủ vô cùng quan trọng. Giấc ngủ tốt bao gồm hai yếu tố là thời gian ngủ và chất lượng giấc ngủ. Các vấn đề sức khỏe tâm thần, trong đó có trầm cảm có thể là nguyên nhân khiến bạn mất ngủ.

Mất ngủ dẫn đến trầm cảm do giấc ngủ bị gián đoạn có thể ảnh hưởng đến mức độ dẫn truyền thần kinh, não sẽ giải phóng kích thích tố căng thẳng. Điều đó cho thấy việc giấc ngủ bị gián đoạn có thể tàn phá não gây ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, điều chỉnh cảm xúc và có thể gây nên các vấn đề tâm lý.

Mất ngủ dẫn đến trầm cảm có các dấu hiệu: Khó đi vào giấc ngủ, trằn trọc, chập chờn trong giấc ngủ, thời gian ngủ không đủ, người mệt mỏi, uể oải, tinh thần suy nhược. Ngoài ra mất ngủ dẫn đến trầm cảm còn đi kèm một số triệu chứng khác như nhức đầu, mệt mỏi, hồi hộp, táo bón, đau dạ dày,...

Bạn cần đến khám bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám điều trị. Sau khi bác sĩ tiến hành điều trị nguyên nhân trầm cảm thì vấn đề mất ngủ cũng nhanh chóng được kiểm soát.

Để phòng ngừa mất ngủ dẫn đến trầm cảm cần đảm bảo chất lượng cuộc sống tinh thần, tránh những nguyên nhân gây mất ngủ, hạn chế những lo âu, stress, căng thẳng hàng ngày gây sang chấn tâm lý. Tránh lạm dụng chất kích thích, gây nhiều nguy cơ tổn hại sức khỏe cả về thể chất và tinh thần. Thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý.

25: Bạn Hoàng Minh Tuấn (25 tuổi, Đống Đa, Hà Nội): Chào các bác sĩ. Mẹ em nay đã 60 tuổi và bị mất ngủ mãn tính đã ba năm nay. Mỗi đêm rất khó đi vào giấc ngủ, ngủ được 1 - 2h lại tỉnh, sáng tỉnh sớm khó ngủ tiếp. Em có nghe nói ngồi thiền chữa bệnh mất ngủ nên muốn động viên mẹ tham gia nhưng không biết có tốt thật không. Mong bác sĩ tư vấn thêm về phương pháp này. Em cảm ơn ạ.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Chào bạn! Theo các nhà tâm lý học, việc ngồi thiền giúp chúng ta bình tĩnh, kiềm chế cảm xúc tốt hơn. Đồng thời cơ thể cũng ở trạng thái tĩnh tâm, não bộ được nghỉ ngơi hoàn toàn. Từ đó, cơ thể dần phục hồi và cân bằng tâm sinh lý. Vì vậy, trong lúc thiền định, chúng ta có thể xem xét lại mọi sự việc một cách sáng suốt để tìm cách giải quyết. Hoặc giúp gạt bỏ đi những phiền muộn, lo lắng để tập trung vào giấc ngủ.

Ngồi thiền chữa bệnh mất ngủ mang lại nhiều lợi ích như:

  • Điều hòa sinh lý và nhịp sinh học tự nhiên.
  • Giúp đưa cơ thể dễ đi vào giấc ngủ.
  • Nâng cao chất lượng giấc ngủ (ngủ ngon và sâu giấc hơn).
  • Tạo thói quen ngủ đúng, đủ giấc.
  • Đẩy lùi những căn bệnh về thể chất và tinh thần.
  • Hỗ trợ cho quá trình điều trị mất ngủ lâu dài.

Tuy nhiên, ngồi thiền chữa bệnh mất ngủ là liệu pháp tác động đến tư tưởng, tâm lý của người bệnh để hỗ trợ đáng kể việc cải thiện tình trạng mất ngủ về mặt tâm lý. Còn tổn thương bên trong cần được tác động trực tiếp hơn để điều trị tận gốc nguyên căn gây nên bệnh mất ngủ.

Chính vì thế, để có thể điều trị mất ngủ hiệu quả, người bệnh cần kết hợp với những phương pháp chuyên biệt hơn. Bạn đến đi khám chuyên khoa để được bác sĩ chẩn đoán và đưa ra liệu pháp điều trị chính xác nhất.

Thiền
Ngồi thiền giúp cơ thể dễ đi vào giấc ngủ

26: Độc giả Nguyễn Văn Giang (49 tuổi, Hạ Long, Quảng Ninh): Chào bác sĩ, tôi sinh năm 1970. Từ hai năm nay tôi thường xuyên đối mặt với chứng mất ngủ. Ban đầu các giấc ngủ ngắn, hay thức giấc, càng về sau tôi càng khó ngủ hơn, có đêm gần như thức trắng. Được động viên, tôi đã đi khám bệnh viện được bác sĩ đo điện tim, chẩn đoán rối loạn lo âu mức độ nhẹ và mất ngủ mãn tính. Sau khi uống thuốc các triệu chứng có giảm nhưng chưa nhiều, tôi vẫn khó đi vào giấc ngủ và hay tỉnh giấc khó ngủ lại. Xin bác sĩ tư vấn cách trị mất ngủ mãn tính hiệu quả để tôi có thể hồi phục sức khỏe. Tôi xin cảm ơn!

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Chào bạn! Mất ngủ là tình trạng khó vào giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ vào ban đêm, thức giấc sớm và không ngủ lại được. Mất ngủ dưới 1 tháng gọi là mất ngủ cấp tính và mất ngủ trên 1 tháng là mất ngủ mãn tính. Cách tốt nhất để trị mất ngủ mãn tính là cần phải tìm được nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ này.

Có một số biện pháp điều trị mất ngủ mãn tính bao gồm:

  • Liệu pháp tâm lý: Phương pháp này có vai trò rất quan trọng trong trị mất ngủ mãn tính.
  • Thư giãn đơn giản như: ngồi thiền, luyện khí công, yoga, tập dưỡng sinh, ...đều hiệu quả để chữa trị chứng mất ngủ.
  • Thực hiện nếp sống và chế độ ăn uống điều độ, tinh thần lạc quan, thường tham gia các hoạt động cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ, theo đuổi một hay vài thú tiêu khiển lành mạnh cũng là những yếu tố giúp loại bỏ chứng mất ngủ.
  • Ăn một số loại thức ăn bổ dưỡng điều trị mất ngủ như Trà hoa cúc, bột yến mạch hoặc thịt gà vào bữa tối, một cốc mật ong ấm trước khi ngủ....giúp khắc phục bệnh mất ngủ mãn tính.
  • Điều trị bằng thuốc Tây y: Sử dụng các thuốc an thần hỗ trợ điều trị mất ngủ mãn tính, tuy nhiên về lâu dài, tác dụng phụ là điều khó tránh.
  • Điều trị bằng thuốc Đông y lại thường dùng các thảo dược hoạt huyết, thông mạch, dưỡng não, bổ huyết giúp người bệnh dần dần khắc phục những triệu chứng của mất ngủ.
  • Tập thể dục, thể thao thường xuyên.

Bạn nên thăm khám tại các chuyên khoa Tâm lý - Thần kinh để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị mất ngủ mãn tính chính xác nhất.

27: Bạn Ngô Ngọc Anh (30 tuổi, KĐT Linh Đàm, Hà Nội) Bác sĩ ơi tôi nghe nói ăn socola mất ngủ phải không? Các cháu nhà tôi rất thích ăn socola trước khi đi ngủ. Hiện được nghỉ hè nên giờ ngủ của các con có phần bị xáo trộn nên tôi đang không rõ có phải vì ăn socola nữa không, nhờ bác sĩ trả lời giúp.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Socola là hỗn hợp giữa cacao và bơ cacao, đường, sữa và những chất phụ gia khác vào, cuối cùng được đóng thành dạng thanh. Ăn socola đúng cách sẽ rất tốt cho sức khỏe, chúng tác động tích cực đến hệ tuần hoàn, có tác dụng chống ung thư, kích thích não, trị bệnh ho và chống tiêu chảy.

Tuy nhiên, chúng ta không nên sử dụng quá nhiều socola vì ăn socola có thể gây mất ngủ vào ban đêm. Sở dĩ ăn socola mất ngủ vì trong socola có chứa nhiều tyrosine.

Tyrosine sẽ chuyển hóa thành chất kích thích dopamine. Chất này khiến cho bạn luôn cảm thấy tỉnh táo, hưng phấn vào ban đêm, nằm lên trở xuống không ngủ được và là nguyên nhân ăn socola mất ngủ về đêm.

Chocolate
Ăn socola quá nhiều có thể gây mất ngủ vào ban đêm

28: Bạn Trần Mỹ Duyên (20 tuổi, địa chỉ huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh): Bác sĩ cho cháu hỏi tác hại của mất ngủ là như thế nào ạ? Mẹ cháu hơn 50 tuổi, tối ngủ muộn, sáng dậy sớm vì không ngủ được mà bảo đi khám cứ không chịu nghe. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp các tác hại của mất ngủ để cháu thuyết phục mẹ cháu với. Cháu cảm ơn!

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Chào bạn! Mất ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ xảy ra phổ biến không chỉ ở người cao tuổi mà có cả người trẻ. Mất ngủ do nhiều nguyên nhân gây ra. Dù là nguyên nhân nào nếu không được điều trị đúng cách thì sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là 10 tác hại của mất ngủ:

  1. Thiếu ngủ liên quan đến nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn.
  2. Thiếu ngủ làm vết thương trên da khó lành và da cũng dễ lão hóa hơn.
  3. Thiếu ngủ khiến bạn khó kiểm soát ham muốn, có khả năng dẫn đến những hành vi không lành mạnh và tăng cân.
  4. Mọi người cảm thấy cô đơn hơn sau những đêm không ngủ. Mất ngủ khiến con người khó kiểm soát cảm xúc hơn.
  5. Thiếu ngủ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường type 2.
  6. Buồn ngủ khiến bạn khó chịu và cáu kỉnh.
  7. Thiếu ngủ có thể gây ra ảo giác, rất nguy hiểm khi tham gia giao thông.
  8. Những người bị thiếu ngủ phản ứng chậm với mọi thứ xung quanh.
  9. Hệ miễn dịch không hoạt động tốt khi bạn mệt mỏi.
  10. Người thiếu ngủ dễ bị trầm cảm hơn. Vậy nên việc điều trị trầm cảm cũng thường bao gồm điều trị mất ngủ.

Để hạn chế những tác hại của mất ngủ. Bạn nên đến khám tại các bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra biện pháp điều trị phù hợp.

29 Bạn Trần Linh Chi (Ba Đình, Hà Nội): Chào bác sĩ, Tôi 28 tuổi Thời gian gần đây do áp lực công việc nên tôi hay bị mất ngủ, hai hôm nay có hiện tượng buồn nôn. Dù mắt muốn ngủ nhưng không thể đi vào giấc ngủ, kèm cảm giác buồn nôn và nôn. Chỉ cần một động tác nhỏ như ho, nuốt nước bọt...là lại nôn. Bác sĩ có thể cho biết mất ngủ buồn nôn là bệnh gì và có thể chữa được không? Tôi đã đi nội soi dạ dày đại tràng kết quả âm tính. Tôi cũng chưa có gia đình nên cũng không phải có em bé.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Chào bạn! Mất ngủ buồn nôn không chỉ ảnh hưởng thể trạng người bệnh mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nếu hiện tượng này kéo dài. Theo bạn miêu tả, hiện tượng mất ngủ buồn nôn có thể do các nguyên nhân sau:

  • Do bệnh lý đa khoa: bệnh khớp, tim mạch, huyết áp, dạ dày...
  • Do bệnh lý tâm thần: trầm cảm, hưng cảm, rối loạn lo âu, sa sút trí tuệ...
  • Do suy giảm nội tiết tố trong cơ thể cũng có thể gây ra hiện tượng ngủ không sâu giấc.

Để ngăn ngừa mất ngủ buồn nôn, trước tiên cần điều trị triệt để những bệnh lý đang mắc phải. Ngoài ra, cũng cần tạo dựng các thói quen giúp dễ ngủ và có giấc ngủ sâu. Bạn có thể tham khảo những phương pháp sau:

  • Tập đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Ban ngày, chỉ nên chợp mắt 15-30 phút vào buổi trưa, không nên ngủ ngày vì sẽ làm cho bạn khó ngủ ban đêm.
  • Không nên ăn tối quá no sẽ dẫn đến hiện tượng mất ngủ buồn nôn.
  • Tránh uống rượu, cà phê, hút thuốc lá vào buổi tối. Caffein trong cà phê và nicotin trong thuốc lá là chất kích thích làm khó ngủ. Rượu làm bạn thức giấc nửa đêm và giảm chất lượng giấc ngủ.
  • Tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày. Tránh tập gần lúc ngủ vì có thể kích thích làm khó ngủ. Nên tập xong 3-4 giờ trước khi ngủ.
  • Sắp xếp phòng ngủ cho thoải mái, đủ tối, yên tĩnh, không quá nóng hay quá lạnh.
  • Không làm việc trong giường/phòng ngủ.
  • Nếu không ngủ được hay không buồn ngủ, hãy ngồi dậy đọc hay làm điều gì đó (không quá kích động) cho đến khi thấy buồn ngủ.
  • Nếu có nhiều việc phải lo, hãy viết ra thành một danh sách các việc cần làm rồi đi ngủ lại.

Nếu tình trạng mất ngủ buồn nôn kéo dài, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị chính xác.

Bia rượu
Tránh uống rượu bia nhiều vào buổi tối

30: Bạn Phạm Tuyết Ngọc (18 tuổi, địa chỉ email Phamtuyetngoc...@gmail.com) Chào bác sĩ, Mẹ con sinh năm 1965, từ năm năm nay mẹ con thường bị mất ngủ kinh niên, đêm ngủ chập chờn, sáng nhanh tỉnh giấc. Vì bị mất ngủ kinh niên nên sức khỏe mẹ con bị ảnh hưởng đáng kể, mẹ thường xuyên mệt mỏi do thiếu ngủ, ăn uống kém, thường hay quên, da xanh xao. Gia đình con đã áp dụng nhiều biện pháp cải thiện giấc ngủ cho mẹ như đi ngủ sớm, tập dưỡng sinh, uống thực phẩm chức năng hỗ trợ giấc ngủ nhưng tình trạng mất ngủ kinh niên không được cải thiện. Xin bác sĩ cho biết làm thế nào để điều trị mất ngủ kinh niên hiệu quả? Con xin cảm ơn.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thành Long (Phòng khám tâm lý - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City): Chào bạn! Giấc ngủ có vai trò quan trọng trong việc ổn định các hoạt động sinh lý của cơ thể. Giấc ngủ bình thường được phân làm 2 giai đoạn nối tiếp nhau: Giai đoạn ngủ nông và ngủ sâu. Giai đoạn ngủ nông chiếm 1⁄4 giấc ngủ, ở giai đoạn này người ngủ tỉnh, dễ thức giấc và hay mơ mộng. Giai đoạn ngủ sâu chiếm 3⁄4 giấc ngủ, người ngủ ngủ say, khó tỉnh giấc và không mơ. Rối loạn giấc ngủ xảy ra khi giai đoạn ngủ nông bị kéo dài, giai đoạn ngủ sâu rút ngắn, gây cảm giác chưa được ngủ, mệt mỏi khi thức giấc.

Mất ngủ kinh niên kéo dài làm suy giảm miễn dịch, sức khỏe, toàn thân mệt mỏi, tai nghe không rõ, trí nhớ giảm sút, tập trung kém, tinh thần bất ổn, dễ bị kích động, phiền muộn...

Để điều trị mất ngủ kinh niên cần xác định được nguyên nhân gây mất ngủ. Khi đã xác định được nguyên nhân thì cố gắng loại bỏ nguyên nhân mất ngủ như:

  • Nếu là nguyên nhân do sinh hoạt (uống rượu, bia, thay đổi, múi giờ, lo âu...) thì phải điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt.
  • Nếu do các nguyên nhân thực thể (bệnh tật, đau đớn, khó chịu...) cần chữa bệnh mới trị được mất ngủ.
  • Nếu nguyên nhân do không gian sống: Cần tạo một tâm lý thoải mái trước khi ngủ, địa điểm yên tĩnh, không khí thoáng, trong lành, nhiệt độ thích hợp, giường chiếu, chăn đệm phải thích hợp cho giấc ngủ sâu.

Bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc Đông dược và Tân dược, Liệu pháp tâm lý để điều trị mất ngủ kinh niên tuy nhiên cần tuyệt đối nghe theo chỉ dẫn của Bác sĩ.

Các câu hỏi của bạn đọc chưa được giải đáp sẽ được Vinmec phản hồi qua email. Mời bạn tham gia đặt câu hỏi cho bác sĩ trong chủ đề tiếp theo: Sức khỏe trẻ em mùa nắng nóng sẽ diễn ra vào ngày 24/07!

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan