Lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) trong chẩn đoán bệnh hen suyễn

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Văn Đĩnh - Trưởng Đơn nguyên Hô hấp - Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Hen suyễn là tên gọi dân gian của hen phế quản. Đây là bệnh lý hô hấp mãn tính có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh xảy ra do cơ thể phản ứng với các dị ứng nguyên, liên quan đến các yếu tố di truyền và các tác nhân từ môi trường bên ngoài. Hiện nay, phương pháp đo lưu lượng đỉnh thở ra là nghiệm pháp phổ biến đem lại hiệu quả cao trong chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh hen suyễn.

1. Lưu lượng thở ra đỉnh là gì?

Lưu lượng đỉnh thở ra (PEF) là lưu lượng khí tối đa một người có thể thở ra. Lưu lượng đỉnh là chỉ số đơn giản, dễ thực hiện, có độ tin cậy khá cao trong chẩn đoán và đánh giá tình trạng hen phế quản, giúp người bệnh có thể theo dõi tình trạng bệnh tại nhà.

Đo lưu lượng đỉnh thường được thực hiện tại nhà bằng một thiết bị cầm tay không đắt tiền gọi là lưu lượng đỉnh kế. Cả hai loại thiết bị dùng bằng điện và không dùng điện đều đang được bày bán trên thị trường. Thiết bị này rất dễ sử dụng và hầu hết bệnh nhân lớn hơn 5 tuổi đều có thể tự đo và đọc kết quả chính xác.

Những trường hợp cần theo dõi lưu lượng thở ra đỉnh:

Dùng để chẩn đoán hen suyễn:

  • Có triệu chứng hen + hô hấp ký bình thường.
  • Có triệu chứng hen + không đo được hô hấp ký.
  • Chẩn đoán hen nghề nghiệp: thay đổi PEF ở nơi làm việc và tại nhà.

Dùng để đánh giá mức độ kiểm soát hen suyễn:

Đặc biệt là trên bệnh nhân hen nhận biết triệu chứng hen kém.

2. Cách đo lưu lượng đỉnh thở ra

Lưu lượng đỉnh thở ra
Kiểm tra lưu lượng đỉnh thở ra PEF được thực hiện bằng một lưu lượng đỉnh kế

Kiểm tra lưu lượng đỉnh PEF được thực hiện bằng một lưu lượng đỉnh kế. Đây là một dụng cụ cầm tay đơn giản với một ống thổi ở một đầu và thang đo ở một đầu khác. Một mũi tên bằng nhựa nhỏ chuyển động khi không khí được thổi vào ống, đo tốc độ dòng không khí.

Các bước tiến hành đo lưu lượng đỉnh thở ra:

  • Người bệnh có thể ngồi xuống hoặc giữ ở tư thế đứng
  • Cài đặt lại về mức 0 trên lưu lượng đỉnh kế
  • Sau khi hít sâu hết sức, miệng ngậm kín vào đầu ống thổi bạn thở ra nhanh, mạnh vào lưu lượng đỉnh kế, bỏ lưu lượng đỉnh kế ra khỏi miệng trước khi hít vào thì tiếp theo.
  • Tiến hành lặp lại động tác thêm lần 2 theo các bước trên, mỗi lần cách nhau tối đa 2 giây
  • Ghi nhận chỉ số đo cao nhất

Chỉ số lưu lượng đỉnh tốt nhất là thông số ghi nhận khi người bệnh đã kiểm soát được cơn hen suyễn (hoàn toàn không khó thở, hoàn toàn thoải mái) trong 2 tuần. Số đo thấp hơn chỉ số tốt nhất là dấu hiệu báo động của cơn hen.

Chú ý: Nếu ho hoặc hắt hơi khi thở ra, người bệnh sẽ cần phải bắt đầu thực hiện lại.

Để xác định “Thể trạng tốt nhất của bản thân”, nên đo lường lưu lượng đỉnh:

  • Ít nhất hai lần một ngày trong vòng 2 đến 3 tuần;
  • Vào buổi sáng khi thức dậy và vào cuối buổi chiều hay đầu buổi tối;
  • 15 đến 20 phút sau khi sử dụng thuốc đồng vận beta 2 dạng hít, tác dụng nhanh (thuốc hen suyễn).

3. Chỉ số PEF trong hen phế quản

Lưu lượng đỉnh thở ra
Tình trạng bệnh hen phế quản phải được chẩn đoán chính xác, phân loại 4 mức độ từ nhẹ đến nặng

Để điều trị hen suyễn bằng thuốc hiệu quả cần có sự đánh giá độ nặng nhẹ của bệnh. Tùy theo triệu chứng lên cơn hen, tùy vào lưu lượng đỉnh thở ra (PEF: Peak Expiratory Flow)) khi đo bằng lưu lượng đỉnh kế có 4 mức từ nhẹ đến nặng như sau (theo hướng dẫn GINA):

  • Mức 1 (hen suyễn từng cơn): triệu chứng < 1 lần/tuần, triệu chứng về đêm < 2 lần/tháng, PEF >80% giá trị lưu lượng thở bình thường.
  • Mức 2 (hen suyễn liên tục nhẹ): triệu chứng > 1 lần/tuần, triệu chứng về đêm > 2 lần/tháng, PEF >80% giá trị lưu lượng thở bình thường.
  • Mức 3 (hen suyễn liên tục trung bình): triệu chứng xảy ra mỗi ngày, triệu chứng ban đêm > 1 lần/tuần, PEF = 60 - 80% giá trị lưu lượng thở bình thường.
  • Mức 4 (hen suyễn liên tục nặng): triệu chứng liên tục làm hạn chế sinh hoạt, triệu chứng ban đêm thường xuyên hành hạ người bệnh, PEF < 60% giá trị lưu lượng thở bình thường.

Lưu lượng đỉnh PEF đo tốc độ bạn có thể thở ra khi gắng hết sức. Kết quả từ phép đo sẽ được so sánh với trị số bình thường được đính kèm theo máy. Những trị số PEF bình thường này khác nhau theo tuổi, giới tính, chiều cao và chủng tộc. Bạn hãy dựa vào đó để tìm ra khoảng bình thường của mình. Nếu bạn thấy kết quả của mình nhỏ hơn khoảng bình thường, hãy báo cho bác sĩ để được khám lại. Thông thường, chỉ số lưu lượng đỉnh thở ra dao động nhẹ trong ngày. Nó thường thấp vào buổi sáng và cao hơn vào buổi chiều. Chỉ số PEF trong hen phế quản nặng dao động rất lớn trong ngày.

Lưu lượng đỉnh có vai trò trong chẩn đoán hen phế quản, đặc biệt ở những cơ sở không có phương tiện đo chức năng hô hấp. Mặt khác, lưu lượng đỉnh là phương tiện hữu ích giúp người bệnh và bác sỹ theo dõi bệnh, đánh giá điều trị, dự đoán cơn hen cấp để có thể điều trị kịp thời và phù hợp

Hen phế quản là bệnh viêm mạn tính niêm mạc đường hô hấp, nếu không chẩn đoán đúng thì việc quản lý hen sẽ rất khó khăn. Vì vậy, người bệnh cần sớm thăm khám, điều trị bệnh ở những phòng khám, bệnh viện uy tín. Bệnh viện Vinmec là địa chỉ khám, điều trị hen phế quản uy tín. Với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, tận tình trong công việc, bạn và người thân sẽ được kiểm tra, chẩn đoán bệnh chính xác và đề xuất phương án điều trị, kiểm soát hen phế quản hiệu quả.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan