Thế nào là bệnh bạch cầu mãn tính dòng Lympho?

Bệnh bạch cầu lympho mạn tính thực chất là dạng ung thư của các tế bào lympho, là tình trạng tế bào gốc phát triển thành những tế bào lympho bất thường. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, giới nam và người da trắng.

1. Các loại tế bào máu

Tủy xương là loại mô xốp nằm ở phần giữa của xương. Tủy xương được biết đến như một “nhà máy” sản xuất tế bào máu. Trong cơ thể bình thường, tủy xương sản sinh ba loại tế bào máu:

  • Hồng cầu: Có nhiệm vụ chở oxy từ phổi đi khắp mọi nơi trong cơ thể.
  • Bạch cầu: Giúp chống viêm nhiễm, tiêu diệt vi trùng (khuẩn) gây bệnh và những tế bào bị tổn thương trong cơ thể. Nhìn chung bạch cầu trong cơ thể được chia thành 3 loại gồm có: Bạch cầu hạt, bạch cầu đơn nhân và bạch cầu lympho. Mỗi loại có vai trò khác nhau đối với cơ thể. Tình trạng thiếu bạch cầu làm cho con người thường hay bị viêm nhiễm và nếu bị viêm nhiễm thì bị nặng hơn, có khi nguy hiểm đến tính mạng.
  • Tiểu cầu: Làm máu đông hay vón cục để cầm máu. Nếu mạch máu bị tổn thương, các tiểu cầu sẽ dồn đến điểm này và bám dính vào nhau, tạo thành ‘nút chặn vết hở’.

2. Các loại bệnh bạch cầu thường gặp

Bốn dạng bệnh bạch cầu thông thường là:

  • Bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính (Acute Lymphoblastic Leukaemia - ALL): Đây là loại bệnh bạch cầu phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Bệnh bạch cầu nguyên bào cấp tính cũng có thể xảy ra ở người lớn.
  • Bệnh bạch cầu mạn tính dòng lympho (Chronic Lymphocytic Leukaemia - CLL): Bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho xảy ra ở người trưởng thành phổ biến nhất, bệnh nhân có thể cảm thấy khỏe trong nhiều năm mà không cần điều trị.
  • Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy (Acute Myeloid Leukaemia - AML): AML Là một loại bệnh bạch cầu phổ biến. Nó xảy ra ở trẻ em và người lớn. AML là loại bệnh bạch cầu cấp tính phổ biến nhất ở người lớn.
  • Bệnh bạch cầu nguyên bào tủy mạn tính (Chronic Myeloid Leukaemia- CML): Loại bệnh bạch cầu này chủ yếu ảnh hưởng đến người lớn. Một người mắc bạch cầu nguyên bào tủy mạn tính có thể có ít hoặc không có triệu chứng trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi bước vào giai đoạn mà các tế bào ung thư bạch cầu phát triển nhanh hơn.
Sốt giảm bạch cầu hạt trên bệnh nhân ung thư
Bệnh bạch cầu mạn tính dòng lympho (CLL)

3. Bệnh bạch cầu mạn tính dòng Lympho

Tế bào lympho là một loại tế bào bạch cầu tham gia vào hệ thống miễn dịch cơ thể. Có 3 loại tế bào lympho khác nhau:

  • Các tế bào lympho T: Là các tế bào chống lại nhiễm trùng bằng cách kích hoạt các tế bào khác trong hệ miễn dịch và phá hủy các tế bào bị nhiễm.
  • Các tế bào lympho B: Tạo thành kháng thể.
  • Các tế bào tiêu diệt tự nhiên (NK), chống lại vi khuẩn và tế bào ung thư.

Bệnh bạch cầu lympho mạn tính là tình trạng tế bào gốc phát triển thành những tế bào lympho bất thường. Những tế bào lympho này không có khả năng chống chọi lại với tình trạng nhiễm trùng. Ngoài ra, khi số lượng tế bào lympho bất thường tăng trong máu và tủy xương thì tế bào bạch cầu bình thường, hồng cầu và tiểu cầu sẽ giảm gây ra tình trạng dễ nhiễm trùng, thiếu máu và chảy máu.

Điều này có nghĩa là những người bị bệnh bạch cầu mạn tính dòng lympho có thể bị thiếu máu do tế bào hồng cầu thấp và dễ bị nhiễm trùng hơn vì họ không có đủ số lượng bạch cầu. Họ cũng dễ dàng bị những vết thâm hoặc chảy máu do lượng tiểu cầu thấp.

Thông thường, bệnh bạch cầu lympho mạn tính được chẩn đoán khi có quá nhiều tế bào lympho bất thường được tìm thấy trong máu, còn gọi là hiện tượng tăng lympho bào.

Vì đây là dạng bệnh bạch cầu mạn tính hay tiến triển chậm nên nhiều người không có bất kỳ triệu chứng nào trong ít nhất một vài năm. Nhưng theo thời gian, các tế bào phát triển và lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm các hạch bạch huyết, gan và lách.

Nguy cơ gây bệnh bệnh bạch cầu lympho mạn tính tăng theo tuổi. Gần 80% tất cả các trường hợp mới được chẩn đoán ở những người trên 60 tuổi. Bệnh hiếm gặp ở những người dưới 40 tuổi và xảy ra thường xuyên hơn ở nam giới so với phụ nữ.

Tóm lại, bệnh bạch cầu mãn tính dòng lympho là một loại ung thư ảnh hưởng đến các tế bào bạch cầu và có xu hướng tiến triển chậm trong nhiều năm. Phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng bệnh khi được chẩn đoán lần đầu tiên. Trong những trường hợp này, mọi người thường không cần điều trị trong một thời gian dài, ngoài việc kiểm tra thường xuyên với bác sĩ để theo dõi cẩn thận sức khỏe của họ. Những người khác có thể cần được điều trị ngay sau khi họ được chẩn đoán.

Lympo T
Tế bào lympho T

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

18.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan