Melatonin: Công dụng, liều dùng, tác dụng phụ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc Phương Hòa - Bác sĩ Nội đa khoa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Melatonin thường được chỉ định để điều trị rối loạn giấc ngủ, như mất ngủ và mệt mỏi do thay đổi múi giờ khi đi máy bay (jet lag). Không giống như các loại thuốc ngủ khác, người sử dụng sẽ không bị lệ thuộc vào Melatonin.

1. Melatonin là gì và Melatonin có tác dụng gì?

Melatonin là một hormone được sản xuất bởi tuyến tùng, đây là tuyến có kích thước bằng hạt đậu nằm ở giữa não. Melatonin có tác dụng gây buồn ngủ nên thường được sử dụng trong việc điều hòa giấc ngủ, hỗ trợ chữa mất ngủ và nhịp sinh học nhưng nó không phải là thuốc ngủ.

Thông thường, cơ thể bạn tạo ra nhiều Melatonin vào ban đêm, thường bắt đầu tăng vào buổi tối khi mặt trời lặn và giảm dần vào buổi sáng khi mặt trời mọc. Trong cơ thể con người, loại hormone này giảm dần theo độ tuổi. Tuổi càng cao thì hormone này tiết ra càng ít đi.

2. Khi nào sử dụng Melatonin?

  • Sử dụng Melatonin khi bị mất ngủ, khó ngủ và ngủ không ngon giấc.
  • Thời gian ngủ của bạn bị thay đổi (do tính chất công việc, phải thức trong giờ ngủ bình thường và ngủ trong giờ thức bình thường). Điều này khiến bạn bị khó ngủ trong suốt thời gian ngủ ngày của bạn
  • Mất ngủ do lệch múi giờ khi di chuyển giữa các quốc gia có múi giờ khác nhau (Jet lag).

Các bác sĩ cũng đang nghiên cứu để xem liệu Melatonin có thể chỉ định cho:

  • Bệnh Alzheimer
  • Ung thư
  • Xơ cứng teo cơ cột bên (Amyotrophic lateral sclerosis)
  • Huyết áp cao vào ban đêm
  • Vấn đề về giấc ngủ ở trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ
Mất ngủ
Melatonin được sử dụng cho người mất ngủ, khó ngủ

3. Liều dùng

Đối với người lớn

  • Đối với các rối loạn ảnh hưởng ngủ và thức giấc: 0,5 mg đến 5 mg Melatonin uống hàng ngày trước khi đi ngủ với thời gian tối đa 6 năm ở người mù.
  • Đối với hội chứng rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn (Delayed Sleep Phase Disorder-DSPD): 0,3 đến 5 mg Melatonin mỗi ngày trong thời gian tối đa 9 tháng.
  • Đối với rối loạn giấc ngủ do thuốc điều trị huyết áp: 2,5 mg Melatonin uống hàng ngày tối đa 4 tuần.
  • Đối với lạc nội mạc tử cung: 10 mg Melatonin uống hàng ngày trong 8 tuần.
  • Đối với huyết áp cao: 2-3 mg Melatonin trong 4 tuần.

Đối với chứng mất ngủ của người lớn:

  • Đối với chứng mất ngủ nguyên phát: 2 mg đến 3 mg Melatonin trước khi đi ngủ với thời gian tối đa sử dụng 29 tuần
  • Đối với chứng mất ngủ thứ phát: 2-12 mg trong tối đa 4 tuần.
  • Đối với Jet lag: 0,5-8 mg Melatonin khi đi ngủ tại địa điểm đến, tiếp tục trong 2 đến 5 ngày.
  • Để giảm lo lắng trước phẫu thuật: 3-10 mg Melatonin trước 60-90 phút phẫu thuật.
  • Đối với triệu chứng đau đớn ảnh hưởng đến khớp hàm và cơ (chứng rối loạn về khớp thái dương hoặc TMD): 5 mg Melatonin khi đi ngủ trong 4 tuần.
  • Đối với mức độ tiểu cầu thấp trong máu do hóa trị để điều trị ung thư: 20-40 mg Melatonin mỗi ngày từ khi bắt đầu điều trị đến 7 ngày trước khi bắt đầu chu kỳ hóa trị mới.

Đối với trẻ em

  • Đối với các rối loạn ảnh hưởng khi ngủ và thức: 0,5-4 mg Melatonin mỗi ngày trong tối đa 6 năm ở trẻ mù.
  • Đối với hội chứng rối loạn giấc ngủ bị trì hoãn (DSPD): 1-6 mg Melatonin trước khi đi ngủ tối đa một tháng.

Đối với chứng mất ngủ của trẻ em:

  • Đối với chứng mất ngủ nguyên phát, 5 mg hoặc 0,05-0,15 mg/kg trọng lượng trong 4 tuần.
  • Đối với chứng mất ngủ thứ phát: 6-9 mg Melatonin uống trước khi đi ngủ trong 4 tuần.
  • Để giảm lo lắng trước phẫu thuật: 0,05-0,5 mg/kg trọng lượng.

4. Tác dụng phụ

Buồn nôn
Buồn nôn là tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng Melatonin

Melatonin sử dụng uống với liều lượng thích hợp được xem là an toàn.

Melatonin tác dụng phụ có thể gây ra như:

  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Buồn ngủ

Tác dụng phụ Melatonin ít phổ biến hơn nhưng có thể xảy ra gồm: cảm giác trầm cảm kéo dài, run nhẹ, lo lắng nhẹ, đau quặn bụng, khó chịu, giảm sự tỉnh táo, lú lẫn hoặc mất phương hướng và hạ huyết áp.

Vì Melatonin có thể gây buồn ngủ vào ban ngày, do đó không nên lái xe hoặc sử dụng máy móc trong vòng năm giờ sau khi uống thuốc.

Không sử dụng Melatonin nếu bạn bị bệnh tự miễn.

Tương tác thuốc

  • Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu, thảo dược và chất bổ sung do làm giảm khả năng đông máu dẫn tới tăng nguy cơ chảy máu.
  • Melatonin có thể ức chế tác dụng của thuốc chống co giật ở trẻ em bị khiếm khuyết về thần kinh.
  • Melatonin có thể làm tăng huyết áp ở những người dùng thuốc điều trị huyết áp.
  • Do Melatonin có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu nên nếu bạn sử dụng thuốc trị tiểu đường, hãy sử dụng cẩn thận Melatonin theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Sử dụng thuốc tránh thai với Melatonin có thể làm tăng tác dụng và tác dụng phụ của Melatonin.
  • Fluvoxamine (Luvox): Chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc này có thể làm tăng nồng độ Melatonin, gây buồn ngủ quá mức.
  • Melatonin có thể kích thích chức năng miễn dịch và can thiệp vào liệu pháp ức chế miễn dịch.
  • Thuốc làm giảm ngưỡng gây co giật (seizure threshold). Uống Melatonin với các loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ co giật.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org, Webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

712.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan