Khi nào nên xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Tiền đái tháo đường là căn bệnh thường gặp trong cuộc sống hiện đại, do lượng glucose trong máu vượt ngưỡng quy định. Xét nghiệm tiền đái tháo đường là cách hiệu quả nhất để phát hiện bệnh. Vậy khi nào nên xét nghiệm tiền đái tháo đường?

1. Tiền đái tháo đường là gì?

Tiền đái tháo đường là tình trạng rối loạn glucose khi đói hoặc rối loạn dung nạp glucose. Người bị tiền tiểu đường có lượng đường trong máu cao hơn mức bình thường nhưng chưa cao tới mức chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Nói cách khác, tiền đái tháo đường là mức cảnh báo, là dấu hiệu cho thấy người bệnh có nguy cơ mắc tiểu đường týp 2.

  • Lượng đường trong máu khi đói của người bình thường là từ 70 - 100 mg/dL.
  • Lượng đường trong máu khi đói của người bị tiền đái tháo đường là từ 100 - 125 mg/dL.
  • Lượng đường trong máu khi đói của người bị tiểu đường là trên 126 mg/dL.

Nếu người mắc tiền đái tháo đường không kiểm soát được lượng đường trong máu khiến glucose trong máu tiếp tục tăng thì có thể dẫn tới tiểu đường týp 2, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

2. Khi nào nên xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Tiền đái tháo đường không có triệu chứng rõ ràng. Vì thế người bệnh thường khó phát hiện những dấu hiệu bất thường để chủ động xét nghiệm tiền đái tháo đường. Hầu hết các trường hợp xác định tiền đái tháo đường đều được chẩn đoán một cách tình cờ khi khám sức khỏe định kỳ hoặc xét nghiệm máu.

xét nghiệm ĐTĐ
Tiền đái tháo đường được xác định thông qua thử máu, kiểm tra lượng đường trong máu khi đói

Những người dễ có nguy cơ mắc tiểu đường týp 2 sẽ có khả năng cao mắc tiền đái tháo đường. Bao gồm:

  • Người thừa cân, béo phì
  • Người ít vận động thể lực
  • Người trên 50 tuổi
  • Gia đình có tiền sử bị tiểu đường týp 2
  • Phụ nữ đã từng bị tiểu đường thai kỳ

Nếu bạn thuộc 1 trong số các đối tượng trên và có các biểu hiện như hay buồn ngủ, người mệt mỏi, tăng cân quanh vùng bụng thì nên đi xét nghiệm máu để xác định có mắc tiền đái tháo đường không.

Tiền đái tháo đường được chẩn đoán khi có một trong các rối loạn sau đây:

- Rối loạn đường huyết đói (impaired fasting glucose: IFG): Glucose huyết tương lúc đói từ 100 (5,6mmol/L) đến 125 mg/dL (6,9 mmol/L), hoặc

- Rối loạn dung nạp glucose (impaired glucose tolerance: IGT): Glucose huyết tương ở thời điểm 2 giờ sau khi làm nghiệm pháp dung nạp glucose bằng đường uống 75 g từ 140 (7.8 mmol/L) đến 199 mg/dL (11 mmol/L), hoặc

- HbA1c từ 5,7% (39 mmol/mol) đến 6,4% (47 mmol/mol).

Những tình trạng rối loạn glucose huyết này chưa đủ tiêu chuẩn để chẩn đoán đái tháo đường nhưng vẫn có nguy cơ dẫn đến mắc đái tháo đường, được gọi là tiền đái tháo đường.

3. Tiền đái tháo đường có chữa được không?

Tiền đái tháo đường có thể điều trị bằng hai biện giảm cân và tăng cường vận động, luyện tập thể dục. Giảm 10% cân nặng và tập thể dục đều đặn 3 - 4 ngày/tuần, mỗi ngày 30 phút sẽ giúp ổn định được lượng glucose trong máu.

Không những điều trị được tiền đái tháo đường mà hai biện pháp này còn giúp nâng cao sức khỏe, cải thiện các vấn đề về huyết áp, xương khớp...

Trường hơp tiền đái tháo đường chuyển biến thành tiểu đường týp 2 sẽ rất khó điều trị dứt điểm, người bệnh ngoài việc thay đổi lối sống, ăn uống lành mạnh còn cần đến sự hỗ trợ của thuốc.

4. Người bị tiền đái tháo đường nên ăn gì?

ăn gì
Người bị tiền đái tháo đường nên kiểm soát cân nặng bằng việc ăn nhiều chất xơ

Người bị tiền đái tháo đường cần kiểm soát cân nặng, vì thế nên áp dụng chế độ ăn uống khoa học, tăng cường chất xơ, hạn chế đồ ngọt, các chất béo.

Những lưu ý trong chế độ ăn của người tiền đái tháo đường bao gồm:

  • Ăn nhiều chất xơ: rau củ quả, trái cây
  • Nên ăn cá 2 lần/tuần
  • Ăn thịt nạc với lượng ăn vừa phải, đủ để cung cấp lượng protein cần thiết cho cơ thể. Có thể thay thế protein từ thịt bằng protein từ thực vật sẽ tốt hơn.
  • Hạn chế đồ chiên rán, đồ ăn có nhiều dầu mỡ
  • Không ăn các loại thức ăn nhanh, chứa nhiều chất béo
  • Ăn nhiều salad hoặc các loại hạt cơ vỏ cứng
  • Tránh các thức ăn chứa carbohydrat tinh chế
  • Uống nhiều nước lọc hoặc nước dừa
  • Hạn chế uống nước trái cây, ăn các loại trái cây ngọt như: xoài, sầu riêng...
  • Hạn chế bia rượu, cà phê, nước ngọt.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

50.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: